Cuộc sống xa hoa của người giàu nhất chợ Lớn khi xưa

Minh Dương,
Chia sẻ

Tổng đốc Đỗ Hữu Phương (1838 - 1914) là một trong bốn phú hộ của Nam Kỳ xưa được xưng danh trong “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”.

Có thể nhiều người từng biết đến đại lộ sang trọng và sầm uất nhất Chợ Lớn được đặt tên là "Đại lộ Tổng Đốc Phương". Đại lộ Tổng đốc Phương được đặt dưới thời Pháp thuộc, khi ấy Tổng đốc Đỗ Hữu Phương đã "có công" lớn với người Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân. Ngày nay, Đại lộ này chính là đường Châu Văn Liêm, thuộc quận 5, TP. HCM.

Người giàu nhất Chợ Lớn, giàu nhì Nam Kỳ

Đối với người dân khi ấy, Đỗ Hữu Phương không phải người giàu nhất Nam Kỳ nhưng tiếng tăm lẫy lừng, được người ta biết đến nhiều hơn cả. Hồi ấy, những cái tên như "Rạch Ông Lớn", "cầu Rạch Ông", "chợ Rạch Ông" đều là nhắc đến Đỗ Hữu Phương, vì những địa danh này đều thuộc vùng đất đai trước đó của ông ta.

Mặc dù cha không xuất thân gia đình quan lại nhưng lúc ấy, nhà Đỗ Hữu Phương lại giàu nhất Chợ Lớn, xứng danh bá hộ. Còn mẹ thuộc dòng dõi con quan. Sinh ra và lớn lên tại Chợ Đủi, Đỗ Hữu Phương đã kinh qua hoàn cảnh xã hội bất ổn triền miên lúc bấy giờ.

Cuộc sống xa hoa của người giàu nhất chợ Lớn khi xưa- Ảnh 1.

Đỗ Hữu Phương thời trẻ.

Khi Pháp tiến đánh Gia Định, Đỗ Hữu Phương nhanh chóng theo Pháp khi đồn Chí Hòa thất thủ. Nhờ một người trung gian theo đạo, Đỗ Hữu Phương có cơ hội gặp Tham biện Chợ Lớn lúc đó là Francis Garnier, và chính thức phục vụ cho người Pháp từ lúc đó.

Trong Các giai thoại Nam Kỳ lục tỉnh cũng có trích dẫn rằng: "Đỗ Hữu Phương liên tục phục vụ trong nền hành chánh thuộc địa cả văn lẫn võ, và có đôi lúc làm trung gian áp-phe trong các dịch vụ đấu thầu, mua bán giữa Pháp và Hoa Kiều". Khi Pháp nắm trong tay Lục tỉnh, Đỗ Hữu Phương từ bá hộ lên làm Hộ trưởng Chợ Lớn.

Điều này giống như "một bước lên mây", bởi vì khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn khi ấy chia làm 20 hộ, chức hộ trưởng đương thời chính là cơ hội giúp Đỗ Hữu Phương làm giàu thần tốc. Cũng đi lên từ chức đội trưởng quân mã tà, Đỗ Hữu Phương và Trần Bá Lộc thi nhau thể hiện năng lực để lập công với người Pháp.

Nếu như Tổng đốc Trần Bá Lộc tàn ác khét tiếng theo Pháp vì trả thù cho cha thì Đỗ Hữu Phương lại "chẳng màng" thứ tình ấy, ông ta đứng về phía Pháp để bảo toàn tài sản của mình. Lúc bấy giờ, theo luật ta, tất cả tài sản và đất đai đều thuộc quyền của vua, nên Đỗ Hữu Phương ra bắt tay với người Pháp để bảo vệ quyền lợi của mình.

Đỗ Hữu Phương cũng có đủ mánh khóe để tạo dựng chỗ đứng cho bản thân. Lúc mới đầu, ông ta cũng tham gia vài trận đánh để tạo uy tín với Pháp, chẳng hạn như dẹp tan cuộc khởi nghĩa do con Trương Công Định cầm đầu ở Hóc Môn. Trong vòng 9 năm, Đỗ Hữu Phương dẫn quân đánh khắp các nơi Vũng Liêm, Rạch Giá và từ Hộ trưởng lên chức Đốc Phủ Sứ. Chưa hết, Đỗ Hữu Phương còn theo đạo và gia nhập Pháp tịch. Chính vì vậy, Đỗ Hữu Phương nắm giữ vai trò quan trọng đó là do thám và cấp báo những tin tức của những cuộc dự mưu khởi nghĩa trong phạm vi Chợ Lớn, Cần Giuộc, Tân An.

Từ Hộ trưởng, thăng làm Đốc Phủ Sứ, hàm Tổng Đốc, đến năm 1872, được Tham biện Chợ Lớn đề nghị, Thống đốc Le Myre de Villers bổ nhiệm Đỗ Hữu Phương làm hội viên Hội đồng Thành phố Chợ Lớn. Năm 1897, Đỗ Hữu Phương làm phụ tá cho xã Tây, một chức vụ giống với thị trưởng.

Cuộc sống xa hoa của người giàu nhất chợ Lớn khi xưa- Ảnh 2.

Tổng đốc Đỗ Hữu Phương.

Một cách kiếm tiền khác của Đỗ Hữu Phương đó nũa là nhận tiền chạy chọt việc này việc kia vì Đỗ Hữu Phương có quen biết với nhiều người giữ chức vụ then chốt, mà khi đó Hoa Kiều lại mở cửa buôn bán và giao dịch nhiều với người Pháp. Nắm trong tay vai trò áp - phe đó, Đỗ Hữu Phương quả thực đã kiếm bộn tiền.

Đỗ Hữu Phương có căn nhà ngói 5 gian rộng lớn ở vị trí đắc địa khách sạn Thủ Đô, Chợ Lớn lúc trước nằm trên đại lộ mang tên ông. Mỗi khi ghé miền Nam, Toàn quyền Paul Doumer đều ghé nhà Đỗ Hữu Phương ăn nhậu và nhận xét "người ông giống hệt nhà ông, bên ngoài trang trí theo lối Pháp, nhưng bên trong trang trí giữ phong tục bản xứ".

Cái sự tinh ranh và khéo léo còn giúp Đỗ Hữu Phương xin không được Toàn quyền Paul Doumer cấp cho 2223 mẫu ruộng ở làng Hỏa Lựu, Chương Thiện.

Với sự thông minh và khéo léo trong kinh doanh, người giúp ông Tổng đốc Phương trở thành một trong những người giàu có bậc nhất Sài Gòn phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của người vợ tài ba. Dẫu rằng bà đã trở thành phu nhân của một người đàn ông giàu có, được hưởng thụ cuộc sống xa hoa, bà Tổng đốc không hề sa đà vào những lối sống hưởng thụ như nhiều quý bà khác trong xã hội thượng lưu thời bấy giờ.

Trong khi chồng bận rộn với công việc ngoại giao, mọi sinh hoạt trong gia đình đều do bà tự tay quán xuyến một cách cẩn thận và chu toàn. Bà được biết đến là người phụ nữ đảm đang và tháo vát ở Sài Gòn xưa, lại xuất thân dòng dõi quan lại nên sớm tỏ tường với chuyện buôn bán, vun vén chuyện gia đình.

Cuộc sống xa hoa của người giàu nhất chợ Lớn khi xưa- Ảnh 3.

Vợ chồng Tổng đốc Đỗ Hữu Phương.

Với diện tích đất đai trù phú như vậy, mỗi khi mùa màng về, bà Tổng đốc không ngần ngại đích thân theo dõi, tính toán chi tiêu và sắp xếp công việc cho người lao động. Bà cũng tự mình xây dựng một hệ thống buôn bán quy mô lớn, liên kết chặt chẽ với những tiểu thương địa phương, đồng thời tạo dựng nên một mạng lưới kinh doanh độc lập. Gia đình Đỗ Hữu Phương thời đó cũng có sức ảnh hưởng đáng kể trong các hoạt động thương mại tại các cảng biển Sài Gòn.

Đối mặt với khối lượng công việc lớn không thể tự mình giải quyết hết, bà vợ đã thông minh cho người khác thuê ruộng đất. Khi mùa gặt đến, việc thu thuế và các khoản lệ phí cũng mang lại nguồn thu lớn cho gia đình. Lúa dư thừa chất đống khắp nơi, bà đã tận dụng cơ hội này để bán với giá cao, vừa kiếm lợi nhuận vừa ngăn chặn sự thất thoát không đáng có. Trong cuốn Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển đã có những lời khen ngợi cho vợ Đỗ Hữu Phương thế này: "Sự nghiệp ᴄủa ông Phương trở nên đồ sộ nhất nhì trong xứ, phần lớn do tay phu nhân Trần thị gây dựng. Bà giỏi tài đảm đang nội trợ, một tay quán xuyến trong ngoài làm ᴄủa đẻ thêm ra mãi, lại đượᴄ trường thọ, mất sau ᴄhồng…".

Không chỉ vậy, những kẻ nịnh đầm khi ấy còn cho rằng Đỗ Hữu Phương là người giàu có danh giá, hội tụ đủ "Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh".

Làm giàu từ việc bắt tay với Pháp

Trong những tay sai đắc lực, Đỗ Hữu Phương là người duy nhất thân cận và qua lại với người Pháp nhiều nhất. Năm 1874, Đỗ Hữu Phương qua Pháp dự hội chợ Paris. Đến các năm 1884, 1889, 1894, Đỗ Hữu Phương qua Pháp du lịch và thăm con cái đang du học tại đó. Bạn bè người Pháp nhận xét ông "Pháp hóa hơn cả những người Pháp" - trích Các giai thoại Nam Kỳ lục tỉnh.

Cuộc sống xa hoa của người giàu nhất chợ Lớn khi xưa- Ảnh 4.

Đỗ Hữu Phương bên vợ và các con.

Đỗ Hữu Phương có con cả Đỗ Hữu Chẩn làm Trung tá trong quân đội Pháp, đây cũng là người Việt Nam đầu tiên và trẻ tuổi nhất làm Trung tá trong quân đội Pháp. Người con tiếp theo là Đỗ Hữu Vị, ngay từ nhỏ đã hấp thụ một nền văn hóa toàn Pháp và trở thành phi công đầu tiên Việt Nam và Đông Nam Á.

Ở thời này, làm phi công cũng là một nghề rất khó và đặc biệt chứ đừng nói đến việc ngày ấy, máy bay mới được phát minh. Bởi vậy, làm phi công là điều gì đó rất phi thường. Mặc dù làm phi công tác chiến trong phi đoàn ở Maroc, nhưng người Pháp muốn dùng "tấm gương" này để cổ vũ người dân bản xứ phục vụ cho người Pháp, người Pháp gửi Đỗ Hữu Vị về Việt Nam lái máy bay biểu diễn ở Sài Gòn và Hà Nội khiến dân chúng bàn tán xôn xao.

Cuộc sống xa hoa của người giàu nhất chợ Lớn khi xưa- Ảnh 5.
Cuộc sống xa hoa của người giàu nhất chợ Lớn khi xưa- Ảnh 6.

Đỗ Hữu Vị - con trai cả của Đỗ Hữu Phương là phi công người Việt đầu tiên cùng hình tem được in phát hành ở Đông Dương.

Khi Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ, Đỗ Hữu Vị trở về Pháp tham dự trận đánh với Đức và hy sinh, sau đó được thưởng nhiều huy chương và truy thăng Đại úy. Người Pháp tưởng nhớ đến nỗi cho in hình Đỗ Hữu Vị trên con tem phát hành khắp Đông Dương lúc bấy giờ và cũng lấy tên đặt cho trường Kỹ thuật Cao Thắng sau này.

Còn người con trai thứ ba cũng tham gia công tác trong hành chính nhưng không rõ chức vụ. Đặc biệt, trong 3 người con gái được giáo dục theo truyền thống Nho giáo của Đỗ Hữu Phương, có một người gả cho con trai Tổng đốc Hoàng Cao Khải - tay sai danh giá nhất miền Bắc.

So với Trần Bá Lộc "độc đinh" chỉ có một người con nhưng cũng chẳng leo cao được mấy, dường như Đỗ Hữu Phương đã để các con mình cống hiến cho Pháp một cách toàn diện, tận tụy vô cùng.

Chính vì thế, người Pháp đã đánh gia Đỗ Hữu Phương cùng với Trần Bá Lộc, Lê Phát Đạt (Huyện Sĩ) lúc bấy giờ rất nổi bật trong những người Việt hợp tác với Pháp. Đỗ Hữu Phương cũng coi việc cúc cung tận tụy với Pháp là một bổn phận để giữ lấy địa vị giàu sang và khả năng thăng quan tiến chức của mình. Với sự trợ giúp của Đỗ Hữu Phương, tình hình miền Nam khi ấy được người Pháp kết luận rằng: "Nam Kỳ ổn định về mọi mặt như mặt nước mùa thu. Sự giao thiệp giữa các viên chức ra hợp tác với tân triều và quan lại người Pháp, có thể nói là thân mật, mở ra một thời kỳ huy hoàng ở Nam Kỳ".

Đỗ Hữu Phương được thưởng Bắc Đẩu Bội Tinh không chỉ 1 lần, ông được thưởng hẳn 3 năm đó là 1874, 1884 và 1889. Khi về hưu vào năm 1899, Đỗ Hữu Phương dành thời gian làm từ thiện. Ông sáng lập trường Nữ trung học Sài Gòn (nay là trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai) và còn làm Phó chủ tịch "Hội nghiên cứu Đông Dương". Hội này tập hợp những người Pháp quan tâm đến miền Nam, những người Việt giàu có, giữ địa vị quan trọng trong chính quyền thuộc địa hoặc trí thức.

Cuộc sống xa hoa của người giàu nhất chợ Lớn khi xưa- Ảnh 7.
Cuộc sống xa hoa của người giàu nhất chợ Lớn khi xưa- Ảnh 8.
Cuộc sống xa hoa của người giàu nhất chợ Lớn khi xưa- Ảnh 9.

Căn dinh thự xa hoa của gia đình Đỗ Hữu Phương.

Miền Nam nhiều nhà giàu lại có lối sống xa hoa theo Pháp. Khi đó, nhà hàng Continental là nơi gặp gỡ của những người Việt và Pháp thượng lưu trí thức. Người Pháp mở ra để pha trộn bản sắc giữa hai dân tộc. Sự "Pháp hóa hơn cả người Pháp" của Đỗ Hữu Phương được thể hiện ở chỗ ông thường xuyên ngồi ở nhà hàng này tán gẫu với bạn bè Pháp và lại còn rất hiếu khách. Cứ khi nào có khách đến nhà chơi, ông đều mang rượu sâm panh ra đãi, ăn bánh Petit Beurre và uống cà phê "De La Paix".

Chẳng hề nói quá, khi đó, người ta ví Nam Kỳ mang một vẻ ấm cúng và thú vị, khác hẳn với bầu trời Paris ảm đạm và lạnh lẽo. P. Barthelémy trong cuốn "En Indochine 1894-95" có nói đến cuộc sống tại tư gia của Đỗ Hữu Phương thế này: "Khi viếng Chợ Lớn, đừng quên ghé thăm một ông Phủ giàu có danh tiếng của thành phố này. Quan Phủ bắt chước lối sống cực kỳ xa hoa của chúng ta. Ông là dân An - Nam, tuổi độ 50, tướng phốp pháp, có râu ngạnh trê, luôn luôn tự phụ. Ông không do dự trong việc cho con qua Pháp du học. Nhà ông nửa Tây, nửa ta".

Chia sẻ