Covid-19 bóc trần sự thật nghiệt ngã trong xã hội Nhật Bản: Áp lực, cô đơn và... tự tử

AN AN,
Chia sẻ

Nhiều phụ nữ Nhật hiện vẫn đau khổ vì sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong phân công lao động và chăm sóc trẻ em, hoặc bị bạo lực gia đình và tấn công tình dục nhiều hơn.

Tỷ lệ tự tử ở Nhật tăng vọt

Ngay sau khi Nhật Bản đẩy mạnh cuộc chiến chống Covid-19 vào mùa xuân năm ngoái , Nazuna Hashimoto bắt đầu bị giày vò hoảng loạn. Phòng tập thể hình nơi cô làm huấn luyện viên cá nhân ở Osaka tạm thời đóng cửa và bạn bè cô ở trong nhà theo lời khuyên của chính phủ.

Vì sợ cô đơn nên cô sẽ gọi điện cho người bạn trai mới hẹn hò được vài tháng và mời anh qua nhà. Dù vậy khi đó, cô đôi khi không thể ngừng khóc. Cô được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm vào đầu năm ngoái và tình trạng bệnh tình tiếp tục xấu đi. "Thế giới tôi đang sống rất nhỏ", cô nói. "Nhưng tôi nghĩ nó đã trở nên nhỏ hơn".

Vào tháng 7, Hashimoto không thể nhìn thấy lối thoát và cố gắng tự tử, khi bạn trai của cô phát hiện ra, anh đã gọi xe cấp cứu và cô được cứu sống. Giờ đây, cô công khai chia sẻ về trải nghiệm của mình để xóa bỏ sự kỳ thị khi nói về sức khỏe tâm thần ở Nhật Bản.

Mặc dù đại dịch gây khó khăn cho nhiều người Nhật, nhưng đối với phụ nữ nói riêng áp lực càng nghiêm trọng. Giống như ở nhiều nước khác, ngày càng có nhiều phụ nữ mất việc làm . Ở Tokyo, thành phố lớn nhất Nhật Bản, khoảng 1/5 phụ nữ sống một mình, và việc chính phủ khuyến khích ở trong nhà, tránh thăm người thân càng làm trầm trọng thêm sự cô đơn của họ. Trong thời đại lao động tại nhà hiện nay, vẫn còn một số phụ nữ đau khổ vì sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong phân công lao động và chăm sóc trẻ em, hoặc bị bạo lực gia đình và tấn công tình dục nhiều hơn.

Với sự gia tăng các tổn hại về tâm lý và thể chất do đại dịch gây ra, tỷ lệ tự tử ở phụ nữ đã tăng lên một cách đáng lo ngại. Tại Nhật Bản, 6.976 phụ nữ đã tự tử vào năm ngoái, tăng gần 15% so với năm 2019. Đây là mức tăng trưởng lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua.

Mỗi vụ tự tử và cố gắng tự sát đều đại diện cho một bi kịch cá nhân bắt nguồn từ nhiều lý do phức tạp khác nhau. Tuy nhiên, tỷ lệ tự tử nữ tăng trong bảy tháng liên tiếp năm ngoái, đã thu hút được sự chú ý của các quan chức chính phủ và các chuyên gia sức khỏe tâm thần. Họ đã nỗ lực để giảm tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản.

Tình hình này đã làm trầm trọng thêm những thách thức dài hạn của Nhật Bản. Trong một xã hội đề cao sự khoan dung nhẫn nại, thảo luận về các vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ vẫn rất khó khăn.

 - Ảnh 1.

Phụ nữ Nhật Bản gặp áp lực lớn trước đại dịch Covid-19. Ảnh: NYT

Đồng thời, đại dịch cũng làm gia tăng áp lực văn hóa, văn hóa này dựa trên sự gắn kết xã hội và dựa vào áp lực của bạn bè để thúc giục mọi người tuân thủ các yêu cầu của chính phủ, đeo khẩu trang và duy trì thói quen vệ sinh tốt. Phụ nữ thường được coi là người chăm sóc gia đình và nếu họ không tuân thủ các biện pháp này hoặc nhiễm Covid-19, đôi khi họ lo lắng về việc bị sỉ nhục công khai.

"Phụ nữ phải chịu trách nhiệm ngăn chặn virus", Giám đốc Hiệp hội Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần Nhật Bản Yuki Nishimura cho biết về quan điểm của đa số người Nhật. "Phụ nữ phải chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, phải chú ý giữ gìn vệ sinh, nếu không làm tốt có thể bị coi thường".

Trong một báo cáo được đưa tin rộng rãi, một phụ nữ ở độ tuổi hơn 30 đã tự tử khi đang được điều trị Covid-19 tại nhà. Các phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin về bức thư tuyệt mệnh của cô, trong đó cô nói rằng cô có thể lây bệnh cho người khác và gây rắc rối cho họ, điều này khiến cô cảm thấy đau đớn. Các chuyên gia đang thảo luận về việc liệu sự xấu hổ có khiến cô ấy tuyệt vọng hay không.

"Thật không may, xu hướng hiện nay là đổ lỗi cho nạn nhân", Phó Giáo sư Khoa học Chính trị Đại học Waseda ở Tokyo Michiko Ueda, chuyên nghiên cứu về vấn đề tự tử nói. Trong cuộc khảo sát năm ngoái, bà phát hiện ra rằng 40% người được hỏi lo lắng rằng virus sẽ mang lại áp lực xã hội.

"Nếu bạn không phải là một trong số chúng tôi, thì về cơ bản chúng tôi sẽ không hỗ trợ bạn", Phó Giáo sư Nhật nói. "Nếu bạn có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bạn không phải là một trong số chúng tôi".

Các chuyên gia cũng lo ngại rằng hàng loạt vụ tự tử của các ngôi sao điện ảnh và truyền hình Nhật Bản trong năm ngoái có thể gây ra những vụ tự tự bắt chước. Vào cuối tháng 9, trong vòng một tháng sau khi nữ diễn viên nổi tiếng từng đoạt giải thưởng Yuko Takeuchi tự tử, số phụ nữ tự tử đã tăng gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngay sau cái chết của Takeuchi, Nao, 30 tuổi bắt đầu viết blog để ghi lại cuộc đấu tranh của mình với chứng trầm cảm và rối loạn ăn uống. Cô đã thẳng thắn viết về ý định tự tử của mình cách đây 3 năm.

Ở Nhật Bản, sự cởi mở đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn còn tương đối hiếm. Những vụ tự tử của người nổi tiếng này đã khiến Nao bắt đầu suy nghĩ về cách cô có thể phản ứng nếu cô cảm thấy tuyệt vọng trong trận dịch. Để bảo vệ sự riêng tư của mình, cô không muốn tiết lộ họ của mình.

"Khi ở nhà một mình, bạn sẽ cảm thấy bị cô lập với xã hội. Cảm giác này thực sự rất đau đớn", cô nói. "Hãy tưởng tượng nếu tôi ở trong hoàn cảnh đó bây giờ, ý định tự tử của tôi có thể đến sớm hơn, và tôi có thể thành công".

Nao, hiện đã kết hôn, viết về những khó khăn của bản thân và nói rằng cô muốn giúp đỡ những người có thể cảm thấy tuyệt vọng, đặc biệt là khi nhiều người bị cắt đứt quan hệ bạn bè và đồng nghiệp.

"Biết rằng ai đó đã gặp phải hoặc đang trải qua những điều tương tự, biết rằng ai đó đang tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp cho việc này và nó thực sự hữu ích, điều này có thể khuyến khích mọi người làm những điều tương tự", Nao nói, cô hy vọng sẽ góp sức loại bỏ những điều cấm kỵ liên quan đến sức khỏe tâm thần của người Nhật Bản.

Nao và chồng gặp nhau lần đầu tại công ty tư vấn nơi cô làm việc, anh có thể thấy thời gian làm việc kéo dài và văn hóa công sở khốc liệt khiến cô cảm thấy mệt mỏi. Khi cô từ chức, cô cảm thấy rằng đã đánh mất nền tảng của mình.

Áp lực của phụ nữ Nhật Bản

Trong thời kỳ đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp ở phụ nữ đặc biệt cao. Trong các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các biện pháp phòng chống dịch như nhà hàng, quán bar và khách sạn, hầu hết nhân viên là phụ nữ.

Khoảng một nửa số phụ nữ chuyên nghiệp làm việc bán thời gian hoặc lao động hợp đồng, khi công việc kinh doanh sa sút, công ty sẽ sa thải những nhân viên này trước. Trong 9 tháng đầu năm ngoái, 1,44 triệu người lao động như vậy đã mất việc làm và hơn một nửa trong số đó là phụ nữ.

Mặc dù Nao đã tự ý bỏ việc trong một công ty tư vấn để tìm cách điều trị tâm thần, cô vẫn không thể tiếp tục trả tiền thuê nhà và bị giày vò vì cảm giác bất an. Khi cô và vị hôn phu quyết định kết hôn càng sớm càng tốt, cha cô đã buộc tội cô là ích kỷ.

"Tôi cảm thấy như mình đã mất tất cả", cô nhớ lại.

Cô cho biết những cảm xúc này đã gây ra chứng trầm cảm và khiến cô định tự tử. Sau một thời gian ở trong bệnh viện tâm thần và tiếp tục dùng thuốc, sự tự tin của cô đã được cải thiện. Cô đã tìm được một công việc bốn ngày một tuần trong bộ phận vận hành kỹ thuật số của một tập đoàn truyền thông và hiện có thể giải quyết các công việc hàng ngày.

Trong quá khứ, tỷ lệ tự tử của Nhật Bản đã tăng vọt trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, bao gồm thời kỳ hậu bong bóng nhà đất vào những năm 1990 và cuộc suy thoái toàn cầu năm 2008.

Trong những giai đoạn này, nam giới bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thất nghiệp và tỷ lệ tự tử cao hơn. Trong lịch sử, số vụ tự tử ở nam giới Nhật Bản ít nhất gấp đôi nữ giới.

"Họ trở nên tuyệt vọng hơn sau khi mất việc làm hoặc của cải", Giáo sư khoa học chính trị Tetsuya Matsubayashi thuộc Đại học Osaka cho biết.

Năm ngoái, ông Matsubayashi nhận thấy rằng trong số các quận có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, tỷ lệ tự tử của phụ nữ dưới 40 tuổi tăng cao nhất. Hơn 2/3 phụ nữ tự tử vào năm 2020 thất nghiệp.

Ở phụ nữ dưới 40 tuổi, số vụ tự tử đã tăng gần 25%, và ở thanh thiếu niên, số vụ tự tử của nữ sinh trung học tăng gấp đôi vào năm ngoái.

Đối với Hashimoto, nỗi sợ hãi về sự phụ thuộc vào tài chính khiến cảm thấy tuyệt vọng hơn.

Ngay cả sau khi phòng tập thể hình nơi cô từng là huấn luyện viên cá nhân mở cửa trở lại, cô vẫn không thể đi làm vì cảm xúc buồn bã. Sự ỷ lại vào tình cảm và tài chính vào bạn trai khiến cô cảm thấy tội lỗi.

Bạn trai 23 tuổi Nozomu Takeda làm việc trong ngành xây dựng, cả hai gặp nhau tại phòng tập thể hình và anh là khách hàng của cô. Khi cô tiết lộ với anh rằng cô đang bị trầm cảm, cả hai mới hẹn hò được ba tháng.

Cô ấy không có tiền để trị liệu tâm lý và đã bị lên cơn hoảng loạn nghiêm trọng. Cô nói rằng cô có thể hiểu được cảm giác của những người "cảm thấy bị đẩy vào chân tường".

Khi cô cố gắng tự tử, tất cả những gì cô có thể nghĩ là Takeda sẽ không còn phải chăm sóc cô nữa. “Tôi muốn cứu anh ấy khỏi sự liên lụy này", cô nói.

Ngay cả những người chưa bị mất việc làm cũng gặp nhiều áp lực hơn. Trước đại dịch, làm việc tại nhà là cực kỳ hiếm ở Nhật Bản. Tuy nhiên, chỉ qua một đêm, phụ nữ không chỉ phải làm hài lòng ông chủ ở xa mà còn phải đối mặt với các quy tắc vệ sinh an toàn mới cho con cái, hoặc bảo vệ cha mẹ già, những người dễ bị nhiễm virus.

Những yêu cầu cao đặt ra đối với họ không thay đổi, nhưng liên hệ với bạn bè và các mạng lưới hỗ trợ khác đã giảm.

Kumiko Nemoto, Giáo sư xã hội học tại Đại học Ngoại ngữ Kyoto, cho biết: "Nếu bạn không thể gặp gỡ người khác hoặc chia sẻ áp lực với họ, bạn có thể tưởng tượng họ sẽ cảm thấy căng thẳng hoặc chán nản".

Bản thân cô đã từng có ý định tự tử, và giờ cô hy vọng có thể giúp đỡ những người khác, trao đổi với họ về các vấn đề tình cảm và giúp họ giới thiệu các chuyên gia.

Takeda cho biết bản thân ông đánh giá cao sự dũng cảm của Hashimoto khi nói về căn bệnh trầm cảm của mình trước đám đông. "Cô ấy là kiểu người thực sự nói ra những gì cô ấy muốn và những gì đã xảy ra. Cho nên hỗ trợ cô ấy cũng không khó, bởi vì cô ấy sẽ nói ra nhu cầu của mình".

Cùng nhau, cả hai đã phát triển một ứng dụng mà họ gọi là Bloste, có thể giúp những người muốn tư vấn tâm lý tìm được một cố vấn. Ngoài những chuyên gia có kinh nghiệm, Hashimoto cũng đang cố gắng tuyển dụng những người mới bước chân vào ngành, vì những người này có nhiều khả năng đưa ra mức giá thấp hơn cho những khách hàng trẻ tuổi.

Cuối cùng, bản thân cô muốn được đào tạo thành một nhà tư vấn, chuyên tư vấn cho phụ nữ.

Ông Hashimoto nói: "Mối quan tâm chính của đất nước này là khả năng cải thiện không gian làm việc và phúc lợi kinh tế của phụ nữ. Nhưng tôi muốn tập trung vào sức khỏe tinh thần của phụ nữ".

Chia sẻ