Dịch bạch hầu tại Đắk Nông khiến 1 trẻ tử vong và hơn 1 ngàn người phải cách ly: Biến chứng của bệnh bạch hầu rất nguy hiểm

Thiên Kim,
Chia sẻ

Theo bác sĩ, biến chứng thường gặp nhất trong bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và nặng nề nhất là tử vong.

Những ngày qua, thông tin nhiều ổ dịch bệnh bạch hầu được phát hiện tại tỉnh Đắk Nông, khiến 12 người mắc phải và trong đó có 1 trường hợp tử vong khiến dư luận lo lắng.

Hiện công tác phòng chống dịch tại địa phương vẫn đang diễn ra rất khẩn trương. Đã có hàng trăm trường hợp được cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm vẫn đang điều trị, theo dõi tại nhiều bệnh viện (BV).

Bạch hầu là bệnh gì?

Điều đáng nói là hàng năm, tại một số tỉnh Tây Nguyên vẫn thường xuất hiện bệnh nhân mắc bệnh này, dù bệnh đã có vắc-xin từ rất lâu. Nhiều trường hợp thậm chí còn biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Dịch bạch hầu tại Đắk Nông khiến 1 trẻ tử vong và hàng trăm người phải cách ly: Bệnh biến chứng rất nguy hiểm - Ảnh 1.

UBND huyện Đắk G'long, tỉnh Đắk Nông họp bàn phương án phòng chống bệnh bạch hầu.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi.

Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae.

Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Các tổn thương nghiêm trọng của bệnh do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

Theo bác sĩ, bệnh bạch hầu rất dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh là viêm họng, mũi, thanh quản. Họng đỏ, nuốt đau. Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ; Khám thấy có giả mạc.

Theo các bác sĩ, nếu không được điều trị, bệnh bạch hầu có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho thận, hệ thần kinh trung ương và tim. Tỉ lệ tử vong chung của bệnh bạch hầu là khoảng 3% trong tổng số ca mắc bạch hầu.

Biến chứng của bệnh bạch hầu rất nguy hiểm

Cục Y tế dự phòng cho biết, bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh.

Sau thời gian ủ bệnh khoảng từ 2-5 ngày, trẻ thường biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, nổi hạch ở cổ.

Dịch bạch hầu tại Đắk Nông khiến 1 trẻ tử vong và hàng trăm người phải cách ly: Bệnh biến chứng rất nguy hiểm - Ảnh 2.

Nhân viên y tế phun thuốc khử khuẩn tại vùng dịch bạch hầu.

Giai đoạn sớm khi chưa có giả mạc ở mũi họng, bệnh nhân có thể bị nhầm lẫn với các chứng đau họng khác.

Khi bệnh tiến triển sẽ có thêm các triệu chứng như khó nuốt, khó thở, nhiều trẻ biểu hiện nặng với da xanh, nhịp tim rối loạn, liệt thần kinh.

Biến chứng bệnh bạch hầu thường gặp nhất trong bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh.

Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bệnh đã khỏi.

Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tiên lượng thường xấu, tỉ lệ tử vong rất cao.

Biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và thường hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không tử vong vì biến chứng khác.

Liệt màn khẩu thường xuất hiện vào tuần thứ ba của bệnh. Liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi và liệt cơ hoành có thể xảy ra vào tuần thứ năm của bệnh. Viêm phổi và suy hô hấp có thể xuất hiện do hậu quả của liệt cơ hoành.

Các biến chứng khác có thể xảy ra như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi.

Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày. Tỉ lệ tử vong khoảng 5% - 10%.

Để phòng chống dịch, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo:

Ngoài tuyên truyền giáo dục sức khoẻ, người dân cần vệ sinh phòng bệnh tại nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng;

Tại nơi có ổ dịch bạch hầu cũ cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc. Nếu có điều kiện thì ngoáy họng bệnh nhân cũ và những người lân cận để xét nghiệm tìm người lành mang vi khuẩn bạch hầu.

Điều cần thiết là tổ chức tiêm vắc xin bạch hầu đầy đủ theo Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Nếu có điều kiện thì khoảng 5 năm tiến hành đánh giá tiêm chủng một lần và thực hiện phản ứng Shick để đánh giá tình trạng miễn dịch bạch hầu trong quần thể trẻ em.

Dịch bạch hầu tại Đắk Nông khiến 1 trẻ tử vong và hơn 1 ngàn người phải cách ly: Biến chứng của bệnh bạch hầu rất nguy hiểm - Ảnh 3.

Để phòng bệnh bạch hầu cho con, cha mẹ cần nắm rõ những vấn đề liên quan đến bệnh TẠI ĐÂY.

Chia sẻ