Đây là 2 câu "thần chú" có sức mạnh vô song: Con từ hư thành ngoan, từ đối đầu thành gắn kết

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Giáo dục tốt nhất không phải là mắng mỏ, cũng không phải là tung hê, mà là nằm ở hai câu nói này.

Từ xưa đến nay vẫn tồn tại một quan niệm như thế này: "Con hiếu là do roi vọt mà nên". Chính quan niệm sai lầm ấy đã sinh ra rất nhiều bậc cha mẹ có xu hướng áp chế con cái hoặc thường xuyên chê bai, hạ thấp con.

Nếu con làm sai, thì sẽ là một trận đánh đòn. Còn nếu con có tiến bộ, cha mẹ cũng sẽ không khen ngợi mà thường dùng lời chê để "dằn mặt" con, khiến con không dám tự mãn hay kiêu ngạo.

Những năm gần đây, khi thế hệ 9x và 2k đã trưởng thành, họ bắt đầu ý thức được rằng sự chê bai, đè nén là điều hoàn toàn sai lầm trong việc dạy con. Vì thế lại nảy sinh ra một hiện tượng khác, có phần lệch hướng: đó là cho rằng cha mẹ nên liên tục khen ngợi con. Nhưng thực ra, dù là không ngừng mắng con hay không ngừng khen con, đều không phải là cách giáo dục đúng đắn.

Hai nhà tâm lý học người Mỹ – Edward L. Deci và Richard M. Ryan – từng đề xuất một học thuyết có tên là Thuyết tự quyết (Self-Determination Theory). Họ cho rằng: Mỗi con người đều có ba nhu cầu tâm lý cơ bản, đó là cảm giác được thuộc về, cảm giác có quyền tự chủ và cảm giác mình có năng lực.

Khi những nhu cầu tâm lý này được đáp ứng, động lực nội tại của con người đối với một việc nào đó sẽ được tăng lên rất nhiều.

Đây là 2 câu

Ảnh minh hoạ

Vì vậy, giáo dục tốt nhất không phải là mắng mỏ, cũng không phải là tung hê, mà là nằm ở hai câu nói này:

"Mẹ tôn trọng quyết định của con, nhưng con cần chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình"

Một cư dân mạng kể: Năm ngoái, khi về quê, em họ tâm sự: "Chị ơi, tại sao em định sáng thứ Bảy học bài cho xong, chiều mới dọn dẹp, nhưng mẹ cứ nhắc nhở thì tự nhiên em chẳng muốn học nữa?". Thật ra, rất nhiều đứa trẻ đều có kiểu tâm lý này vì các em có nhu cầu về quyền tự chủ, mong muốn tự sắp xếp cuộc sống và việc học của mình.

Có một khái niệm gọi là "vô dụng bị động", ý chỉ việc càng bị cha mẹ thúc giục thì con lại càng mất động lực. Khi một người chủ động làm việc gì đó, họ sẽ cảm thấy mình có quyền kiểm soát, và khi hoàn thành xong việc, sẽ có được cảm giác hài lòng và tự hào.

Nhưng nếu việc đó là do người khác ra lệnh, yêu cầu, thì cảm giác tự chủ sẽ biến mất, thay vào đó là cảm giác bị ép buộc và áp lực, dẫn đến sự phản kháng.

Bởi vậy, điều mà nhiều đứa trẻ thật sự muốn nghe nhất, chính là: "Mẹ tôn trọng quyết định của con". Nhưng đồng thời, cha mẹ cũng cần giúp con hiểu rằng, đã lựa chọn thì phải có trách nhiệm với lựa chọn của mình.

Ví dụ, nếu cuối tuần con tự lên kế hoạch học tập, cha mẹ có thể cùng con đặt ra thời hạn – như chiều Chủ Nhật phải hoàn thành. Nếu không xong, thì dù tối có phải thức khuya cũng phải làm cho xong.

Và phải nói rõ ràng với con rằng: "Thức khuya là cái giá con phải trả cho sự chậm trễ của mình". Như vậy, việc giáo dục của cha mẹ không còn là sự ép buộc từ trên xuống, mà là để con chịu trách nhiệm với quyết định của chính mình.

Cách làm này giúp con có cảm giác tự chủ, đồng thời cũng hình thành ý thức trách nhiệm.

"Mẹ tin con có thể làm tốt hơn, và dù thế nào, mẹ vẫn luôn yêu con"

Không biết hiện nay còn bao nhiêu cha mẹ vẫn đang dạy con bằng cách đè nén và phủ định? Khi con được giấy khen, cha mẹ lại nói: "Có gì đâu mà tự hào". Khi con học hành tiến bộ, cha mẹ lại dội gáo nước lạnh: "Chưa phải nhất lớp mà đã vênh mặt rồi?".

Dù cha mẹ có ý tốt, mong con không tự mãn, tiếp tục cố gắng, nhưng nếu con cứ mãi nghe những lời này, lâu dần sẽ hình thành một cảm giác thiếu tự tin.

Và cảm giác thiếu tự tin ấy, sẽ dẫn đến một điều nguy hiểm hơn: Cảm giác "mình không xứng đáng" với những điều tốt đẹp.

Nói cách khác, khi suốt ngày bị cha mẹ chê bai và phủ định, đứa trẻ sẽ bắt đầu tin rằng mình làm gì cũng không tốt, mọi điều tốt đẹp đều không dành cho mình.

Một đứa trẻ thiếu cảm giác xứng đáng, rất khó để có thể thành công.

Muốn con học hành tốt, có thành tựu trong cuộc sống, cha mẹ phải giúp con xây dựng được cảm giác "mình có năng lực", hay còn gọi là "cảm giác đủ năng lực" (competence) trong tâm lý học. Cảm giác này xuất phát từ sự tự tin, kỹ năng, kinh nghiệm và sự công nhận chính mình.

Vậy cha mẹ phải làm gì để giúp con có được cảm giác ấy?

Quan trọng nhất, là để con cảm nhận được sự công nhận và tin tưởng từ cha mẹ. Đặc biệt là khi con có tiến bộ thật sự, hãy cho con sự khích lệ xứng đáng, thay vì phủ nhận. Chỉ khi cảm thấy mình đủ năng lực, con mới có thể phát huy hiệu quả và sáng tạo trong học tập lẫn cuộc sống.

Tóm lại, trong quá trình trưởng thành, điều mà con cần nhất không gì ngoài sự tôn trọng và ủng hộ từ cha mẹ. Lớn lên trong một môi trường như thế, con mới có cơ hội trở thành phiên bản tốt đẹp nhất của chính mình.

Chia sẻ