Được người đàn ông không cùng huyết thống nuôi lớn, tới khi trưởng thành, tôi mới hiểu rõ sự thật
Tôi chưa từng khóc trước mặt ông nhưng hôm ấy tôi đã khóc.
Cha tôi mất khi tôi còn chưa nhớ được mặt ông. Lúc đó mẹ tôi mới 30 tuổi, một mình nuôi tôi trong căn nhà nhỏ, chật hẹp.
Khi tôi lên 6, mẹ dẫn về một người đàn ông tên Hùng. Ông cao lớn, lưng thẳng, nói năng gọn gàng, có vẻ gì đó lạnh lùng và khó gần. Tôi không ưa ông từ ánh nhìn đầu tiên. Ông không cố lấy lòng tôi như những người đàn ông khác từng đến rồi đi. Ngược lại, ông nghiêm khắc đến khó chịu, ăn cơm không được bỏ thừa hạt nào, học bài không được sai một phép tính, đánh răng phải đúng hai phút.
Tôi thường xuyên chống đối, lúc thì trốn học, lúc thì nói hỗn, có lần tôi thẳng thừng bảo mẹ: "Con không cần một người lạ làm cha".
Ông không nói lại một lời nhưng sáng hôm sau vẫn là ông dắt xe chở tôi đi học, vẫn là ông chờ ngoài cổng mỗi lần trời mưa, áo mưa đem theo luôn có hai cái.
Năm tôi vào cấp ba, tôi mới biết học phí trường tư mà tôi đang theo là hơn chục triệu một tháng. Là ông âm thầm xoay xở từng đồng, cắt cả chi tiêu của bản thân. Tôi nhớ có lần ông cãi nhau với mẹ chỉ vì tôi muốn học thêm tiếng Anh ở trung tâm, và ông thì vừa đóng học phí xong, chưa lãnh lương nhưng cuối cùng tôi vẫn được đi học.
Dù vậy, tôi vẫn chưa thay đổi, mãi đến khi tôi đi du học, tự sống giữa xứ người, tự xoay xở giữa chợ đời, tôi mới hiểu cái gọi là "nghiêm khắc" mà ông từng dành cho tôi… thật ra chính là sự chuẩn bị âm thầm cho tôi lớn lên không bị cuộc đời vùi dập.
Lúc tôi về nước, đã 30 tuổi, có công việc tốt, có thể chăm lo cho mẹ. Tôi mới nhìn ông rõ hơn, trong bữa cơm đầu tiên, lần đầu tiên tôi chủ động gắp cho ông miếng cá, lần đầu tiên tôi nói chuyện với ông như hai người đàn ông.

Ảnh minh họa
Cách đây 3 tháng, tôi tình cờ nhìn thấy tập hồ sơ bệnh án bị giấu dưới đáy ngăn kéo tủ, lúc này tôi mới biết ông bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Ông đã đi khám lần gần nhất cách 2 tháng trời. Tôi hỏi thì ông nói không phải ông giấu mà ông không muốn chữa. Bệnh này chỉ chờ chết chứ chữa sao hết được, chữa chỉ tốn tiền...
Tôi van nài ông đừng bi quan như vậy, tôi tìm bác sĩ, đặt lịch cho ông đi viện chuyên khoa, vậy mà ông chỉ gạt đi: "Tốn kém lắm, để tiền đó mà lấy vợ, sinh con, lo cho mẹ con".
Tôi chưa từng khóc trước mặt ông nhưng hôm ấy tôi khóc. Tôi ôm ông, lần đầu tiên thật lòng: "Con sống tốt là nhờ cha. Con chưa báo đáp được gì hết. Cha cho con tất cả rồi, giờ đến lượt con".
Ông im lặng. Tôi cũng không biết ông có đồng ý chữa trị hay không nhưng hôm sau ông đã chịu đến viện với tôi.
Có thể thời gian còn lại không nhiều, nhưng tôi tin, nếu một người không cùng máu mủ có thể nuôi tôi như con ruột trong 20 năm, thì một người con như tôi cũng có thể dùng phần đời còn lại để chăm ông như cha ruột. Hi vọng tôi vẫn kịp bù đắp lại cho cha dượng tôi những điều tốt đẹp nhất tôi có thể làm.