Hành trình vượt qua nỗi mặc cảm của người phụ nữ 34 tuổi mắc căn bệnh về da mãn tính
Người phụ nữ này được chẩn đoán mắc bệnh vẩy nến khi mới 7 tuổi và đã phải sống chung với căn bệnh này hơn hai thập kỷ.
Là một người sống chung với bệnh mãn tính, Alisha Bridges đã quá quen với việc đến gặp bác sĩ kể từ khi còn nhỏ. Bệnh vẩy nến khiến người phụ nữ này phải đi khám ít nhất 6 lần mỗi năm. Hơn nữa, Alisha cũng có nguy cơ cao mắc nhiều vấn đề sức khỏe khác do sống chung với bệnh mãn tính. Không chỉ gây khó chịu, bệnh vẩy nến còn từng khiến người phụ nữ này trở nên mặc cảm với ngoại hình của bản thân.
Dưới đây là những chia sẻ của Alisha về các triệu chứng vẩy nến đầu tiên và chẩn đoán của bác sĩ đã ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của cô:
Triệu chứng đầu tiên
Tôi mắc bệnh thủy đậu vào năm 7 tuổi. Tình trạng này nghiêm trọng đến mức các vết sẹo liên tiếp xuất hiện và biến thành những mảng da khô, dày bao phủ 90% cơ thể. Bố mẹ tôi không biết chuyện gì đang xảy ra nên họ tìm đến bác sĩ. Cuối cùng, chẩn đoán cho thấy thủy đậu đã gây ra bệnh vẩy nến, một bệnh ngoài da làm xuất hiện các mảng vảy sẫm màu và ngứa.
Bác sĩ kê nhiều loại thuốc mỡ, kem bôi và kem dưỡng da để cố gắng kiểm soát tình trạng này nhưng không có tác dụng. Do các phương pháp điều trị mạnh hơn không phù hợp với trẻ em, tôi phải sống chung với bệnh vẩy nến từ nhỏ. Khoảng thời gian đó thật đau đớn và xấu hổ. Đến năm lớp 5, tôi cố gắng che giấu làn da dưới lớp quần áo hoặc nói dối bản thân bị dị ứng, eczema. Tôi tránh bất cứ điều gì buộc phải lộ da thịt như đến hồ bơi. Mặc áo dài tay và quần dài ngay cả trong thời tiết nóng bức là hình ảnh của tôi khi còn nhỏ.
Tìm cách điều trị
Khi lớn hơn một chút và có thể thử các biện pháp điều trị mới, tôi đến gặp rất nhiều bác sĩ với hi vọng có thể trị bệnh vẩy nến dứt điểm. Từ dùng thuốc đến thay đổi lối sống, không phương pháp nào có tác dụng. Bác sĩ thậm chí còn giới thiệu một liệu pháp điều trị đặc biệt là bôi thuốc mỡ khắp người rồi mặc vào một bộ đồ chuyên dụng 8 tiếng mỗi ngày, kéo dài 3-4 tuần. Điều này thực sự không khác gì tra tấn và tất cả cố gắng đó chẳng đem lại kết quả rõ rệt.
Cũng trong khoảng thời gian này, tôi bắt đầu bị đau khớp đầu gối. Vào thời điểm đó, tôi không nghĩ hiện tượng này liên quan đến bệnh vẩy nến. Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn khi thời tiết chuyển lạnh. Tôi khó thể thực hiện các hoạt động hàng ngày và phải ngừng tập luyện. Cuối cùng triệu chứng này đã dẫn đến một chẩn đoán mới: Viêm khớp vẩy nến (PsA), một dạng viêm khớp ảnh hưởng đến một số người mắc bệnh vẩy nến.
May thay, tin tốt bắt đầu xuất hiện. Bác sĩ đã cho phép tôi sử dụng một loại thuốc kê đơn mới có tác dụng hạn chế hoặc chấm dứt tổn thương khớp liên quan đến PsA. Chúng cũng giúp điều trị các tổn thương do bệnh vẩy nến gây ra. Nhờ loại thuốc này, đau khớp đã giảm đáng kể và tạo ra sự khác biệt lớn trên làn da của tôi. Hiện tại, tôi chỉ bị vẩy nến khoảng 20%, đây thực sự là dấu hiệu đáng mừng.
Vượt qua nỗi sợ hãi
Nhìn lại hành trình đã trải qua, tôi nhận ra bản thân đã sống trong sợ hãi. Tôi vượt qua bệnh vẩy nến và PsA bằng nhiều cách khác nhau. Đầu tiên, việc tham gia cộng đồng Talk Psoriasis trên mạng vào năm 2011 đã giúp tôi có điều kiện trò chuyện với những người khác cũng đang phải sống chung với căn bệnh này. Những câu chuyện của họ khiến tôi không khỏi xúc động. Tôi cũng liên hệ với những tổ chức về bệnh vẩy nến và nhận được nhiều lời khuyên hữu ích từ đó.
Vào năm 2013, tôi nhận được giải thưởng sau khi tích cực giúp mọi người nâng cao nhận thức về bệnh vẩy nến và vận động nghiên cứu chữa căn bệnh này. Cũng vào thời điểm đó, tôi bắt đầu viết blog. Tại đây, tôi chia sẻ câu chuyện và cảm xúc của mình với mọi người. Tất cả những điều này đã góp phần chữa lành nỗi đau tinh thần do bệnh vẩy nến gây ra.
Trong tương lai, tôi mong muốn giúp mọi người hiểu hơn nữa về tác động của bệnh vẩy nến, đặc biệt là khía cạnh về tâm lý mà các chuyên gia y tế thường bỏ qua.
(Nguồn: Women'shealth)