Còn 200 bình oxy cứu F0 chưa biết tung tích, trưởng nhóm thiện nguyện ở TP.HCM nói lời tận đáy lòng

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Trưởng nhóm thiện nguyện Nhất Tâm đã có những chia sẻ tận đáy lòng trong những ngày anh cùng các đồng đội mang oxy đến khắp các “hang cùng ngõ hẻm” tại TP.HCM để hỗ trợ cho nhiều trường hợp F0.

Những ngày gần đây, mạng xã hội liên tục chia sẻ các thông tin, video ghi lại các nội dung về việc nhiều người ở TP.HCM cố ý giữ lại vỏ bình oxy sau khi dùng để "phòng thân", khiến cơ hội sống của các F0 và những bệnh nhân khác bị tước đoạt.

Điều này gây bức xúc trong dư luận, nhất là khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở địa phương, với số người chết vì COVID-19 lên đến hàng trăm mỗi ngày.

Còn 200 bình oxy cứu F0 chưa biết tung tích, trưởng nhóm thiện nguyện ở TP.HCM nói lời tận đáy lòng - Ảnh 1.

Nhóm Nhất Tâm hỗ trợ oxy cho một hộ dân tại TP.HCM.

200 bình oxy chưa thấy trở về, nhưng "thông cảm"

Chúng tôi đã liên hệ với "Nhất Tâm", một trong những nhóm thiện nguyện triển khai hoạt động hỗ trợ oxy từ rất sớm tại TP.HCM để tìm hiểu về vấn đề trên.

Anh Trần Thanh Long, trưởng nhóm thiện nguyện Nhất Tâm cho biết, trong những ngày siết chặt giãn cách, các thành viên trong nhóm dù không có giấy đi đường vẫn cố gắng chạy đến nơi có F0 và người cần hỗ trợ.

Tuỳ theo cách xử lý của từng chốt kiểm soát mà xe chở oxy có thể qua được nhanh, qua chậm hoặc phải quay về.

"Đêm ngày 23/8 vì vướng giấy đi đường, xe chở oxy bị chặn lại, lập biên bản giữ giấy tờ. Khi oxy tới nơi thì người ta đã không qua khỏi…" – đại diện nhóm thiện nguyện Nhất Tâm kể lại.

Còn 200 bình oxy cứu F0 chưa biết tung tích, trưởng nhóm thiện nguyện ở TP.HCM nói lời tận đáy lòng - Ảnh 2.

Dù ngày hay đêm, các thành viên thiện nguyện vẫn cố gắng mang oxy đến nơi cần.

Anh Long cũng cho biết, từ khi triển khai đưa các bình oxy vào hỗ trợ người dân mùa dịch, nhóm đã gom được khoảng 600 vỏ bình oxy để thay phiên nhau bơm sử dụng liên tục.

Tuy nhiên đến nay, có 200 bình hiện vẫn chưa được trả về và không biết đang ở đâu.

Lý giải về chuyện này, anh Long nói có nhiều F0 khi dùng hết oxy thì sẽ tìm cách cầu cứu mọi chỗ có thể, nên vỏ bình oxy của nhóm anh sẽ được chuyển sang các nhóm khác và cứ thế xoay vòng cho những người cần.

Cũng có người mang tâm lý muốn phòng hờ, trữ lại.

Còn 200 bình oxy cứu F0 chưa biết tung tích, trưởng nhóm thiện nguyện ở TP.HCM nói lời tận đáy lòng - Ảnh 3.

Thành viên nhóm giúp và hướng dẫn người dân cách dùng bình oxy để thở.

"Tâm lý mọi người ai cũng muốn trữ bình oxy để hỗ trợ người thân có bệnh khi cần. Điều đó cũng không có gì gọi là đáng trách.

Nhưng mọi người đừng có xin nhiều quá, trữ lại nhiều quá. Ví dụ như xin nhóm này một bình, bên nhóm kia 1 bình thì sẽ dẫn đến có trường hợp đang cần lại không có. Mà người ở nhà lại nhiều…

Có một số nhóm thiện nguyện nhỏ lẻ, mình cho mượn bình nhưng khi điện thoại nhắc nhở việc trả lại vỏ cũng chưa thấy trả lời. Thực sự mình cũng thông cảm, vì bây giờ bệnh nhân nhiều lắm.

Bản thân mình không thể làm nổi tất cả, nên phải tách ra các nhánh nhỏ cho các bạn làm" – anh Long nói.

Còn 200 bình oxy cứu F0 chưa biết tung tích, trưởng nhóm thiện nguyện ở TP.HCM nói lời tận đáy lòng - Ảnh 4.

Với các hẻm sâu, nhóm sẽ dùng xe đẩy bộ vào.

Có bình oxy, F0 đỡ sợ hãi

Theo trưởng nhóm Nhất Tâm, nếu hiện tại có những trường hợp F0 chưa có triệu chứng muốn giữ lại bình oxy ở nhà, anh và nhóm cũng khuyến khích điều này.

Khi có bình oxy, F0 sẽ yên tâm, đỡ sợ hãi, vì đã có nhiều trường hợp càng sợ thì càng khó thở.

1 bình oxy cứu được 1 người, trưởng nhóm Nhất Tâm cho rằng điều này là "quá tốt".

Còn 200 bình oxy cứu F0 chưa biết tung tích, trưởng nhóm thiện nguyện ở TP.HCM nói lời tận đáy lòng - Ảnh 5.

Đại diện Nhất Tâm cho biết chưa thấy trường hợp nào là F0 hết bệnh cố giữ bình oxy để "phòng thân".

Với những F0 đã hết bệnh, đa phần khi nhóm đến lấy lại bình oxy đều vui vẻ trả lại và cảm ơn rất nhiều. Chưa thấy trường hợp nào xin giữ lại vỏ.

Khi chúng tôi chia sẻ về các tin đồn về việc "chiếm đoạt bình oxy" đang lan truyền trên mạng, anh Long cho rằng đó là những thông tin do những người đố kỵ nên tạo ra những lời lẽ không hay.

"F0 đã hết bệnh thì giữ vỏ làm gì. Không chỉ riêng bình oxy mà 100 máy tạo oxy của Nhất Tâm khi đưa ra cộng đồng cũng không có máy nào quay về.

Người ta có thể chuyển cho người khác cần hoặc giữ lại để cho các thành viên khác trong nhà. Chúng tôi không phân biệt chuyện đó" – anh Long chia sẻ.

Còn 200 bình oxy cứu F0 chưa biết tung tích, trưởng nhóm thiện nguyện ở TP.HCM nói lời tận đáy lòng - Ảnh 6.

Ông Đoàn Ngọc Hải (bìa trái) đồng hành cùng nhóm Nhất Tâm.

Cũng nhận định về sự việc trên, anh Tiến Đạt, thành viên một nhóm hỗ trợ oxy mùa dịch khác cho rằng phải xem xét kỹ và chuyển oxy đúng đối tượng.

Khi F0 được hướng dẫn và chăm sóc đầy đủ, họ hết bệnh hay xài hết oxy trong bình là báo trả lại ngay và rất biết ơn vì được hỗ trợ.

Nếu cho bừa bãi, sẽ có nhiều trường hợp người dân không bệnh nhưng xin để dành và lấy luôn.

Với cách xác minh kỹ nên hiện tại, nhóm của anh Đạt chưa mất 1 bình oxy nào.

Còn 200 bình oxy cứu F0 chưa biết tung tích, trưởng nhóm thiện nguyện ở TP.HCM nói lời tận đáy lòng - Ảnh 7.

Nhóm thiện nguyện mong được cơ quan chức năng tạo điều kiện trong việc di chuyển để giúp đỡ cộng đồng giữa lúc đại dịch đang phức tạp.

Trở lại với việc khó khăn về di chuyển trong thời điểm TP.HCM siết chặt giãn cách, trưởng nhóm Nhất Tâm cho rằng việc lực lượng chức năng chặn lại, không cho qua chốt suy cho cùng là đúng về quy định.

Tuy nhiên trong tình huống cứu người khẩn cấp vì dịch bệnh như hiện tại, nhóm mong các địa phương có sự linh động hỗ trợ việc di chuyển.

"Nhất Tâm hỗ trợ cộng đồng, hỗ trợ nhiều quận huyện tại TP.HCM đã mấy tháng rồi, nhiều nơi đều biết. Quận 7 (cơ sở hoạt động của nhóm – PV) không đồng ý cấp giấy đi đường cho Nhất Tâm nên chúng tôi phải tìm cách xin quận 4 và quận 1 và đã được đồng ý" – đại diện nhóm thiện nguyện chia sẻ.

Chia sẻ