Đề xuất "sữa mẹ hiến tặng thanh trùng" được BHYT chi trả
Ngoài giá trị dinh dưỡng, sữa mẹ đã được chứng minh là "thuốc" giúp cứu sống trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân, bệnh lý cần chăm sóc tích cực. Các chuyên gia của Bộ Y tế đề xuất BHYT chi trả cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng.
Ngày 17-11, nhân ngày Thế giới vì trẻ sinh non 2023, Bộ Y tế chủ trì hội thảo về hiệu quả của sữa mẹ hiến tặng thanh trùng trong dinh dưỡng điều trị trẻ sinh non, nhẹ cân và khuyến nghị bổ sung quyền lợi trong Luật BHYT sửa đổi.
Theo bác sĩ Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), nuôi con bằng sữa mẹ là giải pháp tối ưu trong việc cung cấp dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đồng thời là can thiệp hiệu quả nhất trong việc phòng ngừa tử vong, bệnh tật ở trẻ em.
Nuôi con bằng sữa mẹ là giải pháp tối ưu trong việc cung cấp dinh dưỡng cho trẻ
Tại Việt Nam, trong 1,4 triệu trẻ đẻ sống mỗi năm có khoảng 41.000 trẻ đẻ non và 54.000 trẻ nhẹ cân. Đây là nhóm trẻ cần dinh dưỡng từ sữa mẹ nhất, nhưng rất nhiều trong số đó không được bú mẹ hoàn toàn vì trẻ phải điều trị trong đơn vị hồi sức dài ngày và người mẹ thường quá căng thẳng khó tạo đủ sữa.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo khi trẻ không được ăn sữa mẹ đẻ thì sữa mẹ hiến tặng thanh trùng là lựa chọn tối ưu. Ngoài giá trị dinh dưỡng, sữa mẹ đã được chứng minh là "thuốc" giúp cứu sống trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân, bệnh lý cần chăm sóc tích cực trong những ngày tháng đầu đời.
Thống kê của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho thấy mỗi năm có khoảng 35.000 trẻ trên cả nước cần sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, nhu cầu khoảng 100 lít mỗi ngày. Ước tính giá thành 1 lít sữa mẹ thanh trùng đạt tiêu chuẩn sử dụng là 1,5 triệu đồng.
Các chuyên gia đề xuất quỹ BHYT chi trả cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng
Theo ước tính của Tổ chức Alive & Thrive và Viện Chiến lược chính sách y tế, nếu toàn bộ nhóm trẻ sinh non, nhẹ cân được sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng theo chỉ định, mỗi năm quỹ BHYT sẽ tiết kiệm 76,7 tỉ đồng từ việc giảm chi phí điều trị các bệnh lý như: Viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng huyết sơ sinh, loạn sản phế quản phổi, bệnh võng mạc mắt, giảm thời gian điều trị nội trú, giảm thời gian nuôi ăn tĩnh mạch.
Trong khi đó, nếu quỹ BHYT chi trả cho toàn bộ nhóm trẻ sinh non, nhẹ cân, thì chi phí quỹ BHYT cần thanh toán 30,8 tỉ đồng hàng năm.
Theo WHO, sữa mẹ hiến tặng thanh trùng là sản phẩm y tế có nguồn gốc từ con người, tương tự như máu, huyết tương và mô cầu. Do đó, các chuyên gia đề xuất bổ sung sữa mẹ hiến tặng thanh trùng vào danh mục chi trả của BHYT giống như máu và các chế phẩm của máu.
Nếu được thông qua, chính sách này sẽ san sẻ gánh nặng cho những gia đình có trẻ sinh non, nhẹ cân điều trị dài ngày, tạo điều kiện để nhóm trẻ này được hưởng sữa mẹ.
Trên thế giới, đã có 25 quốc gia có hệ thống ngân hàng sữa mẹ có chính sách chi trả bảo hiểm y tế cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng. Trong số 5 quốc gia Đông Nam Á có ngân hàng sữa mẹ Myanmar, Singapore và Thái Lan đã đưa sữa mẹ hiến tặng thanh trùng vào danh mục bảo hiểm chi trả; chỉ còn Philippines và Việt Nam chưa quy định nội dung này.
Tại Việt Nam, ngân hàng sữa mẹ ra đời từ năm 2017 nhằm tuyển chọn bà mẹ hiến tặng sữa tự nguyện, thu nhận sữa, sau đó xử lý, sàng lọc và phân phối sữa mẹ chất lượng và an toàn đến các trẻ có nhu cầu. Giống như ngân hàng máu, ngân hàng sữa mẹ hoạt động với phương châm nhân đạo, tự nguyện.