Đi chợ, bà nội trợ khóc thét với thịt bẩn, cá bẩn

Nhã Đan, ảnh: Chí Toàn,
Chia sẻ

Nhiều bà nội trợ hiện nay thường "đau đầu" với câu hỏi "hôm nay ăn gì" khi thực phẩm bẩn bủa vây, từ đồ trên núi tới hải sản.

“Thịt cá… gì cũng bẩn”

Đó là lời chép miệng chán nản của nhiều bà nội trợ. Việc giải quyết câu hỏi "Hôm nay ăn gì?" khiến nhiều người đau đầu. Với họ, chọn được món ăn không khó, cái khó nằm ở chỗ “thực phẩm đó có tự nhiên thật không hay có nguồn gốc từ nhựa, cao su, ngâm tẩm hóa chất”.

Mới đây, thông tin bắt giữ được một xe tải chở đầy những thùng xốp chứa cá trắm bốc mùi, trong đó có nhiều con cá đang trong quá trình phân hủy, khiến chị em thực sự ái ngại và lo lắng. Không chỉ cá, mà xe tải trên còn trữ rất nhiều mực hỏng bốc mùi được ngâm tẩm hóa chất độc hại. 

Đi chợ, bà nội trợ khóc thét với thịt bẩn, cá bẩn 1
Qua lời quảng cáo của các bà bán hàng, những con cá, con mực này rất tươi, thịt căng đét...

Chị Hải Biên (Bạch Đằng, Hà Nội) chia sẻ: “Cứ cuối tuần, mình thường mua hải sản về nướng cho gia đình ăn. Một là vì loại thực phẩm này tốt cho sức khỏe, hai là chiêu đãi mọi người ăn đổi vị, món này làm đồ nhâm nhi cho chồng con là nhất. Đọc thông tin này, mình hoang mang vô cùng. Giờ ra chợ, mình không còn dám tin vào mắt, tai mình nữa. Hóa ra để phù phép mực, cá hỏng thành tươi lại dễ đến vậy. Chỉ cần hòa mấy trăm ml oxy già vào nước rồi ngâm thực phẩm vào, lấy que sắt đảo liên tục thì chỉ 30 phút, hải sản đã nõn nà, hồng hào, giòn như ''chưa bao giờ chết''. 

Không chỉ chị Biên, nhiều người tiêu dùng khác cũng đều cảm thấy mình như rơi vào một cái "mạng nhện" thực phẩm mà “không ăn cũng chết mà ăn cũng chết”.

Chị Hòa Bình (Lĩnh Nam, Hà Nội) tâm sự: “Nhớ đợt nào rộ lên thông tin bò điên, gà cúm, tôi quyết định ‘tuyệt thực’ với nhóm thực phẩm này. Rồi mới đây có tin nấm bẩn, rau sán khiến tôi trầy trật trồng rau ở nhà. Nhưng trồng rau sạch thì có sạch nhưng rất mất thời gian mà hiệu quả không cao khi chuột cứ thấy rau là nhảy vào ăn cho bằng hết. Thực sự, tôi chán nản, mệt mỏi và chẳng biết bây giờ nên ăn gì. Ăn đậu phụ cũng có khả năng ung thư vì hóa chất, cá trắm rồi mực ống cũng thi nhau ngâm tẩm. Chẳng lẽ ăn chay? Nhưng người lớn có thể ăn chay chứ con trẻ ăn chay sao có sức”.

Trong thời gian này, rất nhiều tiểu thương bán hải sản kêu trời về sự thờ ơ của người tiêu dùng. Chị Lương Thu Hòa, tiểu thương bán hải sản trên phố Thi Sách cho biết: “Bình thường đồ tươi sống nhà chúng tôi đến đầu giờ chiều là hết hàng đặc biệt vào ngày cuối tuần thế nhưng cả tuần nay, hàng bán rất ế ẩm”.

Vì ế ẩm nên mặt hàng này có xu hướng rớt giá. Cụ thể, cá trắm nguyên con trước đây là 80.000 đồng/kg thì giờ dao động trong khoảng 65.000 đồng/kg. Cá trắm cắt khúc trước là 120.000 đồng/kg thì giờ là 100.000 đồng/kg. Mực ống 300.000 đồng/kg thì giờ là 150.000 đồng/kg. 

Không những hải sản mà ngay cả thịt lợn, người tiêu dùng cũng lo lắng, đắn đo tìm chỗ mua vì thông tin thịt không nguồn gốc hay thịt lợn gạo... Cứ sáng dậy, chị Dương Thị Hồng Anh (Hàng Trống, Hà Nội) lại đau đầu với câu hỏi “hôm nay ăn gì”, “Mua đồ ăn ở đâu?”, “Liệu có đảm bảo hay không?”. 

Đi chợ, bà nội trợ khóc thét với thịt bẩn, cá bẩn 2
Bà nội trợ nào cũng lo lắng thấp thỏm khi đi chợ

Chị Hồng Anh là người làm việc trong lĩnh vực cung cấp thức ăn chăn nuôi nên chị hiểu rõ về cơ chế sinh trưởng của con lợn, con bò. Chị chia sẻ: “Nhiều tiểu thương nuôi và thúc vật nuôi bằng cách cho chúng ăn thuốc tăng trọng không có nguồn gốc. Họ coi đó là thần dược và nếu không biết, người tiêu dùng ăn phải trong một thời gian đủ dài sẽ mắc ung thư”.

Chị không tiếc tiền mua đồ ở những cửa hàng thực phẩm sạch, đã có thời gian dài chị đốt tiền triệu để mua rau củ quả, thịt cá ở đây nhưng khi có thông tin “cũng là hàng chợ”, chị như chới với mất niềm tin và chẳng còn biết nên mua ở đâu. 

Chị dành hẳn một khoảng sân rộng trên tầng 4 để trồng các loại rau sạch: cà chua bi, ớt đỏ, rau muống, rau cải. Chị ước: “giá mình có trang trại, mình sẽ nuôi luôn bò lợn gà, ăn cho yên tâm”.

Nhưng ước chỉ là ước, chị vẫn phải phụ thuộc vào chợ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm. Và rồi ngày nào chị cũng hoang mang khi không biết nên chọn mua thịt ở  đâu cho an toàn, vì thịt ở chợ lẻ và siêu thị đều không có nguồn gốc xuất xứ. 

Chị bảo: “Người tiêu dùng chúng tôi dường như đang bị đánh đố. Dù chấp nhận bỏ tiền ăn đồ sạch nhưng sạch hay không cũng chưa có gì đảm bảo”.

Không chỉ chị Hồng Anh mà nhiều chị em khác cũng đang “cạch mặt” với thịt lợn. Điều này khiến giá thịt lợn đang có biểu hiện giảm. 

Cụ thể, trước đây, giá thịt ba rọi là 95.000 đồng/kg thì giờ là 80.000 đồng/kg, giá xương từ 70.000 đồng/kg, thịt nạc vai trước đây là 95.000 đồng/kg thì giờ là 85.000 đồng/kg. 

Chị Hằng – tiểu thương bán thịt lợn trong chợ Hàng Da chia sẻ: “Từ ngày có thông tin lợn gạo, ngày nào người mua hàng cũng ra hỏi tôi nguồn gốc thịt này lấy từ đâu. Tôi cũng chỉ biết trả lời, bình thường chiều hôm trước, tôi sẽ đặt hàng với chủ buôn về giá cả, số lượng. Sáng sớm thì tôi qua lấy hoặc họ chở qua. Tôi cũng chỉ là người trung gian”.

Cách chọn thực phẩm sạch

Trả lời về vấn đề này, chuyên gia ẩm thực Bích Liên (hiện đang công tác tại Trung tâm Dạy nghề quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, chọn thực phẩm là một công đoạn rất quan trọng mà bất cứ bà nội trợ nào cũng để tâm. 

Để chọn được thực phẩm đặc biệt là hải sản ngon, đảm bảo tươi sống không quá khó nhưng bà nội trợ cần tinh mắt, chọn lựa kỹ càng tránh mua phải những con bị ươn, hỏng. Nên chọn mực dày mình, màu trắng đục, màu sáng, thịt chắc, không nhão, nát, có lớp màng nâu bao quanh bên ngoài, râu mực chắc. 

Để chọn cá tươi, tốt nhất bạn nên mua những con cá đang bơi tung tăng trong chậu. Còn mua cá đã mổ, bạn nên cẩn thận hơn nhiều. Cá tươi, ngon thường có màu trắng hoặc vàng, có nhớt, mắt trong. Bạn nên lật mang cá ra xem, nếu mang đỏ, hồng hào có nghĩa cá tươi, còn mang trắng thì là cá ươn. Cá bị ngâm tẩm trong chất độc thường mang cá có màu thâm, không sáng hồng như bình thường, da cá màu lạ (xanh thâm), mắt đục, mùi bất thường.

Cách chọn thịt lợn tươi: Thịt lợn phải chắc thịt, độ đàn hồi tốt, thử bằng cách lấy ngón tay ấn vào, thịt không để lại vết lõm. Thịt ôi sẽ có mùi, màu nhợt nhạt, thâm xanh. 
Chia sẻ