Đồng Nai: Phát hiện nhiều mẫu chả dương tính với hàn the

Tuấn Văn,
Chia sẻ

Qua kiểm tra thực tế, nhiều cơ sở dù đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng vẫn thiếu ý thức duy trì các tiêu chuẩn vệ sinh.

Đồng Nai: Phát hiện nhiều mẫu chả dương tính với hàn the - Ảnh 1.

Đoàn kiểm tra tiêu hủy sản phẩm dương tính với hàn the. Ảnh: Sở Y tế Đồng Nai

Trong khuôn khổ Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 do Sở Y tế tỉnh Đồng Nai chủ trì đã tiến hành kiểm tra 11 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại ba địa phương gồm Tân Phú, Trảng Bom và Nhơn Trạch.

Kết quả cho thấy, 4/11 cơ sở (chiếm 36,36%) vi phạm quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, một cơ sở bị đình chỉ hoạt động, ba cơ sở khác bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 68,5 triệu đồng.

Đáng chú ý, trong quá trình kiểm tra, đoàn đã lấy 22 mẫu thực phẩm để xét nghiệm nhanh, phát hiện 3 mẫu không đạt (chiếm 13,63%), chủ yếu do dương tính với hàn the – một chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm. Các mẫu vi phạm gồm: chả bó sỏi (150g), mộc giò sống (2,2kg) và chả chiên (5,42kg) đã được tiêu huỷ ngay tại chỗ để ngăn ngừa nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đoàn kiểm tra cũng đã tham mưu Sở Y tế ban hành 2 văn bản gửi Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn để tiến hành truy xuất nguồn gốc các sản phẩm vi phạm theo đúng quy định.

Qua kiểm tra thực tế, nhiều cơ sở dù đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng vẫn thiếu ý thức duy trì các tiêu chuẩn vệ sinh, một số nơi có dấu hiệu sản xuất không phép, không nhãn mác, điều kiện vệ sinh xuống cấp nghiêm trọng. Các vi phạm phổ biến gồm:

Kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP;

Khu chế biến, kho chứa để côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;

Không tách riêng dụng cụ cho thực phẩm sống và chín;

Nhà bếp, khu sơ chế bong tróc tường, sơn, nền nhà đọng nước gây mất vệ sinh.

Đoàn kiểm tra ghi nhận các địa phương đã ban hành kế hoạch, tổ chức họp và tuyên truyền về ATTP đúng tiến độ. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn tồn tại, đặt ra yêu cầu cần tăng cường kiểm tra có trọng điểm, đặc biệt với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố – nhóm đối tượng nguy cơ cao trong Tháng hành động năm nay.

Đoàn cũng đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc các chỉ đạo cấp Trung ương như Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị 17/CT-TTg và Công điện 40, 41 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến xử lý sữa giả, thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe kém chất lượng.

Song song với kiểm tra, việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về ATTP đến tận người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng là yêu cầu cấp thiết. Mục tiêu không chỉ là phát hiện và xử lý vi phạm mà còn là nâng cao nhận thức, khuyến khích đầu tư vào thực phẩm sạch, cải thiện điều kiện vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách bền vững.

Chia sẻ