Dưa hấu, quất cảnh hình gà rực rỡ "đổ bộ" xuống phố Tết Sài Gòn
Quất (tắc) tạo hình gà 4 triệu đồng/cặp, dưa hấu tỉa gà 350.000 đồng/trái đã có mặt tại Sài Gòn khi ngày Tết cổ truyền chỉ còn tính trên đầu ngón tay.
Sau khi những loại trái cây như dừa, đu đủ in hình gà bội thu trong mùa Tết năm nay, đến lượt quất (tắc) tạo hình gà và dưa hấu tỉa hình gà xuất hiện trên phố Sài Gòn với số lượng lớn khiến nhiều người thích thú.
Nhiều loại cây kiểng lớn đã được chuyển về Sài Gòn.
Ghi nhận dọc đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) ngày 26 Tết, nhiều loại "đặc sản truyền thống" chưng Tết đã có mặt, có thể kể đến như dưa lưới hình thần tài, hoa màu gà, cây vàng bạc… Một số người dân cũng đã đến để tranh thủ chọn về cho mình những cây tốt nhất với giá cả phải chăng.
Quất (tắc) hình gà màu sắc sặc sỡ hút sự chú ý của nhiều người.
Tại công viên Gia Định (phường 3, quận Gò Vấp), nhiều loại cây kiểng lớn như mai, quất (tắc) đã được các nhà vườn miền Tây chuyển lên với số lượng lớn. Đặc biệt, loại quất được uốn tỉa hình gà với màu sắc sặc sỡ thu hút khá nhiều sự chú ý của người đi đường.
Nhiều chủ vườn miền Tây mang quất lên TP.HCM để tiêu thụ dịp Tết.
Quất hình gà có giá từ 2-4 triệu đồng/cặp.
Quất hình rồng 7 triệu đồng/cặp.
Chị Khéo, chủ một vườn quất ở Bến Tre cho biết, năm nào chị cũng chọn ra một số cây tốt, dáng đẹp để thuê thợ uốn tỉa hình linh vật tương ứng trong năm. Quất hình gà năm nay có hai loại: loại lớn giá 4 triệu/ cặp, nhỏ 2 triệu/cặp. Vì khách thường không mua sớm và để hạn chế tối đa công chăm sóc nên năm nào cũng tầm 22-23 Tết chị mới đem loại cây này lên.
"Loại này bán ổn định hơn, lời nhiều hơn vì nó mang yếu tố thời thượng. Hôm nay tôi đã bán được 7-8 chậu, chủ yếu là chậu nhỏ vì gái rẻ và khuân vác dễ" – một người bán quất khác nói.
Nhiều người đến xem và mua quất hình gà về chưng Tết.
Ngoài hình gà, quất cũng được tỉa theo hình rồng, nhưng giá đắt hơn, lên đến 7 triệu đồng/cặp. Theo những người bán, cách làm kiểng hình thú không khó, chỉ cần uốn khung sắt hình con vật muốn làm rồi kéo các nhánh quất theo khung. Tuy vậy, muốn cây cho nhiều quả và chưng được lâu phải mất cả năm trời chăm sóc.
Một loại trái cây chưng Tết cũng vừa "đổ bộ" đến Sài Gòn là dưa hấu điêu khắc. Anh Dũng (29 tuổi, quê Nghệ An) cho biết đã làm nghề bán dưa 5 mùa Tết, và năm nào cũng bán trung bình 2 tấn dưa.
Dưa hấu hình gà mới xuất hiện tại công viên Gia Định vào 23 Tết.
Một quả dưa hình gà có giá 350.000 đồng.
Vì năm nào cũng bán đắt nên người bán nhập dưa với số lượng lớn từ Long An về.
Vừa dùng cây sủi khắc vào phần da xanh của dưa, anh nói: "Hình gà đơn giản nên chỉ nửa tiếng là xong, hình rồng khoảng 45 phút, còn có chữ vào nữa chắc tầm một tiêng". Công đoạn tạo hình cho trái chỉ đơn thuần là dùng khung in hình lên và tiến hành tỉa. Tuy nhiên phải mất từ 6 tháng đến 1 năm để tập được sự khéo tay, cắt không bị phạm.
Những quả dưa được khắc nhiều kiểu chữ thư pháp và thú vật.
Ngoài dưa thư pháp và dưa hình gà còn có dưa trơn bán theo ký.
Còn sạp của anh Tâm Kiên (quê Bạc Liêu) lại chuyên về dưa khắc hình thư pháp. Anh cho biết để làm được những trái dưa thư pháp đẹp có in những chữ như Tâm, Lộc Phúc… phải am hiểu về lĩnh vực này, ít nhất học khoảng 2 năm, nếu không khách sẽ chê. Mùa Tết năm nay, anh cũng dự dịnh bán khoảng 3 tấn dưa.
Dụng cụ tạo khung để khắc hình thù lên quả dưa.
Trước khi khắc phải kẻ bút màu làm dấu.
Đủ màu sắc để phục vụ nhu cầu khách.
"Năm nay giá dưa đầu vào mắc hơn năm trước, nên tôi bán mỗi trái dưa thư pháp có hình gà là 350.000 đồng, con phức tạp hơn thì giá sẽ cao hơn. Ngoài ra nếu khách không muốn khắc chữ thì tôi vẫn bán dưa trơn (dưa gốc)". Để khách chú ý đến gian hàng của mình, năm nay anh Kiên đầu tư một con gà lớn đặt phía trước, lông làm bằng xơ dừa, thân gà làm bằng cây kiểng có gắn bóng đèn quả ớt làm mắt khiến nhiều người qua đường rất thích thú.
Chú gà làm bằng xơ dừa sùng để "quảng bá" sản phẩm.
Những người bán dưa cho biết phải đến tầm 27 Tết mới là thời gian khách mua đỉnh điểm. Nếu bán được như mọi năm, họ sẽ thu được hàng chục triệu từ việc bán dưa, giúp cái Tết cổ truyền thêm phần ấm cúng.