Doanh nghiệp cần gì ở sinh viên mới ra trường?

Huỳnh Như,
Chia sẻ

Bằng cấp đại học không còn là lợi thế tuyệt đối, trong khi việc thiếu kinh nghiệm thực tế đã trở thành rào cản khiến nhiều sinh viên mới ra trường khó tìm việc.

Trong bối cảnh thị trường lao động liên tục biến động và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhiều nhà tuyển dụng không còn đặt nặng yêu cầu về bằng cấp đại học (ĐH), mà ưu tiên người có kinh nghiệm làm việc, kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp, tư duy phản biện và thích nghi. Điều này đặt ra thách thức lớn cho sinh viên (SV) mới ra trường, nếu không tích lũy kiến thức thực tế sẽ dễ bị bỏ lại phía sau.

Vỡ mộng

Lê Thị Trúc Linh (SN 2002, quê Đắk Lắk) tốt nghiệp loại giỏi ngành quản trị kinh doanh tại một trường ĐH uy tín ở TP HCM. Với bảng điểm "đẹp" cùng thành tích học tập nổi bật, cô từng tin rằng cánh cửa nghề nghiệp sẽ rộng mở với mình.

Thế nhưng, thực tế lại khiến Linh vỡ mộng. Suốt 3 tháng sau tốt nghiệp, cô đã gửi hơn 50 hồ sơ xin việc đến nhiều doanh nghiệp (DN) nhưng gần như không nhận được phản hồi. Những lần hiếm hoi được mời phỏng vấn, cô đều bị loại vì thiếu kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng làm việc. "Họ hỏi tôi về các dự án đã tham gia, cách xử lý tình huống, khả năng phối hợp nhóm... Song, tất cả những gì tôi có chỉ là kiến thức sách vở và vài bài tập nhóm ở trường" - Linh kể.

Gần đây, không ít cử nhân sau khi ra trường đã phải chuyển sang các công việc như chạy xe công nghệ, bán hàng, làm cộng tác viên… - vốn đòi hỏi kỹ năng mềm hơn là kiến thức chuyên ngành. Dù được đào tạo bài bản, không ít SV vẫn loay hoay khi bước vào thị trường lao động, nguyên nhân chính là do thiếu trải nghiệm thực tế, thiếu kỹ năng nghề nghiệp và chưa có sự chuẩn bị phù hợp với môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Doanh nghiệp cần gì ở sinh viên mới ra trường?- Ảnh 1.

Sinh viên tìm việc tại một ngày hội việc làm được tổ chức ở TP HCM

Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, cho biết theo một khảo sát mới đây, khoảng 43.000 lao động dưới 30 tuổi đang thất nghiệp, gồm 43% không có bằng cấp, 37% có trình độ ĐH trở lên. Điều đó cho thấy người có trình độ học vấn cao không hẳn sẽ dễ dàng tìm việc. Trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có tay nghề kỹ thuật lại thấp nhất.

Theo bà Thục, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, người trẻ đã phân hóa thành 2 nhóm: một nhóm chủ động học tập, rèn luyện kỹ năng; nhóm còn lại học thụ động, thiếu định hướng, không tích cực nâng cao năng lực. Do đó, bà kiến nghị ngành giáo dục cần đẩy mạnh đào tạo kỹ năng mềm, tăng cường liên kết giữa nhà trường - DN - người lao động, nhằm giúp SV sớm thích ứng với thị trường lao động ngay sau khi ra trường.

"Nếu chỉ lo phần ngọn mà không vun gốc thì chúng ta sẽ tạo ra một thế hệ lao động thiếu nền tảng. Do đó, cần phân tầng rõ ràng trong định hướng nguồn nhân lực trẻ - nhóm có năng lực cần được phát huy tối đa, nhóm còn hạn chế thì cần có lộ trình đào tạo, hỗ trợ phù hợp" - bà Thục nhấn mạnh.

Sẵn sàng trao cơ hội, nếu...

Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Giám đốc toàn quốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng Adecco Việt Nam (TP HCM), cho rằng một trong những rào cản lớn nhất khiến SV mới ra trường gặp khó khăn trong quá trình tìm việc là yêu cầu về kinh nghiệm.

Trong khi phần lớn SV vừa tốt nghiệp còn thiếu va chạm thực tế, nhiều nhà tuyển dụng lại mong muốn ứng viên có từ 1 đến 2 năm kinh nghiệm. Khoảng cách này tạo nên một "lỗ hổng" không dễ lấp đầy.

Không chỉ vậy, mức lương khởi điểm cho các vị trí đúng chuyên môn thường khá thấp, chưa phản ánh đúng kỳ vọng của SV về giá trị tấm bằng ĐH và công sức học tập mà họ đã bỏ ra. Điều này dẫn đến sự chênh lệch giữa kỳ vọng và thực tế, khiến không ít bạn trẻ rơi vào trạng thái mất phương hướng.

"Bằng ĐH không còn là "tấm vé thông hành" như trước đây, mà chỉ là một yếu tố nền tảng trong hành trình nghề nghiệp" - ông Chương nhận định. Sự lệch pha giữa năng lực hiện có với nhu cầu thực tế của thị trường lao động và áp lực tài chính sau tốt nghiệp chính là nguyên nhân khiến nhiều SV quyết định chuyển sang những công việc linh hoạt, thu nhập ổn định, không yêu cầu chuyên môn sâu, dù không đúng ngành nghề được đào tạo.

Ở góc độ nhà tuyển dụng, ông Nguyễn Lê Vĩnh Lynh, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Ngắm cảnh Việt Nam tại TP HCM, đánh giá trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường lao động, tấm bằng ĐH chỉ còn là điều kiện tối thiểu. DN ngày nay không chỉ tìm kiếm nhân sự có kiến thức chuyên môn, mà còn cần những người trẻ có kỹ năng mềm tốt, tư duy phản biện, khả năng giao tiếp hiệu quả, nhất là biết thích nghi với môi trường làm việc.

"Thực tế, nhiều DN vẫn sẵn sàng trao cơ hội cho những ứng viên thiếu kinh nghiệm nếu họ thể hiện được tinh thần cầu tiến, thái độ chuyên nghiệp và tiềm năng phát triển lâu dài" - ông Lynh nhìn nhận.

Sự chuẩn bị trước cho buổi phỏng vấn đóng vai trò then chốt để ứng viên tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Theo ông Lynh, những ứng viên tìm hiểu kỹ về DN, hiểu rõ yêu cầu công việc và biết cách trình bày điểm mạnh của mình một cách chân thành, tự tin và rõ ràng thường có lợi thế hơn. Đáng chú ý, người từng tham gia thực tập, biết rút kinh nghiệm từ trải nghiệm và thể hiện khả năng làm việc nhóm cũng như tiếp nhận phản hồi tích cực sẽ dễ gây được thiện cảm với nhà tuyển dụng hơn so với người chỉ giỏi lý thuyết. 

Theo số liệu từ Cục Thống kê - Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29% - tăng 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tổng số lao động có việc làm trên cả nước là 51,9 triệu người - tăng 538.100 người so với cùng kỳ năm 2024.

Tuy nhiên, đáng lo ngại là tình trạng thất nghiệp trong nhóm thanh niên, lực lượng lao động trẻ vừa rời ghế nhà trường. Thống kê cho thấy tỉ lệ thất nghiệp của người từ 15 - 24 tuổi là 8,06% - tăng 0,06 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 10,65% (tăng 0,46 điểm phần trăm), khu vực nông thôn là 6,69% (giảm 0,18 điểm phần trăm).


Chọn đúng Sáng tương lai Tuyến bài cung cấp thông tin về những ngành học hot, có mức thu nhập tốt, cùng những trường đại học, cao đẳng, trung cấp được đánh giá cao về chất lượng đào tạo. KHÁM PHÁ
Chia sẻ