Cô gái bị thuyên tắc động mạch do lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

HN,
Chia sẻ

Không phải chị em nào cũng biết cách sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp sao cho đúng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cũng như đạt hiệu quả tốt nhất.

Cô gái trẻ bị thuyên tắc động mạch phổi do lạm dụng thuốc tránh thai

Ngày 23/8/2022, bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết vừa cấp cứu thành công cho nữ bệnh nhân 34 tuổi bị nhồi máu phổi do lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp.

Bệnh nhân bị đau tức ngực, khó thở ngày thứ 2 và được chuyển tuyến đến khoa Cấp cứu bệnh viện trong tình trạng tỉnh, khó thở, thở oxy hỗ trợ 5 lít/phút. Chỉ số SpO2 là 92%, rì rào phế nang 1 phổi giảm, có tiếng thổi tâm thu tại ổ van ba lá, tĩnh mạch cổ nổi, gan to mấp mé bờ sườn. Siêu âm tim có hình ảnh giãn buồng tim phải, hở nặng van ba lá, tăng áp lực động mạch phổi.

Kết quả chụp CT ngực có tiêm thuốc cản quang cho thấy hình ảnh huyết khối động mạch phổi 2 bên.

Khai thác tiền sử được biết bệnh nhân thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai Levonorgestrel (một loại thuốc tránh thai khẩn cấp) 10 năm nay, thường uống 12-15 viên/tháng.

Bệnh nhân được chẩn đoán xác định là huyết khối thuyên tắc động mạch phổi cấp tính do lạm dụng thuốc tránh thai Levonorgestrel.

Cô gái trẻ bị thuyên tắc động mạch do lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, bác sĩ khuyến cáo điều nên làm - Ảnh 1.

Không phải chị em nào cũng biết cách sử dụng thuốc tránh thai đường uống sao cho đúng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cũng như đạt hiệu quả tốt nhất.

Nguy cơ huyết khối tắc mạch khi dùng thuốc tránh thai đường uống

Theo ThS. BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, BV Phụ sản TƯ, thông thường nguy cơ rối loạn đông máu do các loại thuốc tránh thai (cả loại hàng ngày và khẩn cấp) gây ra là không đáng kể. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thì chị em cũng có thể gặp tình trạng tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong lòng mạch. Ví dụ như trường hợp cô gái trên đã sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp với tần suất cao hơn rất nhiều lần so với khuyến cáo của nhà sản xuất.

Đặc biệt, với bối cảnh sau đại dịch Covid-19 như hiện nay, tỉ lệ chị em phụ nữ có thể gặp phải tình trạng rối loạn đông máu tăng lên, do vậy càng phải cẩn trọng hơn khi sử dụng thuốc tránh thai đường uống. Ngoài ra, với những người hút thuốc, béo phì, có tiền sử bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp thì việc sử dụng thuốc tránh thai sử càng làm nguy cơ hình thành huyết khối tăng lên.

Khuyến cáo sử dụng thuốc tránh thai an toàn

BS Thành cho biết: "Thuốc tránh thai đường uống có ưu điểm là dễ tiếp cận và sử dụng, do vậy, nó trở thành biện pháp tránh thai phổ biến. Tuy nhiên, các thuốc này sẽ chuyển hóa qua gan nên có thể gây tổn thương gan. Ngoài ra, thuốc tránh thai đường uống còn có nhiều tác dụng phụ không mong muốn khác, điển hình là nguy cơ tắc mạch".

Cô gái trẻ bị thuyên tắc động mạch do lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, bác sĩ khuyến cáo điều nên làm - Ảnh 2.

Thuốc tránh thai đường uống còn có nhiều tác dụng phụ không mong muốn khác, điển hình là nguy cơ tắc mạch

Ngoài thuốc tránh thai đường uống, chị em còn có thể lựa chọn nhiều biện pháp tránh thai khác như sử dụng bao cao su, miếng dán tránh thai, que cấy tránh thai, đặt dụng cụ tử cung... với hiệu quả tốt, phù hợp với nhiều điều kiện khác nhau.

Theo BS Thành, bệnh nhân thường khó cảm nhận các biến chứng nặng như huyết khối tắc mạch do những biến chứng này diễn biến một cách âm thầm. Bác sĩ cũng nhấn mạnh không nên chỉ vì một trường hợp như bệnh nhân kể trên mà chị em lo lắng quá mắc, không sử dụng thuốc tránh thai nữa. Thực tế, đây vẫn là biện pháp tránh thai có hiệu quả cao.

Thay vào đó, để tránh những hậu quả đáng tiếc, chị em nên sàng lọc huyết áp, mỡ máu, đường máu định kỳ. Đồng thời chị em nên đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để nhận được sự tư vấn của bác sĩ về biện pháp tránh thai an toàn và phù hợp bản thân.

Chia sẻ