Cơ trưởng chuyến bay "giải cứu" đến tâm dịch Nhật Bản: "Chúng tôi đến đây vì họ và sẵn sàng làm tất cả để không một ai bị bỏ lại"
"Tất cả vì đồng bào Việt Nam của chúng ta, hãy để đồng bào cảm nhận được trái tim và tình cảm thiêng liêng từ ngay giây phút đầu tiên bước lên máy bay cũng như đến lúc cuối cùng chia tay. Chúng ta đến đây vì họ và sẵn sàng làm tất cả để không một ai bị bỏ lại".
Dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 12/2019, đến nay mới khoảng 4 tháng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ đã tiến hành hạn chế hoặc đóng cửa các đường bay quốc tế, không cho quá cảnh, thậm chí nhiều hãng hàng không nước ngoài còn ngừng nhận khách, hủy chuyến cũng như thay đổi các quy định về vận chuyển hàng hóa.
Tại Việt Nam cũng thế, các hãng hàng không trong nước thời gian gần đây đã "đóng băng" nhiều chặng bay quốc tế. Tuy nhiên với nhiệm vụ giúp đỡ những công dân Việt Nam từ nước ngoài có mong muốn về nước "tránh dịch", Vietnam Airlines vào ngày 22/3 vừa qua đã điều hành 1 chuyến bay cuối đến Tokyo (Nhật Bản), đưa hàng trăm người Việt về với gia đình.
Nhiệm vụ quan trọng này mang rất nhiều ý nghĩa đối với cơ trưởng Nguyễn Nam Liên - người điều khiển chuyến bay này. Anh đã kể lại về chặng bay thật đặc biệt của mình trên mạng xã hội, nhận được rất nhiều quan tâm của dư luận.
Chuyện của một kỳ nghỉ cuối tuần
Theo cơ trưởng Liên kể lại trên mạng xã hội, vào ngày thứ 7 (21/3) vừa qua anh được bộ phận điều hành bay của hãng đề nghị điều khiển chiếc máy bay loại lớn nhất từ Việt Nam sang Tokyo để đón những công dân Việt Nam tại Nhật Bản. Nghĩ đến chuyến bay đi thẳng vào vùng dịch anh có chút lo lắng về rủi ro sức khỏe, tuy nhiên vẫn nhận nhiệm vụ ngay. Theo anh, đó là do "tiếng gọi của tình dân tộc và nghĩa đồng bào".
Anh viết: "Nhìn vào kế hoạch bay tháng 3 liên tục bị thay đổi và xáo trộn theo chiều hướng càng lúc càng bị cắt bớt, trống vắng dần đi những ngày bay, còn các ngày nghỉ thì kéo dài dằng dặc mà lòng tôi nặng trĩu... Một nỗi nhớ bầu trời da diết dâng lên từ trong sâu thẳm, bởi đó là nơi mà chúng tôi - những phi công được sinh ra để sống, tìm thấy trên đó niềm vui và ý nghĩa cuộc đời của mình.
Đến chiều thứ 7 (21/3), tôi bỗng nhận được một cuộc điện thoại bất ngờ từ điều hành bay: "Chú có thể bay giúp ngay trong đêm nay một vòng SGN - NRT (Tokyo) về ngay không?". Đây là chuyến bay cuối cùng đi Tokyo "giải cứu" đồng bào mình về nước tránh đại dịch, trước khi bầu trời Việt Nam đóng cửa với các chuyến bay quốc tế để cắt đứt triệt để nguồn dịch bệnh cho đến hết tháng 4.
Cơ trưởng Nam Liên trong khoang lái máy bay
Vietnam Airlines đã quyết định tung loại máy bay lớn nhất (B787-10) vào thực hiện nhiệm vụ này, với quyết tâm không để bất cứ ai bị bỏ lại vì không kịp về với Tổ quốc.
Tiếng gọi của tình dân tộc, nghĩa đồng bào như một mệnh lệnh từ trái tim, khiến tôi nhận ngay nhiệm vụ mà không cần cân nhắc hoặc đắn đo quá nhiều. Mặc dù hiểu rằng sẽ rất rủi ro nếu bị phơi nhiễm với virus Corona đáng ghét, cùng quy trình cách ly, thử nghiệm và điều trị rất phức tạp. Ngoài ra chuyến bay thực sự sẽ rất vất vả, mệt mỏi khi phải thức trắng nguyên đêm và lập tức lại phải bay quay trở lại ngay sau đúng chỉ có một giờ nghỉ.
Tuy nhiên niềm vui cùng chút vinh dự được đền bù là đã lâu lắm rồi tôi mới lại được có cơ hội cùng với “Nàng Mười” của mình lên trời (do trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh Covid-19 các Nàng Mười vì không có khách đều phần lớn bị “nằm đất”) không những thế hôm nay lại còn là đi làm một nhiệm vụ hết sức ý nghĩa và cao cả nữa chứ...".
Hành trang quan trọng nhất của chuyến đi là “bộ áo giáp” chống lây nhiễm và ngăn chặn tiếp xúc.
Đồng bào - hai chữ thiêng liêng
Nhận nhiệm vụ quan trọng và thiêng liêng, anh Liên càng thấm thía hơn tình thân giữa những con người cùng chung 1 Tổ quốc, chung 1 màu da, 1 tiếng nói. Anh còn lan tỏa tình cảm đó của mình đến tất cả thành viên trong phi hành đoàn thực hiện nhiệm vụ.
"Nhớ ngày khi còn nhỏ, lúc ba tôi còn sống, ông là một người học rộng, hiểu nhiều và sử dụng tốt 5 ngoại ngữ. Ba thường hay nói với tôi rằng: "Trong tất cả các tiếng nói trên thế gian này, không có nước nào trong ngôn ngữ lại có một từ có ý nghĩa thiêng liêng và sâu sắc như từ ĐỒNG BÀO trong tiếng Việt ta đâu con". Bởi Đồng Bào có nghĩa là những người con cùng chung trong bào thai của một mẹ, điều đó không chỉ là xuất phát từ "Sự tích trăm trứng" của mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân, của "Sự tích con rồng cháu tiên" mà là của tình cảm đoàn kết, gắn bó như ruột thịt của cả một dân tộc có một mẹ chung - Mẹ Việt Nam.
Chẳng hiểu tôi chủ quan nói như vậy có đúng không, song trong đời mình trải qua nhiều hoàn cảnh, nhiều tình huống, có lắm khi cũng phiêu bạt tứ phương được đồng bào không hề quen biết yêu thương bảo bọc và chăm sóc..., tôi nhiều lần được chứng kiến và cảm nhận điều này. Song chưa bao giờ như lần này, khi trong cơn đại dịch Covid-19 đang reo rắc chết chóc khắp toàn cầu thì tôi lại cảm nhận rõ hơn bao giờ hết "tình dân tộc, nghĩa đồng bào" trong mỗi con người Việt Nam chúng ta".
Sau khi kiểm tra máy bay và chuẩn bị xong chu đáo mọi việc tiếp đón đồng bào thì đó là lúc tổ bay khoác lên mình một bộ đồng phục mới, được giao nhiệm vụ thực hiện thật tốt chuyến bay.
Nhiệm vụ này khiến cả tổ bay tự hào hơn về Việt Nam của mình. Tại sân bay, hầu hết tất cả các đồng nghiệp nước ngoài từ nhiều châu lục đều ngạc nhiên và phải công nhận là: "Việt Nam các bạn ứng phó với đại dịch COVID-19 tốt hơn bên chúng tôi nhiều...".
Cơ trưởng Nam Liên dặn dò toàn thể phi hành đoàn của mình: "Tất cả vì đồng bào Việt Nam của chúng ta, hãy để đồng bào ta cảm nhận được trái tim và tình cảm thiêng liêng xuất phát từ 2 chữ "đồng bào" từ ngay giây phút đầu tiên bước lên máy bay cũng như đến lúc cuối cùng chia tay chúng ta. Hãy để cho đồng bào hiểu và cảm nhận được là chúng ta không quản ngại bất cứ điều gì, chúng ta đến đây vì họ và sẵn sàng làm tất cả để không một ai bị bỏ lại".
Hạ cánh xuống Cam Ranh và bài phát biểu cảm xúc nhất đời bay
Theo dự kiến, chuyến bay "giải cứu" khi trở về Việt Nam sẽ hạ cánh xuống Sân bay Tân Sơn Nhất (SGN). Tuy nhiên với chỉ đạo từ Ban phòng chống dịch Covid-19, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho hành khách cũng như cho cộng đồng, chuyến bay có khả năng sẽ phải hạ cánh tại Sân bay Cam Ranh (CXR).
Thông tin này ập đến khiến anh bối rối. Anh sợ giờ làm việc của cả tổ bay sẽ phải kéo dài hơn trong khi mọi người đều đã mệt. Nhưng hơn tất cả, anh lo lắng rất nhiều vì sợ rằng những công dân anh đón về không thấu hiểu và chia sẻ cùng phi hành đoàn trong phương án thay đổi này.
"Ngay từ lúc chuẩn bị bay, trước khi cất cánh, tôi đã nhận được thông tin từ "tổng hành dinh" Gia Lâm của Vietnam Airlines: "Chuyến bay của các anh có thể phải đưa khách về Cam Ranh thay vì bay thẳng về TP.HCM". Vào lúc này mọi chuyến bay đều được chỉ đạo trực tiếp từ Cục Hàng không Việt Nam thông qua mệnh lệnh từ Ủy ban quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Thông tin này khiến những ý nghĩ miên man cứ bám lấy tôi trong suốt chuyến bay: "Không hiểu đồng bào mình có chia sẻ và cảm thông cùng tình huống này không? Liệu rồi chúng tôi có đủ khả năng để kêu gọi đồng bào mình hợp tác chấp nhận tình thế ngoài dự kiến này, làm cách nào để đánh thức trong họ tinh thần vì cộng đồng, hay rồi lại sẽ có những người phản ứng thái quá vì căng thẳng trong mùa dịch bệnh đã lên tới đỉnh điểm, rồi lại có những phản ứng phản cảm như một số câu chuyện buồn lòng vừa qua?
Rồi cuối cùng lại là đến vấn đề của chính chúng tôi nữa, vậy thì chúng tôi sẽ phải kéo dài giờ làm việc (duty time) vượt qua tất cả mọi quy tắc, bởi nếu chỉ hạ cánh thẳng về TP.HCM luôn thì chúng tôi có thể kết thúc ngày làm việc của mình lúc 14:30 tức là làm việc liên tục 15 giờ đồng hồ, song nếu thêm hạ cánh tại Cam Ranh nữa thì...
Nếu chúng tôi không thể làm cho đồng bào mình cảm thông chia sẻ, chấp nhận cùng nỗi khó khăn của Mẹ Việt Nam vào lúc này nữa, thì ý nghĩa việc làm của "cuộc giải cứu" chúng tôi đang tiến hành sẽ chỉ còn lại một nửa ý nghĩa cao đẹp của nó.
Trước lúc cất cánh, câu hỏi phân vân nhất của tôi là: "Đồng bào đã được báo trước là sẽ về Cam Ranh chưa?".
Câu trả lời chúng tôi nhận được là: "Chưa biết đâu". Nếu vậy thì vấn đề lại là khác nữa rồi, tất cả sẽ là trách nhiệm đổ lên vai chúng tôi, để giải thích cho hành khách của mình và kêu gọi họ sự hợp tác, ủng hộ phương án ngoài dự kiến này" - Anh Liên viết trên Facebook.
Thế rồi khi đã nhận chỉ thị chắc chắn hạ cánh tại Sân bay Cam Ranh, anh Liên đã sắp xếp lại mọi suy nghĩ trong đầu mình để chuẩn bị bài phát biểu thông báo đến những hành khách trên chuyến bay "giải cứu". Anh nói, đó là bài phát biểu cảm xúc nhất của mình, và thật hạnh phúc biết bao khi đã nhận được sự thông cảm của tất cả hành khách.
Anh viết: "Trên không là một giai đoạn chờ đợi chỉ thị chính thức từ mặt đất và câu hỏi đến lúc đó vẫn là câu hỏi mở (sẵn sàng cho cả 2 phương án hạ cánh ở cả 2 sân bay SGN hoặc CXR). Khi chúng tôi liên lạc được với đài kiểm soát Không lưu Manila thì mọi việc đã rõ ràng: Chỉ thị hạ cánh tại CXR!!!
Cố gắng sắp xếp mạch lạc lại các suy nghĩ và dòng ý tưởng của mình, tôi bắt đầu phát ngôn thông báo đến tất cả hành khách, bài phát ngôn "giàu xúc cảm nhất" trong đời bay của mình. Tôi cố gắng đưa mọi người vào vị thế của chúng tôi, cùng chúng tôi đưa ra quyết định vì sự an toàn của chính họ và vì bảo vệ sức khỏe của cộng đồng... Kêu gọi sự chia sẻ cảm thông với Mẹ Việt Nam tuy còn nhiều thiếu thốn song giàu tình thương yêu với tất cả các đứa con của mình...
Kết quả thật sự là bất ngờ, đồng bào đã ủng hộ chúng tôi, sát cánh cùng chúng tôi chia sẻ khó khăn với đất nước và hoàn toàn không một ý kiến nào gây ra khó xử cho phi hành đoàn.
(Ghi chú: sau này đến lúc hạ cánh xong, một số đồng nghiệp tiếp viên đã chia sẻ với tôi rằng: "các bài phát ngôn của cơ trưởng hôm nay làm chúng cháu "nổi gai ốc" vì sự chân thành và xúc động. Với tôi như vậy là một phần thưởng cho sự mãn nguyện khi mình đã hoàn thành một phi vụ khó khăn bằng trái tim của mình).
Boeing 787-10 lần đầu tiên hạ cánh tại Sân bay Cam Ranh.
Tổ bay hoàn thành công việc tại Sân bay Cam Ranh và chờ khử trùng, sau đó quay lại Sân bay Tân Sơn Nhất
Sau khi cho khách xuống Cam Ranh là chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của "cuộc giải cứu". Tất cả tổ bay chúng tôi và "Nàng Mười" đều được khử trùng, tinh khôi trở về SGN.
Đến 19h30 tối ngày 22/3 tôi đặt cặp bay xuống, tháo bỏ tất cả đồng phục của một ngày làm việc để đưa đi "khử trùng" tại nhà. Vậy là tính từ lúc 22h30 ngày hôm trước cho đến kết thúc hoàn toàn nhiệm vụ, chúng tôi đã làm việc liên tục trong 21 giờ đồng hồ không ngừng nghỉ. Kết thúc một kỳ nghỉ cuối tuần và xong một ngày làm việc dài mệt mỏi, nhưng tràn ngập trong tâm vẫn là niềm vui hoàn thành nhiệm vụ, đến lúc này mới thấy mệt song các cảm xúc thì reo vang trong lòng".
Máy bay đã khử trùng xong chờ đón tổ bay tiếp theo để tiếp tục bay về hoàn thành chặng cuối của chuyến đi giải cứu.
Khi hoàng hôn xuống trên Sân bay Cam ranh là lúc phi hành đoàn lên đường bay trở về SGN.