Cuộc chiến "hồi sinh" trường mẫu giáo tại quốc gia phát triển bậc nhất châu Á
Để thu hút học sinh, các giáo viên không chỉ phải dạy học mà còn kiêm luôn nhiệm vụ tư vấn, tuyển sinh cho trường.
Sau hơn một thập kỷ làm việc tại một trường mẫu giáo tư thục tại Quảng Châu (Trung Quốc), Lin Xiao (32 tuổi), không chỉ phải làm công việc chăm sóc các học sinh của mình mà còn chìm đắm trong công việc giấy tờ và phát tờ rơi tuyển sinh tại các khu dân cư.
Với số lượng tuyển sinh giảm 60% so với hai năm trước cùng với việc các trường lân cận đóng cửa, công việc hàng ngày của Lin là một cuộc chiến tuyệt vọng để giữ cho ngôi trường nơi cô làm việc có thể tồn tại trong một thị trường vốn đã cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Trường mẫu giáo tại Trung Quốc dần vắng bóng học sinh do tỷ lệ sinh giảm
Khủng hoảng "cạn kiệt" học sinh
Cuộc khủng hoảng này không chỉ giới hạn ở trường mẫu giáo của Lin hay khu vực Quảng Châu mà trên khắp Trung Quốc, các trường mẫu giáo, đặc biệt là các trường tư thục, đều đang vật lộn với khó khăn tương tự.
Dữ liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy trong hai năm qua, khoảng 20.400 trường mẫu giáo đã đóng cửa trên toàn quốc, chủ yếu do khó khăn tài chính trầm trọng hơn do số lượng học sinh giảm dần do tỷ lệ sinh giảm.
Chỉ riêng năm ngoái, khoảng 15.000 trường mẫu giáo đã đóng cửa, với tác động nghiêm trọng nhất là ở các tỉnh phía đông bắc như Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang và dự kiến sẽ lan sang các tỉnh lân cận.
Tốc độ đóng cửa nhanh chóng của các trường mẫu giáo đã làm dấy lên cuộc tranh luận trên mạng xã hội, đặc biệt là sau khi các phương tiện truyền thông trong nước đưa tin về những khó khăn mà các trường mẫu giáo phải đối mặt. Các chuyên gia giáo dục tại Trung Quốc thậm chí còn dự đoán rằng các trường tiểu học và trung học cơ sở của nước này cũng sẽ sớm rơi vào tình cảnh tương tự.
Sun, một người làm giáo viên mầm non từ đầu những năm 2000, đã tận mắt chứng kiến những thay đổi trong ngành khi ngôi trường mẫu giáo tư thục của cô ở thành phố Phật Sơn, miền nam Trung Quốc, nơi từng có học phí cao nhất trong khu vực, ghi nhận số học sinh ghi danh giảm mạnh xuống chỉ còn 30 học sinh vào năm ngoái.
Nỗ lực "hồi sinh"
Đối với Lin, việc tăng số lượng học sinh khiến cho áp lực của cô ngày càng gia tăng khi trường mẫu giáo của cô đưa ra phần thưởng trị giá 500 nhân dân tệ (khoảng 1,7 triệu) cho mỗi học sinh mới mà giáo viên giới thiệu trong các sự kiện.
Lin thừa nhận: "Tôi cảm thấy mình giống một nhân viên bán hàng hơn là một giáo viên".
Trên khắp các tỉnh thành tại Trung Quốc, nhiều giáo viên mầm non cũng nói với Sixth Tone về việc ngày làm việc của họ giờ đây kéo dài hơn giờ bình thường khi họ buộc phải hối hả tăng cường tuyển sinh. Nhiệm vụ của họ bao gồm đặt quảng cáo, thiết lập các quầy thông tin trong các khu dân cư và liên tục cập nhật thông tin về trường học lên các phương tiện truyền thông xã hội. Tất cả đều là để thu hút học sinh mới đến với ngôi trường đang gặp khó khăn của họ.
Tại thành phố Tây An, Lei, giám đốc một trường mẫu giáo tư thục, thừa nhận việc tuyển dụng học sinh mới là ưu tiên hàng đầu.
"Một cuộc chiến để được học sinh đồng ý vào học đang diễn ra ác liệt" - Lei cho biết.
Để theo kịp, một số trường đã thành lập đội ngũ bán hàng chuyên dụng trong khoa của họ, trong khi những trường khác lôi kéo người đăng ký bằng cách cung cấp các khóa học mầm non miễn phí và dịch vụ dạy kèm tận nhà.
Đồng thời, các trường mẫu giáo trên cả nước hiện đang triển khai "các lớp mẫu giáo" dành cho trẻ em dưới 3 tuổi. Các chương trình này được thiết kế không chỉ để đa dạng hóa nguồn thu nhập mà còn tăng cường tuyển sinh.
Cuộc khảo sát của Hiệp hội Giáo dục Phi chính phủ Trung Quốc năm ngoái cho thấy 57% trường mẫu giáo được khảo sát đã triển khai các dịch vụ như vậy. Trong đó, các trường mẫu giáo tư thục chiếm 85% số trường được khảo sát.
"Ngay cả một xu cũng có giá trị khi 'chế độ sinh tồn' được bật lên" - Sun, giáo viên đến từ Phật Sơn nói và cho biết cô cũng nhìn thấy tiềm năng của việc này khi nhu cầu tìm kiếm sự chăm sóc toàn diện hơn cho con mình ngày càng tăng ở các bậc phụ huynh.
Trong khi đó, Xu, người quản lý một nhóm giáo dục mầm non tư nhân và cung cấp dịch vụ tư vấn cho giám đốc trường mẫu giáo cho rằng khẳng định việc bắt đầu các lớp học dành cho trẻ nhỏ thường đòi hỏi các trường mẫu giáo phải thuê thêm giáo viên hoặc đào tạo thật tốt cho các giáo viên.
Tham khảo: SixthTone