Cuộc sống khó tin trong căn nhà cheo leo và "nhỏ nhất Thủ đô" của người chồng phố cổ bị vợ bỏ
Vợ chồng anh chia tay nhau từ 5 năm trước. Anh luôn nghĩ vợ bỏ đi vì không chịu được cảnh chật hẹp bí bách, nhưng hàng xóm xung quanh và người thân đều nói rằng vợ anh là người khéo léo, biết nhẫn nhịn. Đã có thời gian 3 năm gia đình anh chuyển ra ở trọ bên ngoài, sau đó chẳng rõ lý do gì lại chuyển về ngôi nhà "bé bằng nắm tay" này...
Căn nhà như hầm tránh bom với 3 kỷ lục Guiness “tự nhận”
Phố cổ giữa tuần mà vẫn đông đúc như trẩy hội. Suýt nữa thì tôi bị trôi theo dòng du khách, đi quá mất cái ngõ 44 phố Hàng Buồm bé tí hin. Lách qua đống hàng của tiệm tạp hoá số 44, phải mất một lúc mới định hình được lối đi vì bước vào cái ngõ chỉ rộng 30cm một cái là không gian trong đó tối om như hũ nút, trái ngược hẳn với sự lung linh rực rỡ của phố xá ngay bên ngoài. Thò tay lần mò trên tường, tôi đi một đoạn dài mới đến được chỗ có cái ô sáng hắt xuống chiếc cầu thang bằng sắt cũ kỹ khá lạ – 6 cái móc chữ U cắm vào tường.
Con ngõ sâu hun hút, tối om dù trời chưa tắt nắng. Lối lên căn nhà nhỏ nhất Hà Nội này chính là mấy chiếc móc sắt dưới cái lỗ bê tông chỉ lọt vừa 1 người lớn.
Phía trên cái "lỗ" là nơi ở của anh Hoàng Văn Xuân - chủ nhân căn nhà 5m2 bé nhất nhì thủ đô.
Một người đàn ông tóc hoa râm thò đầu xuống cái “lỗ” ngay khi tôi cất tiếng gọi, làm tôi giật mình dẫm thẳng lên chân anh bạn đi sau. Đấy là anh Xuân – người mà tôi cần tìm, chủ nhân căn nhà 5m2 lửng lơ trong ngõ 44 Hàng Buồm. Ban ngày anh chạy xe ôm, chở hàng thuê nên muốn gặp anh phải tới vào buổi tối. Một phần vì bận, phần vì nhà quá nhỏ, bí bách, ban ngày nóng không thở được nên anh thường xuyên phải rời đi.
"Có nhà mà như không có, tôi cũng buồn lắm. Đi cả ngày tối muộn mới về ăn uống tắm giặt, chỉ muốn ngả lưng xem phim rồi ngủ cho quên đi thực tại. Hết cuộc đời không biết có rời được khỏi đây không". Người đàn ông ngước khuôn mặt nhàu nhĩ, hơi ươn ướt nhìn vô định vào cái lỗ lên xuống... Có người đến hỏi thăm mà chẳng có nổi chén trà, anh cũng hơi ngại ngùng, nhưng hỏi chuyện gì anh cũng trả lời một cách thoải mái.
Cái nhà như hầm tránh bom của anh đã lên báo đài rất nhiều rồi, cả trong lẫn ngoài nước, thậm chí có cậu phóng viên Tây còn… bê hẳn bồn tắm nhà mình ra để so sánh với diện tích nhà anh Xuân. Anh kể lại một kỉ niệm vui rằng, có lần một ekip đài truyền hình đến quay, cô phóng viên béo quá... không chui qua nổi cái ô lên xuống, đành đứng dưới dòm lên.
Với chiều cao chưa đầy 1,2 mét, chiều rộng 1m9 và chiều dài 2m7, căn nhà phải tính bằng mét khối chứ không phải mét vuông nữa, vì nó chẳng khác cái bể nước, vừa nhỏ vừa tối, ẩm thấp, dột mục tứ tung, lại còn mất sóng điện thoại. Chui vào nhà là xác định chẳng liên lạc được với ai. Nó còn bí đến mức mùa nóng như cái lò thiêu, ngoài đường 40 độ thì trong này phải hơn 50, 2 cái quạt bật hết công suất cũng không mát được là bao. Mùa đông thì rét mướt chẳng khác vườn không nhà trống, nước ngấm từ cái sân sinh hoạt chung bên trên mái xuống dưới khiến anh Xuân chẳng ngủ được. Mọi người làm gì cũng nghe rõ từng tiếng động, đường phố ngay ngoài thì ồn ào, nên sinh hoạt ở đây khá bất tiện.
Người hiếu kỳ và báo chí tới hỏi quá nhiều nên anh Xuân vẽ sẵn sơ đồ, kích thước nhà mình ra giấy, lôi ra lôi vào lắm đến nỗi nát bươm.
Một bài báo cũ viết về nơi ở đặc biệt của anh Xuân, bên trong kẹp mẩu biên lai kỉ niệm số tiền 100$ ủng hộ từ một người đàn ông Việt kiều.
Căn nhà tí hon này được xây cách đây tầm 50 năm rồi, xuống cấp khá nghiêm trọng, như hàng nghìn hộ gia đình khác trong khu phố cổ. Bố mẹ anh Xuân có 7 người con, anh là thứ 4, trước đây tất cả cùng chung sống, chen nhau trong căn nhà hơn 10m2, sau lập gia đình lần lượt thì chuyển ra ngoài, giờ còn mỗi anh Xuân và một người em trai nữa ở gian trong. Anh không có sổ đỏ hay giấy tờ gì sở hữu nhà, chỉ có bản hợp đồng đi thuê của Nhà nước với giá 1 triệu đồng/ năm.
Mọi thứ ở đây đều khá lâu đời, phủ đầy bụi và mạng nhện, có thứ mùi ngai ngái cũ xưa thời bao cấp.
Đồ đạc chẳng có gì nhiều nhặn, chỉ đủ chỗ đặt vài cái gối, chiếc chăn, chiếu nhựa...
Căn nhà của anh Xuân rất bí bách ngột ngạt, mùa này vào ban ngày, chiếc kim nhiệt kế bên phải quay tít, có hôm còn nhảy qua cả số 50.
Trong căn phòng này, cứ chỗ nào có khe kẽ đều được tận dụng để nhét đồ.
Anh Xuân nói vui rằng nhà anh phải được trao 3 kỷ lục Guiness mới chuẩn: căn nhà nhỏ nhất, lên báo nhiều nhất, dự án hỗ trợ lâu nhất (anh xin di dời chỗ khác nhưng chưa được). Nhà chật, ngõ cũng bé như ruột mèo nên xe máy anh phải để ngoài vỉa hè, đồ đạc thì tuềnh toàng, muốn sắm gì cũng chẳng có chỗ chứa, tài sản giá trị nhất chắc được mỗi cái tivi màu. Tận dụng khoảng không nối với cái gác xép nhà em trai, anh đóng tạm cái tủ gỗ để treo vài bộ quần áo, đựng ít giấy tờ cho khỏi mối mọt.
Đang ngắm nghía mấy thứ tủn mủn vứt lăn lóc trên sàn vì không có chỗ để, tôi giật mình lần 2 vì lời nhắc: “Đừng thò chân xuống dưới như thế, ai đi qua là quệt vào đầu họ đấy”. Quả thực, nhà anh đã bé rồi cái ngõ còn bé lùn hơn, ai cao trên 1m7 là phải cúi lom khom mới đi được. Tôi phải thò chân xuống dưới vì 3 người chui vào căn phòng này đã đủ chật đến mức không có chỗ duỗi. Thật nể phục khi nhiều năm trước 7 anh em nhà anh Xuân có thể chen nhau ngủ nghê sinh hoạt trong khoảng không gian chưa đầy 5m2.
Không chỉ có diện tích chật hẹp, căn phòng này còn có trần rất thấp, không thể đứng lên bình thường được, muốn di chuyển chỉ có cách bò hoặc nằm.
Mặc áo không sao, mặc quần là phải ngồi, xỏ được 2 ống thì quay sang... tư thế quỳ mới cài được khoá.
Căn nhà đầy những vết nứt lớn trên tường, mùi ẩm mốc khắp nơi và những mảng vôi vữa rơi trắng xoá đầu. Ban ngày, trước ngõ có hàng bún chả nên cả chục cái bếp than tổ ong nghi ngút khói hơi hầm hập phả vào, muội than, bụi bặm bám đầy trên tường và đồ đạc. “Phố cổ là phố khổ mà. Mưa to thì ngập dưới dột trên. Nước thì 12h đêm mới có, đến sáng 7h thì mất. Ai bảo ở đây sướng tôi nhường cho đấy”. Anh Xuân vừa nói vừa phủi đống vữa li ti rơi trên đầu, không gạt đi nó ngứa cho phát khóc.
Xà ngang trên trần nhà nứt một đường khá lớn, lớp vữa trát có tuổi thọ mấy chục năm cũng rơi rụng lả tả mỗi khi có rung động hoặc chạm nhẹ.
Đầu tường chỗ anh Xuân nằm bên kia là bể nước và cống, rất ẩm và hôi, nấm mốc đen xì. Chẳng chuyển đi đâu được nên anh Xuân cũng muốn sửa nhà, nhưng sửa được hết chỗ cần thì chắc ngang với xây nhà mới...
Hiện tại anh Xuân đang ở với cậu con trai duy nhất, năm nay 19 tuổi, đang làm nhân viên siêu thị gần nhà. Vợ chồng anh chia tay nhau từ 5 năm trước, chỉ còn 2 người đàn ông xoay sở rau cháo nuôi nhau trong căn nhà như cái hầm thời chiến. Anh luôn nghĩ vợ bỏ đi vì không chịu được cảnh chật hẹp bí bách, nhưng hàng xóm xung quanh và người thân đều nói rằng vợ anh là người khéo léo, hiền hậu, biết nhẫn nhịn. Cũng đã có thời gian 3 năm gia đình anh chuyển ra ở trọ bên ngoài, sau đó chẳng rõ lý do gì lại chuyển về... Anh lầm lũi đi làm kiếm sống rồi ăn ngủ một mình, đâm ra mọi người xung quanh cũng ít trò chuyện tiếp xúc, anh có thực sự khó khăn hay không họ cũng chẳng rõ, nên chẳng ai bàn luận gì.
Mười mấy năm trời, di chuyển trong nhà chỉ có cách quỳ hoặc bò, trần quá thấp không thể đứng được, mặc quần áo ở đây cũng độc nhất vô nhị luôn – nằm mới xỏ được quần. Chính vì thế nên cậu con trai của anh Xuân khá thiệt thòi, vóc dáng không phát triển hết mức như bình thường.
“Tôi vẫn khuyến khích cháu ra ngoài hơn là ở nhà, vì tối và thấp, cháu không hoạt động bình thường được. Nó thiệt đủ phận từ lúc lọt lòng, đẻ ra sinh non thiếu tháng, rồi nhà nghèo, lại chật chội. Lúc nhỏ thì chơi với lũ trẻ quanh đây, lớn lên đi học nó chẳng dám mời bạn tới vì nhà cửa thế này chỗ ngồi còn chẳng có, sinh nhật con tôi cũng không tổ chức được. Tôi cũng chưa cho con được cái Tết nào trọn vẹn quây quần, vì nhà như lỗ chuột, chỗ để ban thờ bố mẹ tôi còn không thể lập vì quá chật chội, đốt một nén hương chắc đủ cháy lan cả phố.
May mắn là thằng bé học giỏi, lại rất ngoan và hiểu hoàn cảnh gia đình, thương bố mẹ lắm. Trước đây nó cũng có bạn gái, nhưng rồi vì cái nhà như lỗ chuột này mà tụi nhỏ chia tay nhau, khiến nó càng ngày càng khép kín, không thích tiếp xúc với người lạ, chỉ thỉnh thoảng mới tâm sự với bố vài chuyện linh tinh”. Vừa kể, anh vừa bật chiếc đèn tích điện lên để soi ảnh con trai, bởi mắt anh nhìn không rõ. Cậu bé đang đi vắng nên mấy ngày nay có mình anh chui ra chui vào, cũng buồn và trống trải.
Mắt đã kém nên anh Xuân nhìn không rõ, nhưng gương mặt người đàn ông nghèo vẫn toát lên vẻ hạnh phúc tự hào khi nói về đứa con trai duy nhất.
Đứa con trai ngoan ngoãn ấy là kết tinh cuộc hôn nhân 20 năm trên căn gác cheo leo...
Một ngày của ông bố cô đơn này bắt đầu từ 6h sáng, tranh thủ còn nước để vệ sinh, giặt giũ. Nhà có 5m2 lại nằm cheo leo trên lối ngõ nên mọi việc khác phải làm nhờ ở sân tập thể bên dưới, đến bếp còn không dám dùng, phải mua 2 cái nồi cơm điện, 1 chiếc nấu cơm, chiếc còn lại… nấu canh hoặc hầm luộc món khác. Anh bảo, lắm lúc nằm vắt tay lên trán, anh không hiểu sao mình chưa bị điên, bố mẹ mất, anh em thì mỗi người một nơi, vợ ra đi, nhà thì như cái lỗ chuột, con trai vì mình nghèo mà chẳng thấy tương lai. Ngày khô ráo còn được đôi cuốc xe ôm đầu ngõ, kiếm dăm chục vài trăm trang trải qua ngày, nhưng nắng nóng như đợt này hoặc trời mưa thì nhịn.
Đi làm cả ngày bạc mặt, tối mát mới dám trở về nhà, anh Xuân chỉ muốn nằm xem tivi rồi ngủ, cho quên hết mọi khó khăn vây quanh.
Rồi sáng sớm hôm sau, người đàn ông cô đơn lại rời căn nhà nhỏ xíu để tiếp tục kiếm miếng cơm manh áo.