Cố vấn giám đốc: “Đừng XIN nghỉ việc vì đi làm không ai xin xỏ ai cái gì cả!”

Thanh Phú,
Chia sẻ

Một lá đơn thôi việc chỉn chu cũng là thứ khiến bạn ghi điểm trong mắt mọi người.

Sau Tết, mọi người quay lại nhịp sống hằng ngày tất bật làm việc và kiếm tiền. Nhưng cũng có nhiều người lại tất bật... nhảy việc để tìm được một công việc khác tốt hơn. Không phải nghỉ việc là cắt đứt hoàn toàn với công ty cũ. Đôi lúc để lại một ấn tượng đẹp bằng một lá thư xin nghỉ việc tươm tất cũng là thứ ghi điểm trong mắt sếp cũ.

Đây chắc chắn cũng là thắc mắc của rất nhiều người khi đang vò đầu bứt tai vì không biết nên bắt đầu từ đâu cho lá thư xin nghỉ việc của mình. Chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này, Cố vấn ban giám đốc tập đoàn Golden Communication Group, anh Huỳnh Lê Khánh viết:

 - Ảnh 1.

Anh Huỳnh Lê Khánh - Cố vấn ban giám đốc tập đoàn Golden Communication Group

"Qua trải nghiệm mấy chục lần nhận thư nghỉ việc, và vài lần viết thư nghỉ việc, cộng với việc tư vấn cho hai bạn ở vị trí khá ổn tại công ty (một bạn agency và một bạn của một tập đoàn) thì mình chia sẻ mấy điểm sau đây.

Xóa bỏ ý thức "xin" nghỉ việc

Dù là một chi tiết nhỏ, nhưng mình nghĩ nó sẽ thể hiện được bạn đang đặt mình trong một mối quan hệ công bằng như thế nào. Hai bên làm việc cùng nhau trước hết là căn cứ vào chiếc hợp đồng lao động, có các quy định rõ ràng; bên cạnh đó người tuyển dụng và người đi làm cũng đều được bảo hộ về mặt pháp luật trong khía cạnh chấm dứt hợp đồng.

Cho nên, hãy sửa dòng chữ "ĐƠN XIN NGHỈ VIỆC" thành một điều gì khác phù hợp hơn. Mình đề xuất là "Thông báo nghỉ việc". Vì chúng ta không đi xin cái gì của ai cả, mà chúng ta đang bắt đầu vào giai đoạn thương lượng, sắp xếp việc chúng ta sẽ không còn tham gia đóng góp cho tổ chức nữa.

Viết ngắn gọn, đầy đủ

Trong hai bạn mình tư vấn, có một bạn viết một lá thư dài rơi nước mắt, đọc xong mình cảm tưởng là bạn chia tay người yêu. Mình thấy thật quý điều này, vì mình tin chắc là bạn đã yêu cái môi trường ấy lắm mới bày tỏ hết những cảm xúc của mình trên lá thư đó. Mình nhớ lại hồi mình còn trẻ, mình cũng làm một chiếc thư như lá mùa thu gửi cho sếp. Sau đó, sếp đi hỏi một chị trong công ty, vậy cuối cùng là Khánh nó muốn gì?

Vì vậy, mình khuyên là mọi người cứ giữ những tâm tư tình cảm chất chứa ấy để chúng ta bộc bạch trong lúc phỏng vấn thôi việc (thường các công ty chuyên nghiệp sẽ có bước này trong quy trình). Nếu không có cơ hội để nói chuyện trong bình tĩnh và đàng hoàng với nhau thì chúng ta sẽ dùng nó để viết trong bức thư tạm biệt cũng được.

Do đó, mình có gợi ý là chúng ta nên viết các phần chính sau

- Tên và bộ phận mình đang công tác.

- Mình đề nghị dừng công việc tại công ty từ thời gian nào.

- Lí do mình muốn dừng công việc là gì, cố gắng thật đầy đủ, nhưng gọn thôi.

- Mình sẽ tiến hành bàn giao công việc cho ai, như thế nào (nếu bạn nào chu đáo có thể kèm theo check list, hoặc bước này để sau, mình sẽ chia sẻ thêm về việc nên làm gì khi chuẩn bị nghỉ).

- Lời đề nghị được gặp để trao đổi kỹ hơn (nếu thấy cần thiết cho bạn và cho tổ chức).

- Một lời cảm ơn gửi đến những người nhận thư.

Viết nhưng đừng gửi ngay

Cái này là một thói quen của mình. Với những vấn đề mà mình tin là cảm xúc có phần can dự, mình sẽ viết xong và để đó. Cho mình thời gian tách nó ra. Sau đó, quay lại xem mình có cần chỉnh sửa gì hay không? Tự hỏi bản thân đó có phải thực sự là điều mình cần truyền đạt hay không.

Đặc biệt, khi thôi việc, có nhiều lúc chúng ta bị "kích" bởi một vài yếu tố nào đó, làm chúng ta nổi máu anh hùng và muốn bứt ra khỏi chỗ đó, nhưng khi ngồi suy nghĩ cặn kẽ, chúng ta lại sẽ thấy là hình như mình cảm xúc chiếm lĩnh, có thể mình sẽ suy nghĩ lại.

Suy nghĩ lại ở đây trước hết là việc mình có thực sự muốn gửi thư thôi việc không, hay mình muốn gửi mail sắp xếp một cuộc gặp mặt để trao đổi các kiến nghị. Và nếu sau 7749 lần tự hỏi vẫn muốn nghỉ thì quay lại coi có chắc mình muốn viết mấy điều này không, như mình nói ở trên.

Hãy chân thật và chân thành

Mình biết nhiều bạn luôn nghĩ là lá thư này sẽ kết thúc mối quan hệ của chúng ta. Tôi muốn nhanh chóng bước ra khỏi mối quan hệ này, môi trường này. Tôi viết cho xong. Và chúng ta thường hay không nói điều mình thực nghĩ. Có thể quan điểm mình khác một chút ở điểm này.

Mình tin là dẫu mối quan hệ đó kết thúc thế nào, nó đã là một phần đời của bạn, nó góp phần tạo nên bạn. Hãy trân trọng nó, và chân thật với nó. Mình nghỉ do lương bổng thấp, do sếp hà khắc, do môi trường khắc nghiệt, do mình có một offer mới tốt hơn... cá nhân mình nghĩ cứ nói thẳng.

Chúng ta không độc lập hoàn toàn trong môi trường công việc, chúng ta nằm trong mạng lưới, những thông tin đúng của bạn có khi sẽ mang đến cho bạn cơ hội mới. Và mình là người tin vào luật nhân quả, nên nếu bạn đủ chân thành với việc chấm dứt một mối quan hệ, thì chắc chắn bạn sẽ được đối đãi tốt về sau."

Nguồn: Facebook Lê Huỳnh Khánh

Chia sẻ