Đừng vội vàng đốn bỏ cây xanh trong trường học ở TPHCM

NGUYỄN DŨNG,
Chia sẻ

Sau sự việc cây phượng bật gốc khiến nhiều em học sinh trường THCS Bạch Đằng, Quận 3, TPHCM thương vong, hàng loạt trường học, công sở trên địa bàn TPHCM đã kiểm tra, rà soát và cắt tỉa cây xanh. Một số trường vội vàng đốn bỏ cây để phòng ngừa tai họa.

Tổng rà soát cây xanh trong trường học

Một ngày sau vụ tai nạn thương tâm, trường THCS Bạch Đằng đã đón hạ cây phượng con lại trong sân trường. Theo Ban giám hiệu trường, cây phượng này còn nhiều tuổi và to lớn hơn cây vừa đổ hôm trước nên rất nguy hiểm. Đơn vị thực việc đốn hạ cây phượng này là công ty Cây xanh TPHCM. Sau khi đốn hạ, hình ảnh ghi nhận cho thấy cây phượng này rễ đã mục và rỗng, có thể ngã đổ bất cứ lúc nào..

Cũng kể từ sau vụ tai nạn tại trường Bạch Đằng, bà Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã cho kiểm tra lại toàn bộ cây xanh trong trường. Theo đó, trường có 23 cây, trong đó gần 10 cây phượng. “Việc kiểm tra cây xanh được trường thực hiện định kỳ một năm 4 lần. Trước đó trường đã phối hợp với đơn vị cây xanh cắt tỉa các cành già cỗi trước mùa mưa. Năm học này kết thúc trễ, hai tháng cuối lại rơi vào mùa mưa nên việc kiểm tra cây phải kỹ lưỡng hơn”, bà Chương nói.

Trường THPT Marie Curie, một trong những ngôi trường cổ nhất TP HCM, hiện có 29 cây, trong đó 10 cây xà cừ trên 100 tuổi. Bà Nguyễn Thị Quế Vân, Phó hiệu trưởng trường cho biết, trường được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố nên việc cắt tỉa, hạ đốn cây đều phải có sự đồng ý của Sở Xây dựng, Sở Văn hoá Thể thao... “Hàng năm trường đều ký hợp đồng với công ty cây xanh để chăm sóc, xử lý đúng cách, định kỳ một năm 2 lần. Lần kiểm tra gần nhất hồi cuối tháng 4, công ty đề nghị trường tạo giá đỡ cho một cây sứ bị nghiêng. Trường cũng đốn bỏ các cây bàng do lo ngại bị đổ, rễ cây ảnh hưởng nền móng trường”, bà Vân nói.

Tương tự, hàng loạt trường học, công sở trên địa bàn TPHCM những ngày qua cũng đã tăng cường ra soát, kiểm tra cây xanh trong trường học. Một số trường đã tỉa cây nhưng cũng có trường nhanh nhạy cho hạ đốn cây. Theo thông tin chúng tôi có được, ngay sau khi xảy ra sự cố đau lòng ở trường Bạch Đằng, ngày 28/5, ở trường Mầm Non TPHCM trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3, người ta cho đốn 2 cây cổ thụ trong sân trường. Chúng tôi tìm cách liên lạc với nhà trường để hỏi lý do đốn cây nhưng chưa thể tiếp cận được Ban Giám hiệu. Nhà báo Đinh Thu Hiền - công tác ở Báo Phụ nữ Việt Nam - nơi có tòa soạn đối diện trường Mầm non TPHCM đã quay được clip hình ảnh hạ đốn cây đưa lên trang cá nhân, thu hút rất nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại của cộng đồng mạng. Theo nhà báo Đinh Thu Hiền, cây xanh không có tội. Đừng đẩy từ thái cực này sang một thái cực khác một cách thiếu bao dung và sâu sắc. Đốn bỏ cây chỉ mất 1 tiếng đồng hồ nhưng trồng một cây lớn lên chừng đó phải mất cả đời người.

Đốn cây cần có khoa học

Ông Phan Hồ Hải, Hiệu trưởng trường THPT Gò Vấp cho biết, trường có 2 cây phượng và một số cây khác song chỉ mới 7- 8 tuổi, thân cây còn nhỏ nên chủ yếu cắt tỉa cành là chính. Ông Hải cho biết, việc quản lý những cây xanh này trước tiên thuộc trách nhiệm của trường, chỉ có một số cây lớn, tuổi thọ cao thì lúc đó mới có thêm các sở ban ngành cùng quản lý. Tuy nhiên, ông Hải cũng nêu quan điểm: “Các trường không nên vội vàng đốn hạ cây xanh, nhất là cây phượng mà cần có tư vấn của cơ quan chức năng”, ông Hải nói.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định, hàng năm Sở luôn có văn bản chỉ đạo lãnh đạo các trường về đảm bảo an toàn trường học và các đơn vị đều thực hiện tốt. “Trường quản lý cây xanh trong trường nhưng khi muốn trồng hay đốn hạ cây đều phải xin ý kiến chuyên môn của Sở Xây dựng, nhất là những cây lớn tuổi. Cây cao to trên 10 mét khi đốn đều phải xin phép giống như giấy phép xây nhà", ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, sau vụ tai nạn ở trường THCS Bạch Đằng, Sở đã ra thông báo khẩn về việc tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học, phòng, chống tai nạn thương tích trong nhà trường, nhắc đến việc kiểm tra, cắt tỉa cành, chăm sóc cây xanh.

Trong khi đó, TS Đinh Quang Diệp (nguyên giảng viên bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên, Đại học Nông Lâm TPHCM) cho rằng, Sở Xây dựng và các ban ngành nên có quy định thống nhất, chi tiết việc quản lý, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trường học, bệnh viện, công sở như: kiểm tra định kỳ; cắt tỉa cây, chăm sóc cây; giao trách nhiệm cho đơn vị, cá nhân...

Theo ông Diệp, việc đốn hạ cây phải có công ty chuyên môn phụ trách, không thể vì sự cố ở trường Bạch Đằng mà "đổ thừa" cho cây phượng và chặt đốn loại cây này một cách tự phát. Phượng là cây rễ ngắn, dễ trồng, khi trồng cần chọn cây giống tốt, không xây bồn chật.

"Cây trồng trong trường nên có rễ khỏe, tán rộng, không có trái, gai độc ảnh hưởng học sinh", ông Diệp nói.

Sáng ngày 26/5, một cây phượng lâu năm trong sân trường THCS Bạch Đằng, Quận 3, TPHCM bất ngờ bật gốc ngã vào một nhóm học sinh. Thời điểm xảy ra vụ tai nạn là 6h22 phút nên có đông học sinh đang ở sân trường chờ lên lớp. Vụ tai nạn khiến 1 em học sinh tử vong, 17 em khác bị thương. Ngay sau vụ việc, ông Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng nhà trường đã nhận trách nhiệm. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Tiếp đó, trong ngày 28/5, liên tiếp hai cây phương bật gốc nhưng may mắn không có người thương vong. Một vụ xảy ra gần trường ĐH Văn Hóa TPHCM ( Quận 9) và một vụ xảy ra trong trường CĐ Nghề Tây Nguyên ( TP Buôn Ma Thuộc, tỉnh Đắc Lắc)

Chia sẻ