Cô gái trẻ Sài Gòn chia sẻ kinh nghiệm trồng nho trên sân thượng thu hoạch mỏi tay không hết quả
Khoảng sân thượng vốn trống trơn của gia đình chị Thanh nay đã được phủ kín các loại cây, nổi bật nhất là giàn nho trĩu quả đang mùa thu hoạch ai ngắm cũng thích thú và không quên hỏi cách chăm sóc.
Ngắm giàn nho trên sân thượng của chị Thanh (31 tuổi), nhiều người sẽ bất ngờ khi biết rằng trước đây, chị đã từng có quãng thời gian trồng cây gì chết cây ấy.
Sau khi sang Nhật vài năm trở về, nhìn thấy ban công và sân thượng trống trơn, chị Thanh quyết định cải tạo, biến hai khoảng diện tích nho nhỏ ngoài trời này của ngôi nhà trở thành khu vườn để mọi người được thư giãn.
Chị Thanh cho biết: "Mình về Việt Nam vào cuối năm 2018, đến nay cũng gần 2 năm học hỏi từng chút một, tự tay trồng từng loại cây mà mình thích, ngắm nhìn từng hạt giống nhỏ bé lớn lên từng ngày, ra hoa, cho quả thật sự rất vui. Có lẽ đây chính là động lực để mình vác đất lên sân thượng?".
Khoảng sân thượng nhiều nắng nên chị Thanh thiết kế giàn để trồng nho. Chị đặt mua giống nho từ Ninh Thuận vào tháng 11/ 2019, đến nay được gần 8 tháng.
Do khi mua cây giống đã lựa chọn rất kĩ càng nên khi trồng, gặp khó khăn hay thắc mắc gì, chị đều nhận được sự hỗ trợ tận tình của nhà vườn.
Bên cạnh đó, khi rảnh rỗi chị lại học hỏi thêm trên youtube về cách trồng nho của Việt Nam và Nhật Bản, tham gia các diễn đàn dành cho người yêu cây trên mạng xã hội…
Nhờ việc chuẩn bị kỹ lượng kiến thức nên chị gặp ít khó khăn và việc trồng, chăm cây cũng đỡ mất thời gian hơn.
Theo kinh nghiệm của chị Thanh, để có được giàn nho như ý phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, tùy theo mỗi thời kỳ phát triển của cây. Đầu tiên là nên chọn nơi bán cây giống uy tín. Cây nho giống nên là cây ghép cành, thân to cỡ cây bút chì, tránh mua loại thân như cổ thụ bị cắt ngắn lại, đây là gốc nho đã già cỗi.
Tiếp đến là chú ý chậu trồng và nơi trồng nên là nơi nhiều nắng. Chậu trồng càng to càng tốt, cỡ nửa thùng phuy hoặc mua 2 thùng xốp về ghép lại. Thường thì cây lớn đến đâu chị ghép thùng xốp đến đó. Thùng xốp phải có đục lỗ thoát nước dưới đáy hoặc bên thành thùng.
Để nho lớn nhanh sai quả, chị Thanh chú trọng đến đất trồng và cách bỏ đất vào chậu trồng. Đất trồng chị trộn bao gồm: 40% đất đỏ Bazan, 40% đất Tribat, 20% cát, tất cả trộn đều.
Sau đó trộn hỗn hợp đất trên giá thể bao gồm tro, trấu, xơ dừa đã xả chát và phân chuồng ủ hoai (phân bò, phân trùn quế) theo tỉ lệ 4 đất: 1 giá thể: 1 phân. Tiếp theo là thêm 200gr bột bánh dầu đậu phộng, 1 nắm vôi bột để diệt khuẩn. Trộn đều tất cả và tưới nước đẫm, phơi nắng từ 7 – 10 ngày.
Vôi và ánh nắng sẽ giúp diệt khuẩn có trong phân đất giúp tránh được rất nhiều bệnh về rễ. Thùng xốp đã đục lỗ sẽ được trải một lớp xỉ than (đã ngâm xả với nước 1 tuần) đập nhỏ dưới đáy, lót tầm 5cm.
Lớp xỉ than này sẽ giúp cho đất không làm bít lỗ thoát nước gây ngập úng, giúp thông thoáng bộ rễ. Sau đó cho hỗn hợp đất đã trộn ở trên vào thùng cách mặt thùng khoảng 4cm.
Trước khi chuyển cây giống vào thùng trồng thì rắc một nắm tay nấm Tricoderma vào đất và trộn đều, rắc thêm một lớp mỏng ở hố trồng. Nấm Tricoderma là vi sinh rất tốt cho đất và bảo vệ bộ rễ.
Khi chuyển cây giống sang thùng xốp nên chuyển vào buổi chiều mát, chuyển xong thì tưới thật đẫm nước đến khi thấy nước chảy ra khỏi lỗ thoát. Mỗi ngày, chị tưới nước 1 – 2 lần vào sáng sớm và chiều mát, tránh tưới nước trúng mối ghép.
Chị Thanh lưu ý thêm: "Cây còn nhỏ rất dễ bị sâu bệnh tấn công nên những ngày trời âm u hay mưa liên tục thì nên phun thuốc phòng nấm bệnh cho cây. Mình hay sử dụng Antracol và nấm xanh để phun phòng bệnh cho cây.
Cứ khoảng 15-20 ngày thì bón phân chuồng ủ hoai 1 lần (phân bò, gà, trùn quế có loại nào dùng loại đó). Ngoài ra mình còn có ngâm ủ bột bánh dầu, ngâm enzyme từ vỏ trái cây để phun tưới cho cây nữa. Cây cao đến đâu cố định cây vô cột bằng dây hoặc kẽm để tránh gió mạnh làm gãy cây.
Cứ chăm sóc như vậy, đến khi cây cao khoảng 1m5 thì nhẹ nhàng tháo phần nilon quấn quanh mối ghép ra.
Thường xuyên nhặt bỏ hết chồi nách (nhánh con mọc giữa thân và nách lá) cho đến khi cây vượt qua khỏi giàn 1 mét thì bấm ngọn để mầm ngủ bung ra, chọn 2-3 nhánh khỏe dài nhất giữ lại làm cành cấp 1.
Tiếp tục chăm sóc đến khi cành cấp 1 dài ra tầm 1m5 thì cắt ngọn để kích cành cấp 2. Từ cành cấp 2 nếu cây khỏe thì có thể ra bông rồi đó.
Lúc này ngoài phân chuồng bón định kì ra thì mình tưới thêm dịch chuối để bổ sung Kali cho cây năng ra hoa, tăng đậu quả. Khi cây đậu quả rồi thì bọc túi từng chùm nho để che mưa, chắn côn trùng".
Trong thời gian cây nho sinh trưởng phát triển, chị Thanh thường xuyên tỉa bỏ các chồi không cần thiết, chồi yếu. Nhặt bỏ các lá già úa và bị sâu bệnh sẽ giúp cho giàn nho thông thoáng. Ngoài ra cũng cần tỉa bớt những chùm bông nhỏ, các quả nhỏ, quả bệnh để cả chùm phát triển đồng đều. Chị thường tỉa quả ở giai đoạn 10 ngày sau khi đậu quả.
Khi sang chậu đến khi kích cành cấp 2 mất khoảng 4 – 5 tháng, từ khi cành cấp 2 ra bông đến khi thu hoạch khoảng 3 tháng. Vì thế, từ 7 – 8 tháng là chị có thể tự tay hái những chùm nho tự trồng tự chăm. Sau khi thu hái đợt đầu, chị tiếp tục bón phân, dưỡng cây khoảng 20 ngày để có thể cắt cành cấp tiếp theo nhằm kích ra bông.
Niềm vui của nông dân sân thượng.
Ngoài nho, trên sân thượng còn được chị Thanh trồng khá nhiều các loại rau quả. Chị ưu tiên trồng những loại cây dùng để ăn uống hoặc làm đẹp như dưa lưới, dưa leo, cà chua, sung Mỹ, dâu tằm, đu đủ, cải kale, bắp cải, xà lách… Chị còn trồng nhiều loại rau ăn lá, cây gia vị như gừng, sả, nghệ, lá quế, bạc hà, lá dứa… Cây thuốc có một vài loại như húng chanh, ngải cứu… Chị trồng thêm một vài loại hoa như hoa nhài, hoa hồng, mười giờ, đậu biếc, dừa cạn.
Những loại cây góp phần tăng màu xanh cho sân thượng.
Niềm yêu thích mỗi ngày của chị Thanh là được ngắm nhìn không gian xanh tươi, đẹp mắt trong ngôi nhà của mình. Vì thế, sau những bộn bề lo toan, chị cảm thấy bình yên và vui vẻ khi được hòa mình vào vẻ đẹp tươi tốt, xanh mát của thiên nhiên trên sân thượng.