Gần 900 người Việt tử vong vì căn bệnh ung thư này mỗi năm: Thấy tiểu gắt, tiểu ra máu hãy cảnh giác
Thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.502 trường hợp mắc mới và 883 trường hợp tử vong do căn bệnh ung thư này.
Thông tin này được đại diện Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho biết tại hội thảo chuyên sâu về ung thư bàng quang được tổ chức tại TP.HCM, với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu nghành về ung thư đến từ Nhật Bản.
Cụ thể theo số liệu của Tổ chức ghi nhận Ung thư thế giới GLOBOCAN 2018, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1502 trường hợp mắc mới và 883 trường hợp tử vong do ung thư bàng quang.
Chuyên gia ung thư từ Nhật Bản trình bày về những phương pháp trị ung thư bàng quang tiên tiến hiện nay.
Riêng tại Bệnh viện Bình Dân trong năm 2018 đã tiếp nhận điều trị ung thư bàng quang cho 1873 trường hợp; phẫu thuật cho 1812 trường hợp. Trong đó nhiều trường hợp bướu bàng quang đã ở giai đoạn tiến triển, bướu xâm lấn cơ khiến người bệnh buộc phải chấp nhận cắt toàn bộ bàng quang và phần phụ.
Độ tuổi thường phát hiện bệnh ung thư bàng quang là trên 50-60 tuổi. Đáng lưu ý, trong thời gian gần đây, nhiều trường hợp ung thư bàng quang ở độ tuổi mới ngoài 30 được ghi nhận. Cá biệt có trường hợp mới hơn 20 tuổi.
Phó Giáo sư Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân chia sẻ, ung thư bàng quang nằm trong nhóm các bệnh ung thư thường gặp nhất. Đây cũng là ung thư thường gặp nhất trong số các bệnh ung thư tiết niệu.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1502 trường hợp mắc mới và 883 trường hợp tử vong do ung thư bàng quang.
Đáng chú ý, triệu chứng của ung thư bàng quang không đặc hiệu nên dễ bị bỏ sót. Cụ thể với các triệu chứng không đặc hiệu như rối loạn đi tiểu, tiểu máu, tiểu nhiều lần, tiểu gắt, nhiễm trùng tiểu…bướu bàng quang dễ bị nhầm lẫn bệnh lý không ác tính khác ở bàng quang và đường tiết niệu nói chung như viêm đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu…
Yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư bàng quang là hút thuốc lá, làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều với hóa chất (đặc biệt là hóa chất nhuộm), nhiễm trùng niệu tái đi tái lại, sỏi đường tiết niệu không điều trị đầy đủ làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang.
Theo Phó Giáo sư Cẩm Hoàng, việc phát hiện và điều trị bướu bàng quang ở giai đoạn sớm giúp tăng tỉ lệ sống còn, tăng chất lượng sống sau điều trị.
Phương pháp phát hiện và điều trị sớm bướu bàng quang
Do đó hướng tới mục tiêu điều trị triệt căn cho người bệnh với sự xâm lấn tối thiểu, thời gian qua các bác sĩ tại Việt Nam nói chung và Bệnh viện Bình Dân nói riêng đã chú trọng đến việc phát hiện và điều trị sớm bướu bàng quang cũng như nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật để theo dõi chặt chẽ sau can thiệp phẫu thuật cho người bệnh.
Trong đó, phẫu thuật cắt bướu bàng quang qua nội soi đang là một trong những lựa chọn tiên tiến nhất.
Như trường hợp của chị N.T.P (42 tuổi), bị tiểu buốt và đau vùng hạ bộ kéo dài. Bệnh nhân được chẩn đoán là viêm đường tiết niệu nhưng uống thuốc không hết. Đến khám nội soi bàng quang tại Bệnh viện Bình Dân, chị phát hiện bướu bàng quang kích thước đã 23x29mm.
Ngày 22/3, các bác sĩ đã dùng phương pháp cắt đốt nội soi điện lưỡng cực (En - bloc) bóc trọn khối bướu cho bệnh nhân trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Hiện trình trạng của chị P. đã ổn định.
Bác sĩ dùng phương pháp cắt đốt nội soi điện lưỡng cực bóc tách hoàn toàn khối bướu bàng quang cho nữ bệnh nhân.
Kíp mổ cho biết với những khối bướu nhỏ vì được phát hiện kịp thời, việc áp dụng cắt đốt nội soi điện lưỡng cực sẽ giúp thời gian phẫu thuật ngắn, ít mất máu, hồi phục nhanh hơn. Đồng thời bệnh nhân không phải cắt bỏ và tạo hình bàng quang bằng ruột, tránh được các vấn đề về kiểm soát tiểu sau này.
Tuy nhiên nếu khối bướu quá to, kỹ thuật này sẽ khó thực hiện vì gây nguy cơ chảy máu trong quá trình phẫu thuật.
Do đó, để tránh bỏ sót bệnh và điều trị sớm, người bệnh khi có các triệu chứng như trên cần đi thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tiết niệu.