Hãy đối xử với chính bản thân bằng lòng trắc ẩn

Lạc Hà,
Chia sẻ

Nhiều người có thể dễ dàng cảm thông và từ bi với người khác nhưng lại khó có thể làm được điều đó với chính mình.

Lòng trắc ẩn không phải là chỉ sự tốt bụng, cảm thông, yêu thương. Lòng trắc ẩn kêu gọi chúng ta hành động và giúp đỡ.

Chúng ta thường có thể dễ dàng từ bi, vị tha và sẵn sàng giúp đỡ người khác, nhưng lại khó có thể làm điều đó được với chính bản thân mình. Chỉ khi bạn đối xử với bản thân bằng lòng trắc ẩn, bằng tình yêu thương vô điều kiện, thì bạn mới có thể phát triển và trở thành một phiên bản tốt hơn hiện tại.

Hãy đối xử với chính bản thân bằng lòng trắc ẩn - Ảnh 1.

Dưới đây là 4 cách để bạn có thể đối xử với bản thân bằng lòng trắc ẩn.

1. Yêu cầu sự giúp đỡ nếu bạn cần

Hầu hết chúng ta đều cảm thấy vui khi giúp đỡ người khác, nhưng khi bản thân mình thực sự cần được giúp đỡ, chúng ta lại ngại mở lời. Đôi khi, một số người cho rằng yêu cầu sự giúp đỡ từ người khác là thể hiện sự yếu đuối, rằng bạn yêu cầu sự giúp đỡ là bạn đang thừa nhận bạn không đủ khả năng theo một cách nào đó, rằng bạn thiếu kiến thức, kỹ năng hoặc kinh nghiệm để tự làm một việc gì đó. Bạn không muốn ai thấy rằng bạn đang gặp khó khăn, bạn muốn mọi người nghĩ rằng bạn đang kiểm soát tốt và có thể giải quyết được mọi việc. 

Thực tế, yêu cầu sự giúp đỡ là một kỹ năng mà hầu hết chúng ta đều cần phải học. Những người tự tin thường yêu cầu người khác giúp đỡ, vì họ biết rằng cố gắng tự làm mọi thứ không phải lúc nào cũng là cách tốt nhất. Hãy thay đổi niềm tin và kỳ vọng của bạn, bạn không thể nào biết hết tất cả mọi thứ. Yêu cầu sự giúp đỡ là có trách nhiệm với bản thân và những người khác, và bạn có thể hoàn thành tốt mọi việc nếu có sự trợ giúp từ người khác.

2. Ngừng cố gắng sửa chữa bản thân

Mục tiêu cuộc sống của bạn không phải là trở nên hoàn hảo. Bạn là một con người, với những ưu điểm và khuyết điểm song song. 

Bạn có luôn so sánh bản thân mình với người khác và đánh giá thấp chính mình hay không? Và bất chấp những thành tựu đáng kinh ngạc của bản thân, bạn vẫn tự thuyết phục rằng bạn vẫn chưa đủ tốt, chưa đủ giỏi và thậm chí là chưa xứng đáng?

Chúng ta nghĩ rằng yêu bản thân là sửa chữa những khuyết điểm hoặc nhào nặn chính mình thành một người khác, chúng ta luôn nghĩ rằng mình cần trở nên tốt hơn, mạnh mẽ hơn, càng gần tới mức "hoàn hảo" càng tốt. Và vì vậy mà chúng ta đặt ra những kỳ vọng không thực tế vào bản thân và sau đó tự hỏi tại sao chúng ta không thể hài lòng.

Yêu bản thân, chấp nhận bản thân, hoàn thiện bản thân - những điều này là quá trình không bao giờ kết thúc, và điều đó không có nghĩa rằng bạn sẽ không bao giờ đủ tốt. Bạn cần phải ngừng sửa chữa bản thân, ngừng coi bản thân như thể là một món đồ chơi trên kệ hay một chiếc ô tô cũ trong ga-ra. 

3. Học cách nói “không”

Nhiều người trong chúng ta được nuôi dạy để luôn làm hài lòng người khác và vì vậy mà chúng ta có thể sợ người khác đánh giá bản thân một cách tiêu cực nếu chúng ta nói “không”. 

Hãy đối xử với chính bản thân bằng lòng trắc ẩn - Ảnh 2.

Thực tế, đôi khi chúng ta buộc phải nói “có” mặc dù không muốn, ví dụ như khi một người bạn hay một thành viên trong gia đình đang gặp khó khăn. Nhưng thường xuyên hơn, nói “không” là một cách để bạn chăm sóc bản thân và cũng là thực hành lòng trắc ẩn lên bản thân. 

Học cách nói "không" là điều quan trọng để có một cuộc sống khỏe mạnh và thành công. Bạn không cần phải tỏ ra thô lỗ khi từ chối yêu cầu của ai đó nhưng hiểu được tầm quan trọng của việc nói "không" và tìm ra cách thích hợp để làm điều đó là rất quan trọng. 

4. Đừng tự trách bản thân khi mọi thứ không diễn ra như bạn muốn

Khi thức dậy vào buổi sáng, hãy lập danh sách những việc bạn định làm trong ngày hôm đó rồi để nó sang một bên. Vào cuối ngày, hãy nhìn lại danh sách của bạn để xem liệu nó có giống như những gì diễn ra trong ngày của bạn hay không. Và bạn biết không, sẽ có nhiều ngày mà bạn thấy mọi chuyện không giống như những gì bạn nghĩ.

John Lennon đã từng nói, cuộc sống là những gì xảy ra với bạn trong khi bạn đang bận rộn với những kế hoạch khác nhau. 

Bạn thực sự kiểm soát cuộc sống của mình ít hơn nhiều so với những gì bạn nghĩ và việc tự trách bản thân khi mọi thứ không diễn ra như bạn đã dự định là không công bằng với chính mình.

Nguồn: Psychology Today
Chia sẻ