Dấu ấn trăm năm ở Tam Đảo: Đi tìm khách sạn cổ nhất

Giang Hoàng, nguồn ảnh aFamily.vn,
Chia sẻ

Người ta đã tưởng biết hết về Tam Đảo. Nhưng ẩn dưới những tán su su xanh mướt, dưới lớp sương mù dày đặc mỗi sớm mai là một Tam Đảo bí ẩn của trăm năm trước.

Cách đây ít năm, trong những ngày trời trong mây vắng, đứng ở cầu Long Biên hay trên những nóc nhà cao tầng hướng ánh nhìn về phía Đông Bắc vẫn thấy một dãy núi mờ ảo trong sương khói. Cũng có thể do nằm ở vị thế chẳng xa Hà Nội là bao nên cái tên Tam Đảo không còn lạ lẫm gì với hầu hết những người đã từng có ý định rong chơi.

Những ngôi biệt thự nằm giữa những luống su su xanh mướt.

Tam Đảo - hòn ngọc ở lưng chừng núi.

Người Hà Nội hay chọn Tam Đảo cho mỗi dịp nghỉ dưỡng hay chỉ là một ngày cuối tuần cho cặp vợ chồng công chức. Người ta đã quen với Tam Đảo như một người bạn, đã quen cái lành lạnh mỗi sớm mai thức dậy, đã quen làn mây giăng giăng khắp chốn, đã quen ăn những ngọn su su non xanh mỡ màng trên độ cao nghìn mét.

Lần giở những trang tài liệu của Pháp ghi chép về Tam Đảo thì vùng “lưng chừng” núi này là một trạm nghỉ trên núi cao nằm ở độ cao ngót nghét nghìn mét. Đây là khu nghỉ mát lý tưởng đối với các quan chức người Âu và gia đình của họ, nhất là vào những ngày nắng nóng. Trong suốt 15 năm, chính quyền thuộc địa đã chi vào đây khoảng 50.000 phơrăng mỗi năm.

Công trình mang kiến trúc Pháp còn lại duy nhất ở Tam Đảo là ngôi thánh đường.

Rêu phong, cổ kính giữa những biệt thự, khách sạn, nhà nghỉ hiện đại.

Với lối mái vòm đặc trưng.

Năm 1906, Phủ Toàn quyền Đông Dương quyết định xây dựng trạm nghỉ mát này. Một hợp đồng xây dựng đường sắt cáp kéo và một khách sạn lớn đã được ký kết giữa Chính quyền thuộc địa và một Công ty tư nhân. Bên cạnh những căn nhà nghỉ của Công sứ Vĩnh Yên và của Phủ Thống sứ, cho đến tận năm 1912 ở Tam Đảo hầu như chỉ có nhà ở của lính tráng.

Khách sạn Thác Bạc xưa (ảnh tư liệu).

Nay là vị trí nhà khách tỉnh Vĩnh Phúc.

Khu nhà bếp khi xưa giờ chìm trong cỏ dại.

Một mảng tường hiếm hoi còn sót lại của khách sạn Metropole khi xưa.

Mặc dù vậy, lượng khách du lịch và khách nghỉ mát hàng năm đến đây ngày càng đông và vào năm 1913, một khách sạn đầy đủ tiện nghi với 16 phòng được mở, ngay lập tức khách sạn đó không còn một chỗ trống. Đó chính là Khách sạn - Nhà hàng Thác Bạc (Hôtel - Restaurant de la Cascade d’Argent) và là khách sạn đầu tiên và lớn nhất tại Tam Đảo.

Chủ nhân của khách sạn này chính là Công ty các khách sạn Pháp ở Pari (Compagnie Fracaisse hôteliere) thành lập từ năm 1875. Ở Việt Nam, ngoài khách sạn Thác Bạc ở Tam Đảo, Công ty này còn có khách sạn Metropole ở Hà Nội, khách sạn Lớn (Grand Hôtel) ở SaPa, khách sạn Ba Thống Chế ở Lạng Sơn.

Một trong những cây cầu qua suối được xây dựng từ thời Pháp.

Trên những đống hoang tàn này từng là những biệt thự tráng lệ...

Ông Nguyễn Hữu Duệ năm nay đã ngót nghét 80 tuổi kể lại những ký ức về khách sạn khi xưa: Đó là một tòa nhà vào loại đồ sộ nhất Tam Đảo, lúc đầu khách sạn có hai tầng, sau lên năm tầng với 63 phòng. Khu nhà bếp lịch sự lắm, sạch sẽ lắm, lại có hẳn một nhà 8 gian để xe ô tô. Gần khách sạn, phía trước có bàn đá hình cánh cung, mặt bàn vạch các mũi tên chỉ hướng và khoảng cách tới các địa danh như Hà Nội, Vĩnh Yên, Việt Trì…

Vị trí của khách sạn Metropole nay chính là Nhà khách tỉnh Vĩnh Phúc. Ít người để ý rằng đằng sau ngôi nhà hiện đại sơn xanh ba tầng này là dấu tích còn lại của khách sạn “hoành tráng” nhất Tam Đảo. Năm gian phòng đổ nát bị phủ đầy rong rêu chính là một phần của nhà bếp khách sạn khi xưa. Những họa tiết còn lại, những mảng tường đá vững chắc không khỏi gợi lên trong lòng du khách niềm hoài niệm xa xăm.

Chia sẻ