"Đạo đức giả" trong chống biến đổi khí hậu

Vân Ánh,
Chia sẻ

Nhiều nước vẫn "đại ngôn" là đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhưng thực chất lại đang thu lời từ những sản phẩm làm khí hậu biến đổi.

Ở Oslo, thủ đô Na Uy, đèn đường được thắp sáng bằng năng lượng tái tạo. Để tiết kiệm năng lượng, đèn thông minh sẽ mờ khi không có ai xung quanh. Thủ đô Na Uy, giống như những nơi khác ở đất nước này, tự hào về các "chứng chỉ xanh" đặc biệt của mình. Hệ thống giao thông công cộng của thành phố cũng chạy hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo. Hai phần ba số ô tô mới được bán trong thành phố là xe điện. Thậm chí thành phố còn có đường cao tốc dành riêng cho ong.

Nhưng có một vấn đề. Đó là phần lớn những sáng tạo bảo vệ môi trường mà Na Uy rất tự hào được tài trợ bằng tiền thu được từ dầu mỏ. Vì Na Uy, ngoài việc là một nước nổi tiếng về chống biến đổi khí hậu và có tư duy vì tương lai thì còn là một nước xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn. Và Na Uy có ý định tiếp tục như vậy trong một thời gian dài nữa.

Na Uy không phải là quốc gia duy nhất "rao giảng" về tầm quan trọng của phát triển bền vững trong khi thu tiền từ chính thứ đang gây ra biến đổi khí hậu. Nước Anh sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lớn vào cuối năm nay, nhưng đồng thời cũng đang dự tính mở một mỏ than mới. Canada, một nước tự xưng là đi đầu trong chống biến đổi khí hậu, còn đang đổ tiền thuế của dân vào một dự án đường ống dẫn dầu không có tương lai.

Vô lý!

Một phát ngôn viên của Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Anh, phát biểu với hãng truyền thông CNN bằng email: "Vương quốc Anh đang dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chúng tôi là nền kinh tế lớn đầu tiên đưa ra luật về không phát thải vào năm 2050 và đã cắt giảm 43% lượng khí thải kể từ năm 1990, mức tốt nhất trong G7".

Đạo đức giả trong chống biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu biểu tình phản đối chính sách của Na Uy: "Có vấn đề to bằng con voi ở trong phòng mà không ai nói đến" (Nguồn: CNN)

Chính phủ Anh có thể đưa ra những tuyên bố này, bởi vì theo các hiệp định quốc tế, mỗi quốc gia chỉ chịu trách nhiệm về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính được tạo ra trong lãnh thổ của mình. Điều đó có nghĩa là Anh, Canada, Na Uy và những nước cùng hiện trạng không cần phải lo lắng về lượng khí thải do việc đốt dầu, khí đốt và than của họ gây ra ở những nơi khác trên thế giới.

Việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch sẽ thải ra CO2, chất này giữ bức xạ mặt trời trong khí quyển, giống như thủy tinh giữ nhiệt trong nhà kính. Điều này khiến nhiệt độ tăng lên, từ đó dẫn đến thời tiết khắc nghiệt hơn, băng tan và nước biển dâng.

Đó là một phương trình đơn giản: Chúng ta đốt càng nhiều nhiên liệu hóa thạch thì lượng CO2 thải ra khí quyển càng nhiều và hiệu ứng nhà kính càng lớn.

Mục tiêu của Hiệp ước Khí hậu Paris là kiềm chế mức nóng lên của khí hậu Trái Đất dưới 2 độ C và càng gần mức 1,5 độ so với mức tiền công nghiệp càng tốt. Để đạt được điều đó, thế giới cần phải cắt giảm sản lượng nhiên liệu hóa thạch khoảng 6% mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2030. Tuy nhiên, các dự báo hiện tại lại cho thấy sản lượng nhiên liệu hóa thạch hàng năm lại tăng 2%.

Canada, Anh và Na Uy đều đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng. Anh và Canada cam kết giảm lượng khí thải trên lãnh thổ của họ xuống mức 0 vào năm 2050. Na Uy muốn kết thúc thải khí carbon vào năm 2030. Giảm lượng khí thải xuống mức 0 có nghĩa là nếu các nước này không thể loại bỏ hoàn toàn tất cả lượng khí thải, họ có thể bù đắp bằng cách loại bỏ carbon khỏi bầu khí quyển, chẳng hạn như thông qua việc trồng nhiều cây hơn.

Đạo đức giả trong chống biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Hoạt động khai thác dầu ở tỉnh Alberta, Canada (Nguồn: CNN)

Giáo sư Niklas Höhne, thuộc Viện New Climate là một tổ chức tư vấn về khí hậu, nói với CNN rằng quyết định chỉ tính khí thải theo lãnh thổ có từ những ngày đầu của các cuộc đàm phán về khí hậu. Ông giải thích: "Đã có một cuộc thảo luận dài về việc có nên làm theo cách này hay không và thỏa thuận này đã đạt được và nó không bao gồm vấn đề xuất khẩu hay vấn đề tiêu thụ hàng hóa được sản xuất ở nơi khác".

Quyết định này tạo nên một sự khác biệt rất lớn. Theo văn phòng thống kê của Na Uy, lượng khí thải nội địa hàng năm của Na Uy đạt khoảng 53 triệu tấn vào năm 2017. Còn theo Báo cáo Khoảng cách phát thải của Liên Hợp Quốc, lượng khí thải từ dầu và khí đốt mà Na Uy bán ra nước ngoài đạt khoảng 470 triệu tấn cũng vào năm 2017.

Khóa chặt carbon

Ông Andrew Grant, người đứng đầu nghiên cứu về khí hậu, năng lượng và công nghiệp tại Carbon Tracker, một tổ chức tư vấn, chỉ ra rằng nhiều nước phụ thuộc vào nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch. Họ biết thế giới sẽ cần phải "cai" nhiên liệu hóa thạch sớm, nhưng không nước nào muốn "cai" đầu tiên.

Sản xuất nhiên liệu hóa thạch tốn kém và nhiều chính phủ cho rằng việc dừng lại ngay bây giờ sẽ là một sự lãng phí tiền bạc đã được chi cho các dự án sản xuất và thăm dò hiện có.

Giáo sư Höhne cho biết đường ống dẫn khí Nord Stream 2 chạy từ Nga sang Đức là một ví dụ điển hình. "Dự án đã hoàn thành 95%. Và người ta đang tranh cãi xem có nên tiếp tục hay không. Hiện có áp lực buộc dự án phải hoạt động vì đã đầu tư rất nhiều tiền... Tôi thì nói không. Điều này không tương thích với Hiệp ước Khí hậu Paris, chúng ta cần giảm cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch chứ không cần tăng. Điều này không cần thiết và nó thực sự phản tác dụng".

Trong khi đó, Canada, Na Uy và Anh đều có kế hoạch tiếp tục sản xuất nhiên liệu hóa thạch, đầu tư vào các dự án sản xuất và thăm dò mới.

Theo Cơ quan Quản lý Năng lượng Canada, sản lượng dầu thô của nước này dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2039. Dự trữ dầu của Canada ở mức khoảng 168 tỷ thùng, theo dữ liệu của chính phủ nước này. Nếu tất cả số dầu này được chiết xuất và đốt cháy, khoảng 72 gigaton CO2 sẽ được thải vào bầu khí quyển (1 gigaton = 1 tỉ tấn). Chính phủ Canada đã nhiều lần không trả lời các câu hỏi về vấn đề này.

Theo CICERO, một viện nghiên cứu khí hậu ở Na Uy, nếu Na Uy tiếp tục khoan khai thác dầu như kế hoạch, tổng lượng khí thải từ trữ lượng dầu khí của nước này sẽ lên tới khoảng 15 gigaton CO2.

Đạo đức giả trong chống biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu biểu tình bên ngoài nhà máy lọc dầu Ineos, Anh (Nguồn: CNN)

Trong khi đó, Cơ quan Dầu khí Anh ước tính đến cuối năm 2019, trữ lượng dầu của Anh ở mức 5,2 tỷ thùng, đủ để tiếp tục sản xuất trong hai thập kỷ nữa. Nếu Anh thực hiện đúng như vậy thì việc đốt cháy các nhiên liệu chiết xuất này sẽ thải thêm 2,2 gigaton CO2 vào khí quyển.

Các con số chỉ là ước tính nhưng chúng minh họa cho một vấn đề lớn: Các kế hoạch của các quốc gia nhằm giảm khí thải không tạo ra được tổng lượng khí thải mà toàn thế giới cần giảm.

Trong khi đó, Giáo sư Höhne cho biết các kế hoạch chống biến đổi khí hậu không thể dừng lại ở mục tiêu giảm khí thải mà còn nên đặt ra thời hạn để loại bỏ dần các động cơ đốt trong, đạt mức sử dụng 100% năng lượng tái tạo và loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Giáo sư Höhne chỉ rõ: "Cho đến nay, chỉ có một số nước sản xuất nhỏ ngừng cấp phép các địa điểm khai thác nhiên liệu hóa thạch mới, Đan Mạch là một nước như thế, và quyết định này cần phải có ở Na Uy và Canada cũng như Mỹ và Anh".

Áp lực dư luận

Mặc dù các hiệp định quốc tế hiện tại không ngăn cản các quốc gia xuất khẩu khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, nhưng có một lực lượng mới, rất mạnh mà các chính phủ phải nghĩ đến: Đó là các cử tri.

Dư luận đã thay đổi trong những năm gần đây. Những người chống các hoạt động làm biến đổi khí hậu xuống đường ngày càng nhiều. Khi chính phủ Anh bật đèn xanh cho kế hoạch xây dựng mỏ than sâu đầu tiên sau 30 năm ở Cumbria, tây bắc nước Anh, vào đầu năm nay, quyết định này đã làm dấy lên làn sóng phản đối, trong đó có cả cuộc tuyệt thực kéo dài 10 ngày của hai nhà hoạt động thiếu niên.

Mỏ than này đã được phê duyệt bất chấp việc Anh cam kết ngừng đốt than vào năm 2025, vì mỏ sẽ sản xuất than luyện kim chất lượng cao dùng để sản xuất thép. Đó là một lập luận mà Australia và các nước sản xuất than khác cũng dùng: Than không tốt, nhưng than của chúng tôi thì tốt.

Ông Edward Collins làm việc tại InfluenceMap, một tổ chức tư vấn nghiên cứu vận động hành lang chống biến đổi khí hậu, cho biết: "Đó là một xu hướng lý luận mà bạn thấy trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi quy định chống biến đổi khí hậu. Đó là 'Chúng tôi không giống những nước khác. Và mặc dù chúng tôi ủng hộ tham vọng về chống biến đổi khí hậu, chúng tôi cần dự án này vì một số lý do như việc làm hoặc kinh tế'".

Ủy ban về Biến đổi Khí hậu, một cơ quan tư vấn độc lập của chính phủ Anh, ước tính hoạt động và sản xuất than của mỏ Cumbria sẽ thải ra khoảng 9 triệu tấn CO2 mỗi năm và lưu ý rằng than luyện kim cũng có trong kế hoạch loại bỏ dần ở Anh vào năm 2035.

Ông James Hansen, một trong những nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới, đã viết một lá thư riêng cho Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi ông xem xét lại kế hoạch khai thác mỏ than Cumbria. Trong thư, ông Hansen cũng nói với thủ tướng Anh rằng ông có thể bị những người trẻ tuổi lên án nếu việc khai thác mỏ được tiến hành.

Hành động này đã buộc Hội đồng Hạt Cumbria, trước đó đã ba lần phê duyệt dự án này, phải có động tác quay đầu. Nay thì cơ quan này cho biết họ sẽ xem xét lại kế hoạch.

Cuộc chiến giữa chống biến đổi khí hậu và lợi ích kinh tế xem ra sẽ còn dằng dai!

Chia sẻ