Gia Lai phát hiện thêm 9 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó có cha mẹ của bé 4 tuổi vừa tử vong
Trong 9 ca dương tính với bạch hầu mà ngành y tế tỉnh Gia Lai vừa phát hiện thêm, có 4 trường hợp là trẻ em. Ngoài ra, cha mẹ của cháu bé 4 tuổi tử vong vì bạch hầu vào sáng 5/7 cũng được xác định mắc bệnh.
Thông tin này được ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết trong chiều 5/7.
Cụ thể theo ông Hải ngay từ sau khi phát hiện bé Vung (4 tuổi, ngụ làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) mắc bệnh bạch hầu, ngành chức năng đã khoanh vùng và lấy tổng cộng 26 mẫu bệnh phẩm những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhi trong làng.
Sau khi bệnh nhi 4 tuổi tử vong vì bạch hầu thanh quản ác tính, biến chứng đa phủ tạng quá nặng vào sáng cùng ngày, 9/26 mẫu bệnh cho kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu.
9 trường hợp nhiễm bệnh có cha, mẹ, bà con họ hàng, người quen của bé Vung, là đồng bào dân tộc Ba Na. 4 trong số các trường hợp là trẻ em.
"Các bệnh nhân đã được chuyển lên Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Gia Lai điều trị, hiện sức khỏe đều ổn.
Chúng tôi đã chỉ đạo địa phương cấp phát thuốc miễn phí cho toàn xã, khám sàng lọc những ca có sốt, khoanh vùng nơi bùng phát dịch. Chính quyền xã, Đảng uỷ, UBND xã đều vào cuộc để thành lập ban chỉ đạo phòng chống, dịch.
Ở khu vực cách ly, chúng tôi cũng yêu cầu người dân hạn chế qua lại nhà của nhau, chỉ ra vào khi thực sự cần thiết" - ông Hải nói.
Trước đó như đã thông tin, ngày 28/6 bé Vung cùng mẹ đến Kon Tum thăm người thân và khởi phát dấu hiệu sốt, ho, đau họng.
Gia đình có đi mua thuốc cho bé uống nhưng không hiệu quả. Ngày 3/7, bệnh nhi nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé có áp xe amidan thành họng. Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với bạch hầu.
Ngay sau đó, bé được chuyển đến BV Nhi Gia Lai trong tình trạng viêm họng, thanh quản giả mạc, viêm phổi nặng. Tình trạng sức khỏe dần chuyển biến xấu khiến bệnh nhân phải thở máy.
Dù các bác sĩ đã tích cực điều trị, cho thở máy, đặt nội khí quản nhưng bé không qua khỏi.
Đây là ca bạch hầu tử vong đầu tiên ở Gia Lai nhưng là ca thứ 3 tử vong tại Tây Nguyên và cả Việt Nam (trước đó là 2 trường hợp bệnh nhi 9 tuổi và 13 tuổi ở Đắk Nông).
Đáng chú ý, bệnh nhi đã được tiêm chủng đầy đủ trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bao gồm 3 mũi Quinvaxem (có vaccine phòng bạch hầu) vào thời điểm 1 tuổi và có tiêm nhắc lại mũi thứ 4.
Theo bác sĩ Hải, có khoảng 18-20% trường hợp được tiêm vaccine nhưng không có miễn dịch trong người.