Hạnh phúc ngày chào đời của những đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại VN
Dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng đội ngũ y bác sỹ bệnh viện Từ Dũ (Q.1, TP.HCM) vẫn không thể nào quên được ngày 3 đứa trẻ được áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam chào đời.
Hạnh phúc vỡ òa trong nước mắt
Ngày 30/4/1998 đã trở thành một dấu ấn không thể nào phai nhòa trong ký ức của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Từ Dũ (Q.1. TP. HCM). Mặc dù đã 15 năm trôi qua, nhớ lại giây phút đón nhận tiếng khóc chào đời của 3 đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ở Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng ( SN 1944, nguyên GĐ bệnh viện Từ Dũ) vẫn cảm thấy bồi hồi xúc động.
Kể về cơ duyên trở thành người đưa kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về Bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ Phượng cho biết, từ những ngày bắt đầu học và làm việc trong ngành sản, bà đã được chứng kiến cảnh những đôi vợ chồng trẻ mòn mỏi mong con. Những niềm đau ấy cứ len lỏi vào tim khiến bác sĩ Phượng quyết tâm phải làm một việc gì đó để giúp đỡ họ.
Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - người đầu tiên đưa kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về Việt Nam - (Ảnh: D.A).
“Khi khâu kỹ thuật đã xong, điều khiến tôi trăn trở nhất là áp lực từ dư luận. Thời gian ấy, trong con mắt nhiều người y học của Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao, hơn nữa kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm lâu nay chỉ diễn ra tại các bệnh viện lớn ở nước ngoài” - bác sĩ Phượng nhớ lại những ngày tháng phải vật lộn trong cơn bão dư luận.
Nhưng với khát khao giúp đỡ những cặp vợ chồng hiếm muộn, bác sĩ Phượng quyết tâm bằng mọi giá phải thực hiện được. Năm 1994, người đàn bà ấy tự thân vận động để xin học bổng, thậm chí quyết định bỏ tiền túi ra để đưa đội ngũ nhân viên, bác sĩ của bệnh viện sang Pháp và Singapore để tham quan và học hỏi kỹ thuật cũng như kinh nghiệm từ các nước đã áp dụng thành công thụ tinh trong ống nghiệm. Về mặt pháp lý, bác sĩ Phượng cùng luật sư Phan Trung Hoài đã soạn ra dự thảo quyết định thành lập ngân hàng tinh trùng cho bệnh viện Từ Dũ.
Sau nhiều năm âm thầm chuẩn bị, ngày 19/8/1997, hơn 30 phụ nữ vô sinh đầu tiên tại Việt Nam đã được chuyển phôi làm thụ tinh trong ống nghiệm. Trong số các bệnh nhân, có hơn 10 người thụ tinh thành công. Đến ngày 30/4/1998, 3 em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên chào đời, đánh dấu một bước ngoặt lớn cho ngành sản khoa Việt Nam.
Niềm vui của mọi người ngày bé Lan Thy - một trong 3 bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ở Việt Nam chào đời - (Ảnh: Tư liệu bệnh viện Từ Dũ).
Gian nan hành trình “đi tìm con”
Tìm đến nhà của một trong ba cháu bé được sinh ra đầu tiên bằng kỹ thuật này, trong căn nhà gỗ chật hẹp nhưng đong đầy hạnh phúc, anh Phạm Xuân Tài (49 tuổi) và chị Phạm Thị Thanh Dung (53 tuổi) nghẹn ngào nhớ lại giây phút con gái mình là cháu Nguyễn Tường Lan Thy chào đời.
“Mong muốn có con nhưng các bác sĩ cũng cho vợ chồng tôi biết xác suất những đứa trẻ sinh ra từ phương pháp này thường bị dị tật rất cao. Vì vậy, khi cánh cửa phòng mổ vừa mở, vợ tôi đưa 10 ngón tay lên, tôi mừng mừng tủi tủi như người mất hồn”. Vì vợ chồng đã giao kèo từ trước, nếu cháu Thy không bị khiếm khuyết bộ phận nào trên cơ thể thì chị Dung phải giơ 10 ngón tay đầy đủ cho chồng mình biết, nên khi thấy vợ vẫn còn lấp ló trong phòng mổ với những ngón tay, anh Tài hạnh phúc tột cùng, niềm vui được làm cha lâu nay, giờ đã trở thành hiện thực.
Hạnh phúc ngập tràn trong căn nhà nhỏ của cô bé Lan Thy - (Ảnh: T.G).
Bốn bề dư luận vây quanh, hai bên gia đình nội ngoại, họ hàng ai cũng trông mong có đứa cháu để sớm tối bế bồng càng khiến chị Dung và anh Tài áp lực hơn. Có bệnh thì vái tứ phương, ai chỉ gì hay nghe ở đâu có thầy thuốc giỏi, trên rừng dưới biển, chỗ nào anh Tài cũng chở vợ đến bằng được. Biết bao nhiêu tiền dành dụm, làm ăn của đôi vợ chồng ấy đã đội nón ra đi khiến cuộc sống vốn đã chật vật càng trở nên túng quấn hơn. Hành trình 10 năm tìm con trong vô vọng, giữa lúc tưởng chừng như đã bế tắc hoàn toàn thì may mắn thay, anh Tài được một người tốt bụng trong cơ quan giới thiệu đến gặp bác sĩ Phượng tại bệnh Viện Từ Dũ.
Mặc dù, đã được bác sĩ Phượng và đội ngũ y bác sĩ hết sức động viên về tinh thần nhưng đôi vợ chồng trẻ ấy vẫn luôn nặng nề về tâm lý. “Trong thâm tâm tôi luôn nghĩ còn nước còn tát nhưng ngày ấy tại Việt Nam chưa từng có ca thụ tinh trong ống nghiệm nào cả, điều đó lại càng khiến tôi lo lắng tột độ”.
Quãng thời gian vợ mang thai, tuy vui mừng nhưng đó cũng là thời điểm vô cùng cực nhọc với đôi vợ chồng trẻ. Khi có thai đến tháng thứ tư, chẳng may chị Dung đau bụng dữ dội và được kết luận nguy cơ sảy thai cao, niềm vui ngắn chẳng tày gang nhưng bằng nghị lực phi thường, vợ chồng chị đã cùng nhau bảo vệ sinh linh bé bỏng của mình khỏe mạnh cho đến khi chào đời.
Cha Lan Thy kể chuyện con gái mình. ẢNH: D.A
Ngồi nhìn con gái chơi đàn ghita trong ánh mắt hạnh phúc, anh Tài tự hào khoe với chúng tôi: “Cháu chơi đàn hay lắm, ba chỉ dạy qua một lần mà cháu đã đánh được, nó trông vậy nhưng lì lắm à, hồi học tiểu học ăn rồi mặc cảm vì bị bạn bè trêu chọc không phải con ba mẹ, thế là nó lao vào đánh bạn”. Thấm thoát đã 15 năm trôi qua, nhờ siêng năng, học giỏi nên cô bé đạt số điểm khá cao vào trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5). Tuy có sở thích đọc sách và ca hát nhưng Lan Thy lại ước mơ trở thành bác sỹ.
Hiện tại, ngoài việc học trên lớp, ở nhà, Thy dành phần lớn thời gian để giúp mẹ bán hàng trái cây và tham gia ca đoàn của nhà thờ, tập hát, dạy chữ cho các cháu thiếu nhi. Giải thích về ước mơ của mình, Lan Thy ngượng ngùng: “Từ khi được ba cho xem những bài báo viết về ngày em ra đời, nhìn hình ảnh các cô chú bác sĩ khổ cực để cho em chào đời, em luôn cố gắng học thật giỏi, sau này trở thành bác sĩ sẽ lại tiếp tục đem hạnh phúc đến cho nhiều người, như vậy vui lắm”
Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm Chương trình thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) tại Bệnh viện Từ Dũ được triển khai từ năm 1997. Cho đến nay, chương trình đã điều trị cho hơn 6.000 trường hợp, đến tháng 9/2005 đã có 2.000 em bé ra đời và hơn 200 bà mẹ khác đang mang thai. Dù TTTON ở Việt Nam được thực hiện sau thế giới gần 20 năm, sau Singapore (nước đầu tiên ở Châu Á thành công) gần 15 năm, TTTON ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Trong 1.000 em bé TTTON trên toàn thế giới hiện nay, thì có 1 em bé Việt Nam. Hiện nay, bệnh viện Từ Dũ đã trở thành trung tâm TTTON lớn nhất, thực hiện được nhiều kỹ thuật, số chu kỳ thực hiện hàng năm và có tỉ lệ thành công thuộc loại cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. |