Đằng sau chuyên án phá đường dây đội lốt nhà sư xuất khẩu lao động
"Đây là chuyên án mà thủ đoạn của nhóm đối tượng rất tinh vi, phạm vi rộng, mọi trao đổi sử dụng hoàn toàn trên không gian mạng như Facebook, Zalo, Telegram… nên rất khó nắm bắt" - Đại uý Nguyễn Hoàng Việt Anh - cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an Hà Tĩnh, chia sẻ.
Những manh mối ban đầu
Quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đầu tháng 3/2024, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an Hà Tĩnh (PA08) nhận thấy có một trường hợp tên Đậu Thị Khuyên (tên gọi khác là Thái Hòa - SN 1972, trú tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) thường xuyên tổ chức cho người khác đi nước ngoài với nhiều biểu hiện nghi vấn. Cùng thời điểm, tại đơn vị này cũng xuất hiện một số người mặc quần áo nhà tu hành có hộ khẩu thường trú trên địa bàn huyện Nghi Xuân đến làm thủ tục xin cấp hộ chiếu.
Xác minh ban đầu, lực lượng PA08 nhận thấy, giữa nhóm người mặc quần áo nhà tu hành và Đậu Thị Khuyên có sự thông đồng thông qua người phụ nữ có tên Nguyễn Thị Ngọc Hằng (SN 1978, trú tại Quận 7, TPHCM). Phán đoán có thể đây là một đường dây xuất khẩu lao động trái phép, Phòng PA08 báo cáo xin ý kiến Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Phòng An ninh Điều tra Công an Hà Tĩnh xác lập chuyên án, triệt phá.
Ban chuyên án xác định, đây là một chuyên án khó, bởi, phương thức, thủ đoạn của nhóm đối tượng rất mới, dữ liệu trinh sát không có nhiều, lại chưa nắm bắt được các đối tượng xuất cảnh sang nước nào? Lợi dụng cơ chế nào cho trường hợp là phật tử để xin cấp visa? Thượng Tá Nguyễn Minh Triển, Phó trưởng Phòng PA08 chia sẻ: Cái khó nhất trong chuyên án này là sự nhận diện ban đầu. Bởi, những người này đã được huấn luyện về cách xưng hô thầy - con, miệng luôn "Nam mô a di đà phật" và cử chỉ như một phật tử chính thống.
Tuy nhiên, bằng quyết tâm cao độ, phải chặn đứng đường dây giả nhà sư xuất cảnh sang nước ngoài trái phép, các cán bộ, chiến sĩ trong Ban chuyên án được chia thành nhiều mũi, ngày đêm lần tìm các thông tin, dữ liệu để khâu nối những manh mối, quyết tâm giải "bài toán" này.
Song song việc điều tra, thu thập dữ liệu từ cơ sở, một tổ công tác được giao nhiệm vụ tìm hiểu, nghiên cứu trên hệ thống dữ liệu quốc gia các nước mà người Việt có nhu cầu xuất khẩu lao động như: Mỹ, Canada, Đức, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản… xem các nước này có hình thức mời hay ưu tiên các chính sách cho tu sĩ Phật giáo hay không?
Sau nhiều thời gian nghiên cứu, manh mối quan trọng đã lộ diện. Ban chuyên án phát hiện, ở nước Úc, có một số ngôi chùa thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo tu sĩ Phật giáo. Cảnh sát nhận định, các đối tượng lợi dụng chính sách này, sau đó giả làm nhà tu hành để làm hồ sơ xin cấp hộ chiếu, sau đó nộp tại Đại sứ quán Úc để được cấp visa - đây chính là thông tin quan trọng giúp Ban chuyên án hình dung được phương thức, thủ đoạn của đường dây để tổ chức "cất vó".
"Cất vó" ngay tại sân bay
Từ manh mối quan trọng, Ban chuyên án phối hợp các đơn vị nghiệp vụ một số tỉnh thành trên toàn quốc, rà soát những trường hợp trong vòng 2 năm trở lại đây xin cấp hộ chiếu, visa dưới danh nghĩa là nhà sư. Quá trình điều tra, phát hiện Hồ Văn Thìn (SN 1988, trú tại xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) là người đã được cấp visa với hồ sơ là nhà sư thông qua công ty của Đậu Thị Khuyên.
Lục tìm hồ sơ của Hồ Văn Thìn cho thấy, để khớp hồ sơ là nhà tu hành, nhóm đối tượng trực tiếp bố trí cho Thìn cạo trọc đầu, mặc đồ tu hành đến chùa Kim Quang (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) để chụp ảnh, nhằm giả tham gia các hoạt động của chùa để cho vào hồ sơ xin cấp thị thực Úc. Tiếp đó, nhóm đối tượng liên hệ với các cơ sở tôn giáo tại Úc để xin thư mời tham gia các hoạt động Phật giáo - Vesak ở chùa Quan Âm Thiền Tịnh cho Hồ Văn Thìn dưới danh nghĩa là nhà sư đang tu tập tại chùa Kim Quang với pháp danh Thích Giác Ngộ. Đồng thời, Thìn cũng được hướng dẫn cách thức trả lời phỏng vấn tại Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực.
Nhận định thời cơ chín muồi, Ban chuyên án xin ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an Hà Tĩnh quyết định "cất vó", ngăn chặn trước khi nhóm đối tượng đưa Hồ Văn Thìn xuất cảnh sang Úc. Tối 4/5/2024, tại một căn hộ riêng trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, TPHCM), sau khi giao thị thực du lịch Úc, vé máy bay, căn cước công dân giả cho Hồ Văn Thìn, đối tượng Nguyễn Thị Ngọc Hằng nhận 300 triệu đồng.
Tiếp đó, Hằng bố trí xe ô tô chở Thìn đến Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để làm thủ tục xuất cảnh. Cả hai thỏa thuận, khi Thìn nhập cảnh Úc thành công, Hằng sẽ cho người đón và bố trí công việc. Hằng không hề hay biết, nhất cử nhất động của mình đang bị Ban chuyên án theo sát.
Khoảng 20h cùng ngày, khi Hồ Văn Thìn đang làm thủ tục để xuất cảnh tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Ban chuyên án phối hợp Đồn Công an Cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhanh chóng ngăn chặn, yêu cầu kiểm tra. Cùng thời điểm, một mũi trinh sát khác kịp thời phối hợp cơ quan chức năng bắt giữ đối tượng.
Thủ đoạn mới lợi dụng không gian mạng
Tại cơ quan điều tra, Đậu Thị Khuyên khai nhận, trong một chuyến du lịch Đà Nẵng đã vô tình gặp Nguyễn Thị Ngọc Hằng. Sau khi giới thiệu, 2 người làm quen bắt chuyện và lấy số điện thoại. Từ đó, Hằng móc dẫn cho Khuyên làm hồ sơ thủ tục để đưa người xuất cảnh sang Úc với vỏ bọc nhà tu hành. Những đối tượng được đưa đi trong đường dây đều có người đưa, đón tại sân bay Úc sau đó bố trí việc làm.
Để xin thị thực cho các lao động, Nguyễn Thị Ngọc Hằng liên hệ, trao đổi, thống nhất với Nguyễn Văn Khánh (SN 1996, trú tại phường Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để làm thay đổi hình ảnh chân dung trên căn cước công dân của Hồ Văn Thìn và những trường hợp khách hàng khác thành phật tử theo đạo Phật giáo.
Hằng còn bố trí người chỉnh sửa ảnh chân dung của Thìn thành chân dung dưới dạng tu hành Phật giáo (cạo tóc, mặc áo tu hành) và sử dụng ảnh này cùng điền thông tin nghề nghiệp là nhà sư khi khai nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu trực tuyến cho lao động trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
Từ các tài liệu chứng cứ đã thu thập được, ngày 9/5/2024, Công an tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài". Đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Ngọc Hằng về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài" và tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; Đậu Thị Khuyên về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài" và Nguyễn Văn Khánh về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Trực tiếp phụ trách trong Ban chuyên án, Đại uý Nguyễn Hoàng Việt Anh - cán bộ Phòng PA08 chia sẻ, đây là chuyên án mà thủ đoạn của nhóm đối tượng rất tinh vi, phạm vi rộng, mọi trao đổi sử dụng hoàn toàn trên không gian mạng như Facebook, Zalo, Telegram… nên rất khó nắm bắt. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban giám đốc Công an Hà Tĩnh, các cán bộ, chiến sĩ không kể ngày đêm di chuyển rất nhiều địa bàn trên toàn quốc như TPHCM, Trà Vinh, Cà Mau… để có được dữ liệu khâu nối với nhau, giải và cho ra đáp số cuối cùng. Vụ án đang tiếp tục được điều tra, mở rộng.