Con thi trượt, cha mẹ xé hết giấy khen treo trên tường: Ký ức "kinh hoàng" bám theo đứa trẻ cả một đời
Kỳ vọng của cha mẹ tuy có thể mang lại động lực cho con cái, nhưng áp lực quá mức có thể khiến tâm hồn trẻ bị tổn thương.
Một vụ việc xảy ra ở Trung Quốc đang thu hút nhiều sự quan tâm của cư dân mạng, nhất là các bậc phụ huynh có con đang trong độ tuổi học phổ thông. Theo đó, yại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, một học sinh lớp 9 trong kỳ thi trung học đạt được 532 điểm, số điểm này khiến em không thể đỗ vào trường trung học trọng điểm của tỉnh mà chỉ có thể học tại trường trung học phổ thông bình thường.
Cha mẹ em, sau khi đã dốc toàn lực vì con, cảm thấy vô cùng tức giận với kết quả này. Họ đã xé tan toàn bộ giấy khen trên tường và la mắng con, thậm chí còn khóc lóc, yêu cầu con bỏ học đi làm công!
Những hình ảnh cha mẹ nam sinh này xé giấy khen của con, dưới sàn nhà là la liệt vụn giấy đã được chụp lại và chia sẻ trên mạng xã hội. Rõ ràng họ đặt kỳ vọng lớn vào con, bởi nhìn vào một bức tường đầy giấy khen, có thể thấy cậu bé từng rất xuất sắc và việc vào trường trọng điểm tỉnh không phải là điều khó khăn. Nhưng không ngờ, điểm thi của em lại không được như kỳ vọng.
Đứng trước những mảnh giấy khen bị xé vụn, nam sinh vô cùng bất lực và lao vào phòng khóc lớn.
Rất nhiều cư dân mạng đã để lại bình luận về vụ việc. Có người chỉ trích hành động của cha mẹ nam sinh quá khắt khe. Không thể thi đỗ vào trường top, bản thân đứa trẻ cũng không hề muốn điều đó. Nhưng nếu sự việc đã xảy ra rồi thì nên cùng nhau đối mặt với thực tế. Điểm số chỉ là một phần trong sự trưởng thành của con trẻ, liệu có điều gì quan trọng hơn sự phát triển toàn diện và khỏe mạnh của chúng không?
Cũng có người cho rằng đứa trẻ nên cố gắng hơn, vì cha mẹ đã bỏ ra tất cả công sức vì con. Sự tức giận của cha mẹ là do họ không nhận được kết quả xứng đáng. Điều này đối với bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng là một cú sốc nặng nề. Lý do chính khiến cha mẹ nổi giận có thể là do đứa trẻ không nỗ lực đúng mức trong học tập, ít nhất là trong năm cuối cấp, bởi 532 điểm là cách xa so với điểm chuẩn của trường trọng điểm của tỉnh.
Tuy nhiên, đa phần bình luận đều là những suy ngẫm sâu sắc về giáo dục gia đình và sự trưởng thành của trẻ em. Giáo dục không chỉ là theo đuổi điểm số cao, mà còn là việc hình thành một nhân cách toàn diện và khỏe mạnh. Kỳ vọng của cha mẹ tuy có thể mang lại động lực cho con cái, nhưng áp lực quá mức có thể khiến tâm hồn trẻ bị tổn thương.
Vụ việc tranh cãi trên giống như một tấm gương, phản ánh nhiều vấn đề trong giáo dục gia đình hiện nay. Nó nhắc nhở chúng ta rằng mỗi đứa trẻ đều là độc nhất vô nhị, chúng không chỉ cần sự công nhận về điểm số, mà còn cần sự thấu hiểu và ủng hộ từ cha mẹ. Chúng ta nên cùng nhau suy nghĩ, để tạo ra một môi trường phát triển lành mạnh và hài hòa cho trẻ.