Căn bệnh ung thư này ngày một gia tăng ở người trẻ tuổi: Những lưu ý cần biết để bảo vệ mình
Nếu bạn sinh năm 1990, bạn có nguy cơ mắc ung thư ruột già cao gấp đôi và ung thư đại trực tràng cao gấp 4 lần do với người sinh năm 1950.
Khi nghe đến cụm từ "ung thư ruột già" (hay còn gọi là ruột kết, kết tràng) có lẽ bạn sẽ cho rằng đó là căn bệnh chỉ xảy ra ở thế hệ ông bà mình. Thế nhưng, nghiên cứu mới báo động cho thấy tỉ lệ mắc bệnh này đang tăng nhanh ở những người trẻ tuổi. Nếu bạn sinh năm 1990, bạn có nguy cơ mắc ung thư ruột già cao gấp đôi và ung thư đại trực tràng cao gấp 4 lần do với người sinh năm 1950 (theo tài liệu nghiên cứu năm 2017 được công bố trên tạp chí của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ).
[Xem thêm: Tưởng bị bệnh trĩ nhưng hóa ra là triệu chứng ung thư đại trực tràng]
"Tất cả chúng ta đều cảm thấy bối rối và mơ hồ vì điều này" - Mark Pochapin, bác sĩ y khoa, hiện công tác tại New York University Langone Health, cho biết.
Thậm chí, nghiên cứu còn chỉ ra, những người dưới 55 tuổi có khả năng được chẩn đoán mắc bệnh ở giai đoạn cuối cao hơn gần 60% so với người trên 55.
Edith Mitchell, bác sĩ y khoa, công tác tại Trung tâm nghiên cứu ung thư Sidney Kimmel, kể lại: "Khi một thanh niên 25 tuổi có máu xuất hiện trong phân và thói quen đại tiện bị thay đổi đột ngột, các bác sĩ hiếm khi nghĩ đến ung thư và không đưa ra các xét nghiệm sàng lọc, chẳng hạn như nội soi. Kết quả là, bệnh nhân không được chẩn đoán cho đến khi ung thư đã phát triển đến giai đoạn muộn hơn. Thật đáng kinh ngạc, họ đa phần là bệnh nhân trẻ, có đến 40% bệnh nhân của tôi bây giờ ở độ tuổi dưới 50".
Ung thư ruột già hay trực tràng ở người trẻ tuổi thường nhầm lẫn với các yếu tố nguy cơ khác như bệnh viêm ruột, viêm loét đại tràng hoặc hội chứng di truyền như hội chứng Lynch. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, những ca bệnh trẻ tuổi mà họ tiếp nhận, lại thường không rõ lý do vì sao lại mắc phải.
"Sự gia tăng của ung thư đại trực tràng ở người trẻ hiện nay song song với sự gia tăng của 'đại dịch béo phì'. Vì vậy, khá hợp lý khi nghĩ rằng đó cũng là một yếu tố gây ung thư. Bác sĩ David Liska cho hay.
Những nguyên nhân gây ra béo phì cũng chính là nguy cơ gây ung thư ruột kết, bao gồm: Một chế độ ăn quá nhiều chất béo, thịt đỏ nhưng ít rau xanh và chất xơ, cũng như thói quen lười vận động. Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân trẻ có cân nặng bình thường, lối sống lành lạnh vẫn bị ung thư ruột kết, như vậy phải còn những lý do khác nữa.
Một giả thuyết cho rằng, những thay đổi trong microbiome (toàn bộ hệ gen của các vi sinh vật trên cơ thể con người) – vi khuẩn trong đường tiêu hóa – cũng có thể là một yếu tố. Người trưởng thành hiện nay có thể đã tiếp xúc với rất nhiều loại thuốc kháng sinh khi còn nhỏ và ăn nhiều thực phẩm đóng hộp chế biến sẵn, thức ăn nhanh hơn thời cha mẹ chúng – bác sĩ Mark Pochapin lưu ý. Theo đó, điều này làm thay đổi các vi khuẩn đường ruột, tạo điều kiện để các tế bào ung thư phát triển.
[Xem thêm: Ung thư đại trực tràng do thói quen xấu, làm ngay 7 khuyến cáo sau để phòng]
Dưới đây là những lưu ý mà mọi người cần biết để bảo vệ chính mình trước nguy cơ ung thư ruột kết, nhất là những người trẻ tuổi.
Tìm hiểu tiền sử bệnh của người thân
Một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên Tạp chí Ung thư lâm sàng (Hoa Kỳ), có đến 35% người dưới 35 tuổi mắc ung thư ruột kết do đột biến gen. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Đa polyp tuyến gia đình (FAP) và Hội chứng Lynch là hai yếu tố di truyền chính làm tăng nguy cơ mắc ung thư ruột kết.
FAP là bệnh di truyền hiếm, gây ra những khối u phát triển trên bề mặt lớp biểu mô đại tràng (còn gọi là polyp) tạo thành các khối u ác tính và gây ra ung thư. Còn Hội chứng Lynch còn được gọi là ung thư đại trực tràng di truyền không do polyp.
"Ngoài ra, còn có rất nhiều đột biến gen khác mà chúng ta chưa biết đến" - bác sĩ David Liska khẳng định. Nếu người trong gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh thì bạn cũng nên đi làm các xét nghiệm di truyền để xem liệu bạn có gen đột biến gây ung thư hay không.
Giữ cơ thể cân đối, tránh thừa cân béo phì
Theo một đánh giá năm 2018 được công bố trên Tạp chí Ung thư Quốc tế, những người thừa cân trước độ tuổi 30 có nguy cơ mắc ung thư ruột kết cao hơn giai đoạn sau. Phụ nữ ở độ tuổi 20, 30 và 40 bị thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao gấp đôi so với phụ nữ có cân nặng bình thường.
Hãy thay đổi khẩu phần ăn của mình bằng chế độ ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và một ít lượng thịt đỏ. Tăng cường tập thể dục thể thao, không hút thuốc, hạn chế bia rượu sẽ làm giảm nguy cơ ung thư ruột kết.
Sàng lọc càng sớm càng tốt
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo tất cả người trưởng thành bắt đầu sàng lọc ung thư ruột kết ở độ tuổi 45. Bạn đến bệnh viện tiến hành nội soi - xét nghiệm. Các bác sĩ sẽ sử dụng ống mềm, nhẹ để kiểm tra polyp ở trực tràng và đại tràng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể làm xét nghiệm sàng lọc tại nhà, được gọi là xét nghiệm hóa miễn dịch phân (FIT), tự kiểm tra máu ẩn trong phân nhưng kết quả sẽ không thể tốt bằng việc bạn đến bệnh viện với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao. Nếu gia đình bạn có tiền sử mắc ung thư ruột kết, bạn cần sáng lọc sớm hơn, từ 20-30 tuổi.
Lắng nghe cơ thể của bạn
"Hầu hết những người trẻ tuổi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ruột kết đều phát triển đầu tiên là ở phần dưới của ruột, thường xuất hiện dưới dạng chảy máu trực tràng. Khi có dấu hiệu này, bạn cần yêu cầu nội soi ngay lập tức", bác sĩ Pochapin nhấn mạnh.
Bạn cũng nên cảnh giác với bất kỳ thay đổi nào trong chức năng ruột, có nghĩa là tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài hơn một vài ngày. Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất là phân trở nên mỏng hơn, nhỏ và dẹt hơn bình thường. Đây có thể là do có một vật cản (như khối u ) khiến phân bị chặn lại và khó thoát ra ngoài.
Edith Mitchell kể lại: "Một bệnh nhân nữ 15 tuổi trước đó đã phàn nàn về các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng nhưng bác sĩ của cô bé chỉ nhắc đi nhắc lại rằng đó là do vấn đề về kinh nguyệt. Cho đến khi cô bé tử vong, người ta mới chẩn đoán ra căn bệnh ung thư của cô ấy". Vì vậy, nếu cảm thấy bác sĩ hiện tại bỏ qua vấn đề lo lắng của bạn, hãy mạnh dạn thay đổi nơi thăm khám!