“Gia cố” hệ miễn dịch: Ngủ sâu - phương pháp không tốn tiền để cơ thể phòng chống dịch do virus corona lan rộng
Ngủ sâu không lo lắng quá mức là một trong những cách rẻ tiền nhất để bảo vệ cơ thể khỏe mạnh, giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp phòng chống virus corona hiệu quả.
Hệ miễn dịch có thể được xem như hệ thống quốc phòng của cơ thể để chống lại các tác nhân gây nguy hiểm xâm nhập từ bên ngoài. Người có sức đề kháng và chống bệnh tốt hơn sẽ khó mắc bệnh hơn, nếu không may mắc bệnh cũng sẽ biến chuyển nhẹ hơn và khả năng khỏi bệnh cao hơn, nhất là với các bệnh lý chưa có thuốc điều trị đặc hiệu như là bênh gây ra do virus trong đó có virus corona.
Bạn đã hiểu đúng về virus corona? Hãy thử làm bài test ngay dưới đây nhé!
Vậy thì chúng ta có thể làm những gì để "gia cố" cho hệ miễn dịch, tuyến phòng vệ sát sườn nhất của cơ thể nhằm bảo vệ tốt nhất cho chính mình trong tình trạng dịch virus corona đang lan nhanh và chưa thể kiểm soát hết được như hiện nay?
Xin giới thiệu loạt bài viết hướng dẫn rất giá trị của TS.BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng ĐH Y Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh).
Bài 4: Ngủ sâu-phương pháp không hề tốn tiền mà lại giúp cơ thể phòng chống dịch
Vì sao cần ngủ sâu?
Lão Tử, tức Thái Thượng Lão Quân, người khai sinh ra Đạo giáo và là người viết ra Đạo Đức Kinh, nhấn mạnh một đạo lý cơ bản vẫn được lưu truyền và áp dụng đến ngày nay: nhu sẽ thắng cương, tĩnh sẽ thắng động… Các phương pháp tập luyện để tăng cường sức khoẻ bằng cách thiền định, tu tập, thái cực quyền… đều dựa trên đạo lý này.
Cơ sở khoa học của việc tăng cường sức khoẻ bằng các biện pháp chậm và nhu này chính là hiệu quả làm giảm hoạt động của mọi cơ quan trong cơ thể: tim đập chậm lại, mạch máu giãn ra, thần kinh dịu đi, nhịp thở giảm hơn, tốc độ lưu thông của máu trong mạch chậm hơn, các tuyến nội tiết hay ngoại tiết đều làm việc nhẹ nhàng hơn, thân nhiệt giảm nhẹ…
Không chỉ có ngủ sâu để tăng cường miễn dịch, phòng chống virus corona hiệu quả, bạn có thể tham khảo thêm những cách khác để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này ngay tại đây!
Có một điều ít người chú ý để nhận ra: khi ngủ sâu là khi cơ thể đạt được trạng thái sinh lý tương tự như lúc nhập thiền sâu nhất, tức là khi đó các cơ quan trong cơ thể đều giảm hoạt động một cách sinh lý. Từng tế bào trong cơ thể đều nhẹ nhàng bước vào giai đoạn nghỉ ngơi và hồi phục, bao gồm cả các tế bào miễn dịch.
Chưa hết, khi tốc độ chuyển hoá giảm, tế bảo sẽ giảm sử dụng năng lượng và giảm thải chất cặn bã, môi trường bên trong cơ thể trở nên sạch sẽ, trong trẻo hơn, và môi trường đó giữ cơ thể ở trạng thái ít có nguy cơ tổn hại nhất.
Giờ thì bạn đã hiểu vì sao bạn cần ngủ đủ ít ra là trong thời gian này, khi bắt buộc phải tăng cường sức đề kháng cá nhân để chống chọi với corona virus rồi.
8 điều cần chú ý để giấc ngủ đạt tiêu chuẩn giấc ngủ khoẻ mạnh:
1. Giấc ngủ quan trọng nhất là giấc ngủ trong đêm, thuận theo sinh lý, phù hợp với chu kỳ mặt trời mặt trăng của thiên nhiên. Các giấc ngủ bù vào ban ngày dù dài giờ đến đâu, cũng khó đạt được hiệu quả tăng miễn dịch tốt như giấc ngủ đêm.
2. Tổng thời gian ngủ trong đêm trung bình là 7-8g với người lớn và 8-10g đối với trẻ em.
3. Thời điểm đi ngủ tốt nhất là khoảng 9-10g đêm. Khi đi ngủ sớm, bạn sẽ có giấc ngủ sâu vào khoảng nửa đêm, tức là cơ thể bạn giảm hoạt động cùng nhịp với thiên nhiên. Đi ngủ quá muộn làm thời gian của giấc ngủ sâu ngắn lại, cơ thể không đủ thời gian nghỉ ngơi, hồi phục.
4. Môi trường của giấc ngủ phải là môi trường phù hợp nhất với thần kinh và không gây kích thích giác quan của bạn. Nhiệt độ phòng khoảng 26-27 độ C (80-81 độ F) là phù hợp, ánh sáng thật nhẹ hoặc tắt đèn, phòng yên tĩnh, thoáng khí, không có cây xanh quá nhiều, không có nguồn cháy trong phòng kín (nến, than củi…).
5. Gối mền không cần phải đắt tiền, nhưng luôn cần êm ái, sạch sẽ, thơm tho…
6. Giấc ngủ tốt nhất là giấc ngủ sâu không mộng mị. Giấc mơ được tạo ra do các dữ liệu được lưu trong tiềm thức khi bạn sống, làm việc, vui chơi, xem, đọc, tưởng tượng… Vì vậy, chỉ có thể đạt được giấc ngủ tốt nếu tiềm thức không lưu giữ các ký ức sợ hãi, lo lắng, buồn đau, ấm ức… Tiềm thức càng có nhiều dữ liệu tiêu cực và căng thẳng, giấc mơ càng đáng sợ và ngược lại. Những giấc mơ dữ làm tăng kích thích thần kinh thực vật, làm tăng nhịp tim nhịp thở, tăng huyết áp, tăng hoạt động các tuyến mồ hôi, tuyến nội tiết, ngoại tiết..
Vì vậy, điều cần làm để có một giấc ngủ tốt cho sức khoẻ là phải giữ cho tinh thần luôn ổn định, thư thái, vui vẻ, bỏ qua những lo âu buồn bực không hiệu quả, tức là lo âu "suông" chứ không giải quyết được vấn đề. Vì vậy, nên tập thói quen trước khi đi ngủ 3 giờ, chỉ xem hay đọc những gì nhẹ nhàng, trò chuyện về những chủ đề vui vẻ, nhớ về những ký ức dịu dàng…
7. Nên tắm nước ấm để làm giãn mạch nhẹ, dịu thần kinh, và giữ cơ thể sạch sẽ trước khi vào giường.
8. Giấc ngủ luôn bị ảnh hưởng bởi tình trạng cơ thể lúc bạn đi ngủ. Nếu đi ngủ với cái dạ dày đầy căng, uống quá nhiều nước, hoặc với một lượng cồn đầy trong máu thậm chí là trong tế bào thần kinh… thì khó ngủ sâu cho được. Việc dùng thuốc ngủ cũng tương tự như khi uống chất cồn, sẽ gây ra giấc ngủ không sinh lý, và sau giấc ngủ thì cơ thể bạn, nhất là hệ thần kinh, thường mệt mỏi, rã rời hơn.
Vì vậy, nên ăn bữa tối cách 3 giờ trước khi đi ngủ, bữa tối nên ăn bữa nhỏ, chọn thức ăn nhẹ, dễ tiêu, uống vừa phải nước và chỉ dùng tối đa 1 đơn vị chất cồn trong bữa tối (tương đương 330ml bia, 200ml rượu vang hoặc 60ml rượu mạnh).
Dấu hiệu dễ dàng nhất để nhận ra bạn đã có một giấc ngủ tốt là tình trạng thoải mái dễ chịu, sảng khoái, sung mãn cả về tinh thần và thể chất khi thức giấc.