Đại mỹ nhân là tiểu thư sống trong biệt thự mặt tiền ở phố cổ Hà Nội, rộng tới mức xây cả rạp hát

Tùng Ninh,
Chia sẻ

Gia đình Ái Vân có gốc gác doanh nhân giàu có bậc nhất Hà Nội thời gian đầu thế kỷ, sở hữu biệt thự mặt tiền trung tâm phố cổ thủ đô.

Tiểu thư nhà giàu có, sống trong biệt thự mặt tiền phố cổ Hà Nội

Ái Vân sinh năm 1954 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở phố Huế, Hà Nội. Mẹ cô là nghệ sĩ cải lương Ái Liên còn bố là ông Hà Quang Định, chủ hãng Việt Film (Hãng phim tư nhân đầu tiên tại Việt Nam).

Đại mỹ nhân là tiểu thư sống trong biệt thự mặt tiền ở phố cổ Hà Nội, rộng tới mức xây cả rạp hát- Ảnh 1.

Ái Vân thời trẻ

Gia đình Ái Vân có gốc gác doanh nhân giàu có bậc nhất Hà Nội thời gian đầu thế kỷ, sở hữu biệt thự mặt tiền trung tâm phố cổ thủ đô. Nữ danh ca từng tiết lộ trong hồi ký rằng:

"Trước khi về hai nhà số 36 - 38 phố Huế, gia đình tôi sống ở biệt thự phố Doren, nay là phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội.

Khu nhà 36 - 38 phố Huế rất rộng, thực tế gia đình tôi chỉ sống ở nhà số 36 với diện tích 136 m2, còn nhà số 38 với diện tích 600 m2 chỉ dùng làm sân chơi. Sau 1945 ba tôi cho làm sàn nhảy Paramount rất nổi tiếng.

Mãi đến năm 1952, Gánh hát Ái Liên sau nhiều năm lưu diễn khắp Đông Dương về "định cư" ở Hà Nội, ba dùng mảnh đất 600 m2 của nhà 38 xây rạp Ái Liên".

Nhờ được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, lại sẵn điều kiện kinh tế khá giả nên ngay từ nhỏ, Ái Vân đã tiếp xúc với âm nhạc. Cô từng kể lại rằng, mẹ cô là người Bắc, nhưng lại hát bằng giọng Nam, cả cải lương lẫn tân nhạc. Vì thế, Ái Vân sớm tiếp thu được những lối hát trữ tình của mẹ, để hình thành nên giọng hát ngọt ngào sau này.

Đại mỹ nhân là tiểu thư sống trong biệt thự mặt tiền ở phố cổ Hà Nội, rộng tới mức xây cả rạp hát- Ảnh 2.

Nhan sắc Ái Vân nổi bật ( Ngoài cùng hàng thứ hai, bên trái)

Bố Ái Vân tuy là một doanh nhân, nhưng lại rất đam mê âm nhạc và yêu thích giới nghệ sĩ nên hỗ trợ hết mình cho con gái theo đuổi nghệ thuật, bỏ tiền cho con học nhạc. Từ nhỏ, cô đã đi ca hát và còn tham gia đóng phim.

Bởi vậy, khác với những ca sĩ cùng thời, Ái Vân còn nổi tiếng trên cả màn ảnh. Bộ phim Chị Nhung do cô thủ vai chính thành công rực rỡ, kéo theo tên tuổi nữ nghệ sĩ nổi danh khắp chốn, có độ phủ sóng và tầm ảnh hưởng cao tới khán giả.

Từ năm 1971, khi mới 17 tuổi, Ái Vân đã tham gia làm kịch ngắn cho đài truyền hình. Sau đó, cô vào Nam tham gia Đoàn ca múa Bông Sen. Nhờ giọng nói chuẩn chỉ, Ái Vân được kiêm thêm phát thanh viên đài phát thanh.

Tới năm 1976, Ái Vân ra học Nhạc viện Hà Nội và sau khi tốt nghiệp về công tác tại Nhà hát Nhạc nhẹ Việt Nam năm 1979.

Ái Vân thuộc lứa ca sĩ được đào tạo bài bản về thanh nhạc, lại có nền tảng nghệ thuật dân gian từ gia đình nên hát rất hay, không những kỹ thuật mà còn truyền cảm. Cô sở hữu chất giọng light lirico soprano cao, sáng, bay cùng âm sắc vô cùng đặc biệt.

Đại mỹ nhân là tiểu thư sống trong biệt thự mặt tiền ở phố cổ Hà Nội, rộng tới mức xây cả rạp hát- Ảnh 3.

Nhờ đó, Ái Vân từ trẻ đã được đông đảo khán giả ái mộ. Cô chính là một trong những ca sĩ nhạc nhẹ đầu tiên của miền Bắc sau 1975 thành công vang dội, tiếng hát phủ khắp các đài phát thanh qua những ca khúc như Bài ca xây dựng, Triệu bông hồng…

Mỹ nhân vạn người mê, đạp xe quanh bờ Hồ cũng thành sự kiện

Điểm đặc biệt ở Ái Vân là cô không chỉ hát hay mà còn sở hữu nhan sắc mỹ nhân vạn người mê. Giọng hát cả ngoại hình của Ái Vân đạt sự tương đồng hiếm có, đẹp toàn vẹn. Nhờ đó, cô càng nổi danh và được đông đảo khán giả ái mộ.

Nhiều lớp thanh niên ngày ấy thường để hình Ái Vân trong áo để thi thoảng lại lôi ra ngắm. Rất nhiều người kể lại, khi đi bộ đội vẫn để hình Ái Vân trong ví.

Ái Vân nổi tiếng tới mức, bất kể cô xuất hiện ở đâu, làm gì cũng thành một sự kiện nên khán giả thường quen gọi Ái Vân là "sự kiện Ái Vân". Chẳng hạn, việc Ái Vân đạp xe quanh Hồ Hoàn Kiếm cũng là một sự kiện được mọi người chú ý.

Năm 1982, Ái Vân sang Đức tham gia Liên hoan Âm nhạc quốc tế Dresden và đoạt giải thưởng lớn. Đây là giải thưởng nhạc nhẹ đầu tiên của một ca sĩ Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Sau đó, cô đi diễn nhiều nơi trên thế giới.

Đại mỹ nhân là tiểu thư sống trong biệt thự mặt tiền ở phố cổ Hà Nội, rộng tới mức xây cả rạp hát- Ảnh 4.

Nếu xem Ái Vân trình diễn tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế Dresden, có thể thấy rõ vì sao cô lại đoạt giải. Ở Ái Vân lúc ấy là một giọng hát chín muồi về âm sắc lẫn kỹ thuật.

Chẳng hạn, ở phần trình diễn Bài ca xây dựng, lúc đầu Ái Vân hát giọng ngực nhiều, hơi bạch thanh nhưng sau đó chuyển sang head voice vô cùng mượt mà, mixed voice vượt xa thế hệ ca sĩ ngày nay. Ái Vân chuyển giọng rất đẹp, head voice không bị lạc so với quãng thấp, hát thoải mái, dễ chịu. Để có lực hát như Ái Vân không hề dễ dàng. Câu hát "này em thân yêu ơi" rất khó với giọng nữ cao vì nó nằm trên quãng cận cao, dùng chest voice không tới mà head voice lại thấp quá, nhưng Ái Vân vẫn hát mượt như nhung, sáng choang. Sau này không giọng nữ nào hát Bài ca xây dựng đạt như Ái Vân.

Đại mỹ nhân là tiểu thư sống trong biệt thự mặt tiền ở phố cổ Hà Nội, rộng tới mức xây cả rạp hát- Ảnh 5.

Sau năm 1990, Ái Vân sang nước ngoài định cư và cũng thành công vang dội tại hải ngoại. Cô vừa bước vào thử giọng và cất tiếng hát đã được giám đốc trung tâm băng nhạc đồng ý ký hợp đồng thu âm và ghi hình.

Không chỉ hát hay, Ái Vân còn diễn xuất rất tốt, lại múa đẹp nên đảm nhiệm được những màn ca múa tạp kỹ phức tạp trên sân khấu.

Điều khiến Ái Vân khác biệt với các ca sĩ hải ngoại khác là cô chuyên trị dòng nhạc dân ca Bắc Bộ, với âm hưởng quan họ, ca trù. Trên sân khấu Thúy Nga, cô hóa thân vào nhiều nhân vật như Thúy Kiều, Thị Mầu… Ngoài ra, Ái Vân cũng hát nhạc nhẹ rất hay. Ái Vân cũng chính là ca sĩ đầu tiên nâng đỡ Chí Tài trong những ngày đầu chuyển từ nhạc công sang diễn viên.

Chia sẻ