Cựu binh U80 chạy xe máy 1.300km vào TP.HCM: 'Tôi đi ngắm hoà bình đất nước'
Ở tuổi 76, với chiếc xe máy cũ, ông Trần Văn Thanh vượt 1.300km từ Nghệ An vào TP.HCM, khoảnh khắc đầy tự hào mừng 50 năm thống nhất đất nước.
10h sáng 17/4, ông Trần Văn Thanh (76 tuổi, quê TP Vinh, Nghệ An) lấy chiếc xe máy cũ, mang theo vật dụng cá nhân và bộ đồ nghề sửa xe, khởi hành chuyến đi đặc biệt - vượt hơn 1.300km vào TP.HCM dự lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.
Nói về quyết định táo bạo này, người lính già rắn rỏi cười hiền: "Tôi muốn tự mình đi, để tận mắt chứng kiến sự đổi thay của đất nước, để thắp nén hương tri ân đồng đội đã hy sinh, để sống trọn vẹn lòng yêu nước trong ngày trọng đại của dân tộc".
Ông Trần Văn Thanh kể, ông nhập ngũ năm 1968, thời điểm những trận đánh khốc liệt ở Thành cổ Quảng Trị, nơi "một tấc đất, một giọt máu", nhuốm đẫm hy sinh. Những người đồng đội năm đó, nhiều người mãi mãi nằm lại nơi "đất lửa" Quảng Trị.

Ông Trần Văn Thanh vượt 1.300 km từ TP Vinh vào TP.HCM xem diễu binh mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nửa thế kỷ trôi qua, những ký ức năm xưa về thời hoa lửa chưa bao giờ nguôi ngoai trong ông. Khi nghe tin tại TP.HCM sẽ diễn ra Lễ diễu binh, diễu hành mừng 50 năm ngày thống nhất đất nước, ông Thanh quyết định "phải tự đi, phải có mặt để chứng kiến thời khắc thiêng liêng".
"Nhiều người chọn đi ô tô, tàu hỏa, máy bay để đến TP.HCM nhanh nhất, nhưng tôi thấy mình phải có một cuộc hành trình đầy ý nghĩa. Tôi đi xe máy, để ngắm nhìn các miền quê, trải nghiệm dọc đường và rất tự hào vì thấy đất nước thay da đổi thịt từng ngày” , ông Thanh nói.
Trước khi khởi hành, ông cẩn thận chuẩn bị mọi tư trang cá nhân và không thể thiếu lá cờ Tổ quốc được buộc cẩn thận sau yên xe suốt chặng đường.
“Tôi giấu vợ con, gia đình về chuyến đi, vì nói trước, họ sẽ lo lắng ngăn cản. Tôi chỉ lặng lẽ chào bà con lối xóm, nhờ họ nhắn lại sau khi tôi đã di chuyển đi xa", ông kể.
Hơn 1.300km, với bao đèo dốc, nắng mưa, nhưng tuyệt nhiên không khiến ông Thanh mảy may do dự.
Mỗi ngày, ông Thanh tự đặt mục tiêu chặng ngắn, nghỉ ngơi giữa đường để tránh kiệt sức. Ban đêm, ông ngủ tại nhà trọ ven đường hoặc trú tạm ở những nơi có người dân hỗ trợ. Ông chuẩn bị cả võng, bếp cồn mini, nồi nhỏ, mì tôm để nấu ăn đơn giản khi cần thiết.
Đi qua từng miền đất, ông thắp hương tại những nghĩa trang liệt sĩ, thầm thì lời tri ân đến những người đã ngã xuống cho quê hương, đất nước, trong đó có nhiều đồng đội năm xưa.

Người dân hỗ trợ ông Thanh kiểm tra xe máy dọc đường đi.
Trong suốt hành trình, điều khiến ông Thanh cảm động nhất chính là sự nhiệt tình, thân thiện của người dân. Người dân nhiều nơi khi biết chuyện đã ra tận đường chào đón, mời ông nghỉ ngơi, tiếp nước, sửa xe. Những cái vẫy tay, những lời chúc như tiếp thêm sức mạnh, ý chỉ để ông hoàn thành chặng đường của mình.
"Khi tôi ngã xe ở Phú Yên, nhiều người không quen biết đã vào dựng xe, hỏi han, chăm sóc. Những điều nhỏ bé ấy làm mình rưng rưng. Đất nước mình đẹp không chỉ ở cảnh quan, mà còn từ lòng người", ông Thanh nói.
Ngày 27/4, sau 10 ngày rong ruổi, ông Trần Văn Thanh đặt chân đến TP.HCM.
Ông nghẹn ngào: "Hơn 50 năm trước, chúng tôi chiến đấu để đất nước có ngày hôm nay. Bây giờ thấy một TP.HCM sầm uất, rực rỡ, tôi chỉ biết thầm cảm ơn những người đã hy sinh, cảm ơn đất trời".
Cùng ngày, ông Thanh chứng kiến lễ tổng duyệt diễu binh, diễu hành. Đứng lẫn trong biển người, ông như sống lại những ngày tháng oanh liệt.
"Mỗi bước đi của đoàn quân hôm nay là bước chân của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ năm xưa. Tôi thấy mình như trẻ lại, như còn khoác ba lô trên vai, tay cầm súng, mắt hướng về lá cờ đỏ sao vàng. Tự hào lắm! Tự hào cho đất nước, cho thế hệ hôm nay. Hòa bình không tự nhiên mà có. Hòa bình đổi bằng máu và nước mắt của hàng triệu người”, cựu chiến binh 76 tuổi chia sẻ.

Ông Trần Văn Thanh (phải) trò chuyện cùng cựu chiến binh trong ngày gặp mặt giữa TP.HCM.
Khi được hỏi điều khiến ông xúc động nhất suốt chuyến đi, ông Thanh không ngần ngại: "Chính là sự bình yên. Những mái nhà san sát, những đứa trẻ tung tăng cười đùa, những ngọn cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Hòa bình, đối với tôi, là món quà quý giá nhất mà bao thế hệ đã đổ máu mới giành được".
Đối với ông Thanh, hơn 1.300km, 10 ngày rong ruổi là hành trình của trái tim chưa bao giờ ngừng yêu Tổ quốc.
Chuyến đi để "được sống trong vòng tay yêu thương của người dân" giữa những ngày tháng Tư lịch sử.
