Hà Nội mưa ngập thường xuyên, nhiều người sẽ phải "đương đầu" với một loại sinh vật
Loại sinh vật đó là nguyên nhân gây bệnh ghẻ nước. Không quá nguy hiểm nhưng chúng lại vô cùng phiền toái.
Sống tại Hà Nội những ngày này, có lẽ ai rồi cũng thấy cảnh mưa ngập là "chuyện thường ở huyện". Một cơn mưa to bất ngờ ập đến. Chừng 1 tiếng như vậy, đảm bảo thủ đô của chúng ta sẽ ngập trong biển nước mênh mông. Những đôi chân lội nước bì bõm. Xe ngập đến nửa, chết máy la liệt. Ô tô bất động. Đi xe máy cũng chẳng khá hơn. Người người bì bõm lội trong làn nước bẩn, ì ạch và khó nhọc dắt từng chiếc xe... Tình trạng này khiến nhiều người mắc căn bệnh mang tên ghẻ nước.
Ghẻ nước là gì?
Theo Webmd, ghẻ nước không phải là bệnh nhiễm trùng. Đó là bệnh truyền nhiễm. Những con ghẻ nhỏ xíu có tên là Sarcoptes scabiei "đào bới" và làm tổ ở lớp ngoài của da người. Khi chúng đào hang và đẻ trứng vào bên trong da, người bị tấn công sẽ thấy ngứa ngáy không ngừng, nổi nhiều mẩn đỏ nối tiếp nhau.
Người bị ghẻ nước xuất hiện triệu chứng gì?
Một người bị ghẻ nước lần đầu tiên có thể mất 4-6 tuần để da xuất hiện triệu chứng. Các triệu chứng phổ biến nhất là:
- Ngứa dữ dội, nhất là vào ban đêm.
- Nổi phát ban giống mụn.
- Xuất hiện vảy hoặc mụn nước.
- Xuất hiện vết loét do gãi.
Ghẻ nước dễ bị nhầm với các tình trạng da khác?
Trong giai đoạn đầu, người bị ghẻ nước có thể bị nhầm với các tình trạng da khác vì phát ban trông khá giống nhau. Bạn có thể nhầm mình bị mọc mụn trứng cá hay muỗi đốt... Điều duy nhất tạo nên sự khác biệt ở người bị bệnh ghẻ nước chính là tình trạng ngứa ngáy không ngừng, có xu hướng nghiêm trọng hơn ở người già và trẻ nhỏ.
Ghẻ nước tấn công bạn do những nguyên nhân nào?
Nguyên nhân đầu tiên là do mưa ngập diễn ra liên tục. Đôi chân bao lần lội nước để qua đường dưới làn nước ô nhiễm tạo điều kiện cho vi khuẩn và ký sinh trùng phát triển mạnh. Trong vô số những ký sinh trùng đó có Sarcoptes Scabiei. Thường xuyên phải lội nước hay đơn giản là đi giày ướt, lười tắm gội, vệ sinh cơ thể kém sạch sẽ... thì cứ xác định: một ngày đẹp trời, ghẻ nước sẽ ghé thăm.
Ở một diễn biến khác, khi bạn sống rất sạch sẽ nhưng vẫn không tránh khỏi ghẻ nước do bị lây nhiễm. Việc sống chung, sinh hoạt chung ở những nơi đông đúc, kém vệ sinh... chính là nguyên nhân khiến người sạch hóa bẩn, không ghẻ bỗng có ngày hóa ghẻ. Bệnh ghẻ nước cực dễ lây nhiễm từ người này qua người kia theo những cách này.
Và tất nhiên, không loại trừ việc mặc chung quần áo, sử dụng chung đồ, tiếp xúc trực tiếp... với người bị ghẻ nước. Vào mùa mưa bão, ai có nếp sống như này quả thực đáng lo.
Vậy, làm sao để phòng tránh bệnh ghẻ nước?
Ghẻ nước có nguy cơ bùng phát tại một đô thị hiện đại như Hà Nội trong mùa mưa bão. Chúng không quá nguy hiểm nhưng lại vô cùng phiền phức, gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Lâu không can thiệp, chúng sẽ gây nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, người bị mắc thậm chí phải dùng kháng sinh. Để phòng tránh bệnh ghẻ nước, các chuyên gia khuyến cáo:
- Hạn chế tối đa tiếp xúc nước bẩn, nước ngập lụt ngoài đường trong thời điểm này. Nếu không thể, bạn nên tìm cách nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng đó, dùng nước sạch để rửa ngay lập tức. Bạn cũng có thể tắm gội luôn để đảm bảo toàn bộ cơ thể được sạch sẽ.
- Trong những ngày mưa đừng dại đi giày. Sử dụng những đôi dép thông thoáng giúp cả chân lẫn dép đều nhanh chóng được làm sạch, khô. Nếu lỡ đi giày, tuyệt đối không xỏ giày ẩm ướt, đi tất ẩm. Nên giặt sạch, phơi khô giày, tất sau mỗi lần lội nước.
- Không dùng chung đồ, không tiếp xúc với người bị ghẻ nước cũng như có bệnh ngoài da. Ngay cả những người không bị cũng không nên dùng chung đồ.
- Chú ý vệ sinh cơ thể sạch sẽ sau mỗi ngày. Đặc biệt là sau khi đi từ ngoài đường về, tiếp xúc với nước mưa, nước bẩn...