Đây là ngành có tỷ lệ nhập học cao nhất 2024, cực nhiều cơ hội và lương rất khủng: Trước khi đăng ký phải biết 5 điều này!
Bạn có dự định học ngành này không?
Năm 2024, theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý tiếp tục giữ vững "ngôi vương" khi có tỷ lệ nhập học cao nhất trong tất cả các nhóm ngành, chiếm 25% trong tổng số lượng học sinh toàn quốc, ngành học này không chỉ đông đảo mà còn phổ biến rộng rãi, được đào tạo tại hơn 160 trường đại học từ Bắc chí Nam.
Vậy vì sao nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý lại thu hút đến vậy? Mức lương khủng có thật sự là lý do chính? Và liệu bạn có nên theo đuổi ngành này chỉ vì đông người chọn, dễ xin việc, lương cao?
Câu trả lời là KHÔNG nếu bạn chưa nắm rõ 5 điều dưới đây!
1. Ngành đa hệ nhưng không dành cho người thiếu định hướng
Kinh doanh và Quản lý là một nhóm ngành lớn, chứ không phải là một ngành học cụ thể. Trong nhóm này, có hàng chục chuyên ngành nhỏ hơn như: Quản trị kinh doanh, Marketing, Kinh doanh quốc tế, Quản trị nhân lực, Quản trị khách sạn, Logistic và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử, Tài chính doanh nghiệp, Khởi nghiệp, Quản trị chất lượng…
Điều này có nghĩa nếu bạn chọn ngành vì thấy nghe có vẻ hay, hoặc ai cũng học nên học theo, thì rất dễ rơi vào trạng thái mơ hồ, học đại. Trong 2 năm đầu, bạn có thể học giống bạn bè, nhưng đến năm 3 khi phải chuyên ngành sâu lúc đó mới là "vỡ trận".
Vì thế, trước khi chọn ngành, hãy tự hỏi rằng: Bạn muốn làm việc trong lĩnh vực nào? Bạn thích giao tiếp, phân tích, sáng tạo hay quản lý con người? Đừng ngần ngại tra cứu tên từng chuyên ngành cụ thể, xem học gì, ra trường làm gì. Biết mình hợp gì và muốn gì là bước đầu tiên để tồn tại và tỏa sáng trong ngành này.

Bạn cần có định hướng rõ ràng khi theo học ngành này.
2. Lương cao là có thật nhưng không phải cho tất cả
Ngành Kinh doanh và Quản lý thường gắn với hình ảnh sinh viên năng động, tốt nghiệp là có việc, thu nhập hấp dẫn. Thực tế, các vị trí như Marketing Executive, Sales Manager, Logistics Coordinator hay Business Analyst có mức lương khởi điểm dao động từ 10 – 18 triệu/tháng ngay sau khi ra trường tại các công ty nước ngoài hoặc tập đoàn lớn.
Tuy nhiên, mức lương "khủng" không dành cho tất cả. Nếu bạn chỉ học để qua môn, không có trải nghiệm thực tế, không biết dùng Excel, không viết nổi email tử tế bằng tiếng Anh, không có kỹ năng giao tiếp thì... rất tiếc bằng giỏi cũng chưa chắc xin được việc tốt.
Ngược lại, những sinh viên tích cực tham gia CLB, làm thêm, thực tập từ sớm và rèn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng số sẽ có lợi thế cực lớn trên thị trường lao động bất kể học ở trường top nào.
3. Nhiều trường đào tạo nhưng chất lượng đào tạo không giống nhau
Vì độ "hot" của ngành, hiện nay gần như trường đại học nào cũng có đào tạo nhóm ngành Kinh doanh – Quản lý, từ đại học công lập lớn như Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, Đại học Kinh tế, đến các đại học quốc tế, đại học tư thục, cao đẳng liên kết… Tuy nhiên, sự khác biệt về chương trình đào tạo là rất lớn.
Một số trường có chương trình giảng dạy theo chuẩn quốc tế, học phần thực hành nhiều, có kỳ trao đổi, học bằng tiếng Anh, giảng viên có kinh nghiệm làm doanh nghiệp. Trong khi đó, một số trường dạy theo hướng lý thuyết nhiều, ít kết nối thực tế, thậm chí chưa cập nhật các công cụ số như Data Studio, Power BI, hoặc kiến thức mới về Digital Marketing, AI trong kinh doanh.
Vì vậy, thay vì chỉ nhìn vào tên ngành, bạn nên so sánh đề cương môn học, giảng viên, đối tác doanh nghiệp, cơ hội thực tập… để đánh giá chất lượng ngành học giữa các trường.
4. Ngành "năng động" nhưng cũng dễ chán, dễ bị đào thải nếu thiếu bản lĩnh
Một đặc điểm dễ thấy ở sinh viên ngành Kinh doanh – Quản lý là rất nhiều người chọn vì ngành này khá năng động. Đây là lợi thế vì ngành học này thực sự cởi mở, cho phép bạn làm trong nhiều lĩnh vực từ bán lẻ, FMCG, ngân hàng, công nghệ, dịch vụ đến startup…
Tuy nhiên, cũng vì môi trường quá nhiều lựa chọn, sinh viên ngành này thường bị rơi vào trạng thái chán nhanh - nhảy việc - dễ mất định hướng. Người học dễ bị choáng ngợp trước các nghề như marketing, data, kinh doanh số, truyền thông nhưng rồi sau đó lại thấy không hợp, lại đổi ngành, đổi công ty.
Lúc này, điều quan trọng là bạn cần có một mục tiêu đủ rõ ràng, hoặc ít nhất là một lộ trình kỹ năng để theo đuổi. Ví dụ nếu thích marketing, hãy học thêm chạy ads, viết content, dùng các công cụ SEO/AI; nếu thích quản lý chuỗi cung ứng, hãy học kỹ Excel, quy trình vận hành, kỹ năng tiếng Anh chuyên ngành.

Ngành này rất dễ bị đào thải nếu như bạn không có bản lĩnh.
5. Càng giỏi công nghệ càng có lợi thế
Kinh doanh thời nay không còn là chuyện chỉ cần nói hay, bán giỏi. Ngành này đang thay đổi nhanh chóng nhờ vào chuyển đổi số, AI, phân tích dữ liệu, tự động hóa…
Điều đó có nghĩa là người học ngành Quản lý – Kinh doanh trong tương lai bắt buộc phải giỏi công nghệ, hoặc ít nhất không mù công nghệ. Các vị trí hot như Data-driven Marketer, Business Analyst, Digital Transformation Consultant, E-commerce Manager đang rất khát nhân lực.
Ngay cả các vị trí sale truyền thống cũng đang được tích hợp công nghệ như CRM, chatbot, email automation… Vì vậy, nếu bạn học ngành này mà dị ứng với bảng tính, phần mềm, dữ liệu thì nên cân nhắc lại.
Lời khuyên ở đây là học cách học nhanh các công cụ số và đừng ngại làm quen với AI, phân tích dữ liệu, digital marketing… từ năm nhất. Có thể bạn không cần biết lập trình, nhưng bạn cần biết nói chuyện với công cụ số như cách bạn nói chuyện với một đồng nghiệp.
Không thể phủ nhận sức hút của ngành Kinh doanh – Quản lý khi có cơ hội rộng mở, môi trường năng động, lương hấp dẫn, không lo lỗi thời nếu biết cập nhật liên tục. Tuy nhiên, ngành học này không dành cho người thiếu định hướng, không hợp với ai thích an toàn, càng không dành cho ai học để chờ vận may.
Chọn ngành này là chọn bước vào một cuộc chơi mà bạn phải tự tạo luật chơi cho mình, tự tìm vị trí phù hợp và không ngừng nâng cấp bản thân. Nếu bạn thích học hỏi, có tham vọng phát triển và chịu khó va chạm thì đây sẽ là một ngành học có thể thay đổi cả cuộc đời bạn.
Tổng hợp