Ghi nhận 50 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết trên cả nước: Những lưu ý phòng bệnh người dân không được bỏ qua

MT,
Chia sẻ

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là loại bệnh mắc phải khi nhiễm virus Dengue do muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn truyền nhiễm cho.

Cả nước đã ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc sốt xuất huyết

Ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2019 đến ngày 27-10, cả nước đã ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 50 trường hợp tử vong.

Số ca tử vong xảy ra tại các tỉnh miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong này ở Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực và thế giới. Ngay tại Philippines, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận gần 400.000 ca sốt xuất huyết với gần 2.000 ca tử vong.

Theo ông Phạm Hùng, từ tháng 4-2019 đến nay, các đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến các vùng trọng điểm sốt xuất huyết, yêu cầu các địa phương tăng cường phòng chống dịch bệnh. Qua kiểm tra, ở một số nơi, người dân vẫn chủ quan trong phòng bệnh. Thậm chí, có nơi người dân không hợp tác với ngành Y tế để phun thuốc diệt muỗi, hay đóng cửa không cho cán bộ y tế vào nhà kiểm tra và tìm diệt ổ bọ gậy.

Đến nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đã chững lại nhưng số mắc vẫn rất cao, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Hiện, 63 tỉnh, thành phố đều có bệnh nhân sốt xuất huyết.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là loại bệnh mắc phải khi nhiễm virus Dengue do muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn truyền nhiễm cho. Căn bệnh này đã được ghi nhận từ thế kỷ XIII, đã xảy ra trên 100 nước với số ca nhiễm bệnh lên đến 50-1000 ca mỗi năm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp sốt xuất huyết vào nhóm những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần được quan tâm.

Ghi nhận 50 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết trên cả nước: Những lưu ý phòng bệnh người dân không được bỏ qua - Ảnh 1.

Giai đoạn tiến triển của bệnh sốt xuất huyết

Giai đoạn 1: Các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường: người bệnh bị sốt cao 39 – 40 độ C một cách đột ngột trong 1 hoặc 2 ngày đầu. Cần phải đưa người bệnh đến các trung tâm y tế để làm xét nghiệm Dengue NS1 Ag ngay và nhanh chóng điều trị nếu nhận kết quả dương tính.

Giai đoạn 2: Từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, giai đoạn rất nguy hiểm, các triệu chứng nặng của sốt xuất huyết bắt đầu được nhận thấy: xuất huyết dưới da ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi; chảy máu cam; chảy máu chân răng. Những biến chứng nặng hơn sẽ xuất hiện: bệnh nhân có thể bị chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não. Ở giai đoạn này, người bệnh cần được theo dõi sát sao và xét nghiệm tiểu cầu thường.

Giai đoạn 3: Giai đoạn hồi phục, người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường.

Phòng bệnh sốt xuất huyết

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng, bọ gậy như: Bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu, các dụng cụ khác như lon, chai, lọ… để muỗi không vào đẻ trứng.

- Thực hiện thường xuyên các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; 

- Thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như bát kê chân chạn, lọ hoa, khay nước của tủ lạnh hay điều hòa, máng thoát nước, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh; Lật úp các dụng cụ không chứa nước; Thay nước bình hoa/bình bông; Bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng/bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng.

- Loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Xem thêm để sớm nhận ra những DẤU HIỆU NHẬN BIẾT, CÁCH PHÒNG BỆNH, ĐIỀU TRỊ BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT.

Chia sẻ