Cô dâu Hà Nội chi 80 triệu cho 1 đám cưới trong mơ: Giải quyết "bài toán phong bì" và tiết kiệm cả trăm triệu chi phí

Ngọc Thương,
Chia sẻ

Vấn đề ở đây không chỉ là cái nhìn của xã hội, mà còn là một cách tính ngầm về phong bì – lãi lỗ đám cưới.

Người trẻ muốn cưới đơn giản để đỡ gánh nặng, nhưng cha mẹ lại tính mời khách để… "thu hồi vốn phong bì". Cuối cùng, đám cưới trở thành một khoản đầu tư rủi ro cao.

Cưới nhưng phải "tính lãi lỗ"?

Lan (27 tuổi, Hà Nội) đã lên kế hoạch cưới gọn nhẹ cùng chồng sắp cưới: khoảng 50 khách mời, tổ chức tại một villa nhỏ ở ngoại ô, không phông rạp, không ca sĩ, không mâm cỗ truyền thống.

Cô dâu Hà Nội chi 80 triệu cho 1 đám cưới trong mơ: Giải quyết "bài toán phong bì" và tiết kiệm cả trăm triệu chi phí- Ảnh 1.

(Nguồn: Jumi story)

Tổng chi phí dự kiến chỉ khoảng 80 triệu đồng, chia đôi hai bên gia đình. Nhưng chỉ sau một tuần bàn với bố mẹ, kế hoạch đó bị "veto" hoàn toàn. Bố Lan nói thẳng: "Cưới mà không có cỗ thì mất mặt. Họ hàng, bạn bè đã từng mừng nhà mình, giờ không mời lại thì coi sao được?".

Vấn đề ở đây không chỉ là cái nhìn của xã hội, mà còn là một cách tính ngầm về phong bì – lãi lỗ đám cưới.

Bảng tính không chính thức của các bậc phụ huynh

Dưới đây là so sánh chi phí cưới truyền thống và cưới tối giản (số liệu tổng hợp từ các nền tảng cưới Việt Nam năm 2024):

Hạng mục

Cưới truyền thống

(200–300 khách)

Cưới tối giản

(30–50 khách)

Thuê địa điểm, tiệc cưới 150 – 250 triệu (nhà hàng tiệc cưới 5 mâm trở lên) 30 – 60 triệu (villa, homestay, nhà riêng có sân vườn)
Trang trí – decor 40 – 70 triệu 10 – 25 triệu
Chụp ảnh – quay phim 20 – 40 triệu 8 – 15 triệu
Trang phục – makeup cô dâu 15 – 30 triệu 5 – 10 triệu
Thiệp mời – quà khách 5 – 10 triệu 1 – 3 triệu
Chi phí phát sinh khác 10 – 20 triệu 3 – 5 triệu
Tổng chi phí ước tính 240 – 420 triệu 60 – 115 triệu

Kết luận nhanh: Dù tổ chức lớn hay nhỏ, 99% là… lỗ, nhưng cưới nhỏ thì "lỗ nhẹ, ít áp lực hơn và dễ sống sau cưới".

Trong 2 năm gần đây, xu hướng tổ chức intimate wedding (đám cưới thân mật) và micro-wedding (đám cưới siêu nhỏ, dưới 50 khách) đang nở rộ ở nhóm Gen Z và Millennial. Đây là hình thức tối giản, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn mang lại 1 đám cưới để đời bởi mà rất nhiều cô dâu chú rể ưa chuộng.

Cô dâu Hà Nội chi 80 triệu cho 1 đám cưới trong mơ: Giải quyết "bài toán phong bì" và tiết kiệm cả trăm triệu chi phí- Ảnh 2.

Làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn thế hệ

Người trẻ ngày nay thực tế hơn, biết cân đối tài chính, không muốn vay mượn hoặc tiêu sạch tiền tiết kiệm chỉ để làm một lễ cưới hoành tráng vài tiếng đồng hồ.

Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại nghĩ khác:

Mâm cao cỗ đầy để "trình làng" con cái.

Mời đông đủ để "trả – nhận" phong bì đã đi từ chục năm trước.

Sợ cưới nhỏ thì mất thể diện với họ hàng, bạn bè, làng xóm.

Một bạn đọc từng chia sẻ: "Bố mẹ mình còn lôi sổ đám cưới cũ ra đối chiếu, ai mừng bao nhiêu, năm nào… bảo không mời lại là mất mặt, mà cũng có khi sau cưới người ta sẽ trách sao không mời".

Vậy làm thế nào để cưới vẫn đẹp – vẫn vui – vẫn tiết kiệm?

Cô dâu Hà Nội chi 80 triệu cho 1 đám cưới trong mơ: Giải quyết "bài toán phong bì" và tiết kiệm cả trăm triệu chi phí- Ảnh 3.

Không phải ai cũng đủ "nổi loạn" để gạt phăng ý kiến của cha mẹ. Nhưng nếu biết cách thương lượng, bạn hoàn toàn có thể tổ chức một đám cưới đúng khả năng tài chính, lại khiến cha mẹ "đỡ xót phong bì".

Gợi ý từ những cặp đôi đã làm được:

Tổ chức tiệc cưới riêng 2 phần : Một phần "formal" cho cha mẹ mời họ hàng – một phần nhỏ, riêng tư theo đúng phong cách của hai người.

Lên kế hoạch ngân sách rõ ràng , trình bày thuyết phục với cha mẹ thay vì nói cảm tính. Ví dụ: "Nếu cưới hết 250 triệu, sau cưới tụi con không còn tiền thuê nhà và sinh hoạt, thì bố mẹ có thể hỗ trợ không?" .

Giải thích rằng cưới nhỏ không phải là thiếu tôn trọng , mà là để tránh bắt đầu hôn nhân bằng nợ nần.

Chia sẻ các case thật về cặp đôi cưới đơn giản nhưng hạnh phúc: cưới ở bãi biển, sân vườn gia đình, nhà thờ… chi phí thấp mà ấm áp, đáng nhớ.

Đừng để đám cưới – khởi đầu của một chương mới trong đời lại trở thành gánh nặng tài chính không cần thiết.

Bạn có thể không tổ chức một tiệc cưới "đắt đỏ nhất năm", nhưng hoàn toàn có thể tổ chức một lễ cưới ý nghĩa, đúng khả năng và đủ đầy về cảm xúc.

Không mâm cao cỗ đầy, không có nghĩa là không có hạnh phúc. Cưới là chuyện cả đời, hãy cưới khi bạn sẵn sàng, không phải khi bạn "thu đủ phong bì".

Chia sẻ