Ở nhà làm gì: Nghe mẹ đảm ở Đà Nẵng tư vấn cách trồng rau hữu cơ trên sân thượng, đảm bảo thành công ngay lần đầu thử sức

NuNu,
Chia sẻ

Với những kinh nghiệm được tích lũy từ việc trồng rau trên sân thượng nhà mình, chị Huyền Trang hi vọng sẽ mang tới những thông tin hữu ích cho các chị em cũng đang muốn tăng gia sản xuất tại gia.

Chị Huyền Trang (hiện đang sống và làm việc tại Đà Nẵng) sở hữu vườn trên sân thượng đã được 5 năm. Sân thượng nhà chị có đặc điểm là ngập nắng nóng, gió nhiều. Vậy nên, chị Trang thường chia phía trước làm giàn cao trồng các loại quả dây leo. Phần phía sau, để trồng rau ăn lá và các loại củ quả khác. 

Chị cũng làm luôn giàn che tấm polycacbon. Bởi nếu không có mái che, trận mưa giông rau lá sẽ tanh bành. Để các loại rau củ quả sống và phát triển tốt, ở trên cao vừa nắng, vừa nóng, lại còn gió thì theo chị Trang đây là những vấn đề đóng vai trò quyết định mà chị em cần lưu ý.

1. Kiểu thùng trồng

Với thùng trồng, chị Trang thường dùng thùng xốp loại to, thiết kế kiểu earthbox(EB). Cơ chế hoạt động của earth box khá đơn giản, nó mô phỏng lại trái đất với các mao mạch dẫn nước, có nguồn nước và lối dẫn khí. Chỉ cần làm đúng kĩ thuật là bạn sẽ có một earth box chuẩn cho việc trồng cây của mình.

EB giúp rau phát triển tốt vì đất luôn có đủ độ ẩm, không bao giờ thiếu hay thừa nước điều này rất phù hợp với những sân thượng nắng nóng. Sáng tưới ngập nhưng 11h trưa là đất khô que, tưới nhiều đất lại bị bết, cứng đi nếu dùng thùng rồi cứ thế cho đất vào trồng.

2. Đất trồng

Theo chị Trang, đất trồng nhất định phải tơi xốp, vậy rau mới dễ thở, dễ hấp thụ và lớn nhanh được. Chị em có thể tham khảo công thức pha trộn đất trồng như sau: 45% xơ dừa, 20% phân dê, 34% đất thịt phù sa loại bãi bồi ven sông, 1% nấm đối kháng tricodema.

Nếu không có đất, thay đất bằng xơ dừa, không có phân dê có thể thay bằng phân bò. Nhưng phân bò phải ủ kỹ vì chứa nhiều sâu bệnh và hạt cỏ dại.

3. Nước

Vì dùng thùng EB nên chị em không cần tưới nhiều, chỉ cần sương sương cho mát lá. Thùng EB nhà chị Trang trữ được 15 lít nước. Tết nhà chị về quê hơn nửa tháng khi lên đã thấy rau tươi rốt. Hè nắng nóng hơn, rau trụ đc 1 tuần không cần tưới. 

Đương nhiên, mùa hè chị Trang vẫn cho tưới tự động ngày 2 lần. 9h sáng và 3h chiều. Vì thời điểm đó nắng nóng, cây rất cần nước. Bù ngay lúc khát giúp làm mát cây kịp thời. 

Thông thường mọi người thường hay bảo tưới sáng sớm, hay chiều mát. Nhưng chị đã học được cách tưới này từ một chuyên gia. Chị em có thể thử cách tưới này sẽ thấy sự khác biệt. Trưa nắng, lá sẽ không bao giờ bị rũ do mất nước.

4. Phân

Sau 5 năm trồng, chị Huyền Trang vẫn chưa có ý định thay đất. Mỗi lần xới chị đều bắt gặp rất nhiều giun. Nhìn hơi sợ nhưng đây là dấu hiệu đất trồng phát triển tốt. Do chị trộn đất khá là dinh dưỡng nên trong năm đầu không cần bón gì thêm.

Mọi việc bổ sung bắt đầu vào năm thứ hai. chị Trang mua thêm bánh dầu, làm phân cá, phân gà, phân dê, ủ đậu tương. Nghe kể thì thấy lắm thứ, nhưng khi bắt tay vào làm thấy khá đơn giản và nhanh lắm.

Phân dê chị mua 2 bao tải to không cần ủ vì nó đã "sạch" rồi. Theo chị Trang, phân dê này trồng rất thích, cho vào giúp cung cấp dinh dưỡng và cây phát triển nhanh hơn. Vì gia đình chị trồng rất nhiều cây hồng để lấy hoa làm trà nên thường sử dụng phân hữu cơ không có thuốc men gì.

Phân gà chị mua loại dynamic Nhật 3-4-3. Bao 20kg có giá 400.000 đồng dùng 2 năm vẫn còn.

Phân cá, phân đậu tương cần phải ủ. Với phân cá thì chị em có thể làm theo cách sau: Ra chợ mua đầu cá, ruột cá. Một lần khoảng 10kg. Cho tất cả vào thùng sơn, thêm 1 lon bia, 1 chén mật mía trộn đều, đạy kín nắp. 1 tháng là có thể dùng được. Phân cá rất nhiều đạm, thích hợp với cây ăn lá. Mỗi lần dùng, pha cùng nước tỉ lệ 1:10 tưới vào gốc.

Phân đậu tương: Đậu tương 5kg ngâm nở, luộc chín xay nhuyễn. Trộn cùng nấm tricodema, humic mật mía cho vào ủ. Rồi cũng pha tỉ lệ 1:10 tưới cả lá và gốc. Phân đậu tương cực kỳ đầy đủ dưỡng chất, thích hợp tất cả các loại rau củ quả, hoa lá.

Ngoài ra, với sâu bọ, cứ lên vườn mà thấy chị em nên tiêu diệt ngay. Soi thấy lá rau nào bị cắn, chị em nên soi đèn đêm để vợt ốc sên. Cứ theo cách này đảm bảo có nguyên vườn rau quả ngon sạch đẹp cho cả gia đình.

Ảnh: NVCC 

Chia sẻ