Chuyên viên tài chính "vẽ" lộ trình mua bảo hiểm cực hiệu quả cho chị em từ độc thân đến khi có con
Những người độc thân sẽ có cái nhìn rõ hơn khi mua bảo hiểm qua bài viết này.
Lộ trình mua bảo hiểm
1. Khi ở độ tuổi 24
Cần tính toán số tiền bảo hiểm cần thiết. Công thức: Nhân số năm cần bảo hiểm với chi tiêu thiết yếu của mình.
Ví dụ:
Chi tiêu thiết yếu hàng tháng của một người độc thân khoảng 7 triệu đồng. Số năm cần bảo hiểm là 10 năm. Số tiền bảo hiểm phù hợp dao động từ 700 - 800 triệu.
Mức phí đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm khoảng 10 - 17 triệu/năm tùy công ty bảo hiểm và quyền lợi bạn lựa chọn.
2. Bắt đầu lập gia đình
Khi lập gia đình, bạn sẽ cần thêm tên của "người được bảo hiểm bổ sung" chính là vợ/chồng mình vào hợp đồng sẵn có (đã mua vào năm 24 tuổi).
Quyền lợi không thể thiếu: Miễn đóng phí trước các rủi ro tử vong/thương tật toàn bộ vĩnh viễn/bệnh hiểm nghèo.
Bằng cách này, nếu chẳng may người bạn đời có vấn đề, bạn trở thành thu nhập duy nhất trong gia đình và gánh vác toàn bộ trách nhiệm tài chính còn lại vẫn được bảo hiểm bình thường mà không phải tốn kém thêm chi phí bảo hiểm hàng năm. Đi kèm với đó, tất cả các quyền lợi khi đáo hạn vẫn giữ nguyên.
Mức phí đóng mua thêm cho quyền lợi này chỉ tăng thêm 1 - 2 triệu/năm tùy theo mức phí đóng của các sản phẩm chính.
3. Thời điểm có con nhỏ
Đây là lúc các nhu cầu chi tiêu thiết yếu trong gia đình tăng lên, trách nhiệm tài chính của bạn đối với người phụ thuộc (tức con mình) kéo dài tới 18 năm.
Bạn cần điều chỉnh lại số tiền bảo hiểm rủi ro theo hướng tăng lên cho phù hợp hơn với quỹ rủi ro cần thiết. Tùy điều kiện tài chính mà bạn có thể chọn đóng thêm phí bảo hiểm hoặc không.
Đương nhiên, đóng phí càng nhiều thì số tiền trong giá trị tài khoản bảo hiểm càng cao. Ngược lại, nếu số tiền bảo hiểm rủi ro của bạn càng lớn sẽ khiến chi phí rủi ro hàng năm bị trừ đi càng nhiều cùng với sự gia tăng độ tuổi.
Sản phẩm bảo hiểm nên mua
10 năm trở lại đây, dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư là sự lựa chọn tối ưu nhất có thể lựa chọn. Trong đó chia ra làm 2 dòng liên kết chung và liên kết đơn vị.
Ưu điểm:
- Khắc phục được toàn bộ những điểm hạn chế của dòng truyền thống như: Linh hoạt về thời gian tham gia, mức phí đóng qua các năm, điều chỉnh các quyền lợi bảo hiểm trên 1 hợp đồng, rút tiền bất cứ thời điểm nào mà vẫn có khả năng duy trì được quyền lợi bảo hiểm.
- Tiết kiệm chi phí tham gia bảo hiểm của mỗi khách hàng.
- Điều chỉnh linh hoạt để phù hợp theo từng giai đoạn sống của mỗi người.
Nhược điểm:
- Phần "lãi" thực sự được tích lũy từ sau năm thứ 5 trở đi. Bạn thường phải đóng phí khoảng 10-15 năm trở lên mới "hoà vốn" vì lúc này phần lãi được hưởng dựa trên số dư còn lại mới đủ bù đắp chi phí hàng năm.
Từ nhược điểm này càng cho thấy bạn tham gia bảo hiểm sớm, càng có lợi khi số phí đóng hàng năm thấp, chi phí bị trừ đi thấp mà vẫn có số tiền bảo hiểm lớn dựa trên độ tuổi còn trẻ.
Tuổi 24 nên quan tâm tới dòng sản phẩm liên kết đơn vị (nằm trong BH liên kết đầu tư)
Gần đây các công ty bảo hiểm ra mắt thêm dòng sản phẩm liên kết đơn vị nằm trong bảo hiểm liên kết đầu tư, với việc sử dụng phần tiền còn lại của khách hàng để đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu hoặc tiền gửi ngân hàng tùy theo "khẩu vị rủi ro".
Nếu thị trường đầu tư thuận lợi, phần lợi nhuận từ việc đầu tư này vượt trội hơn so với chi phí rủi ro hàng năm, giúp giá trị tài khoản bảo hiểm tăng cao. Nếu mua bảo hiểm "đúng chu kỳ" thậm chí chỉ sau 5-7 năm đã bắt đầu có "lãi".
Những công ty tiên phong cung cấp dòng sản phẩm này: Prudential – Đầu tư linh hoạt, Manulife – Điểm tựa đầu tư, Daiichi – An thịnh Đầu tư, AIA – Bước đến tương lai, Generali – Đầu tư như ý, Sunlife – Sống chủ động, FWD – Bộ đôi tài sản.
Tuy nhiên, chức năng chính của các sản phẩm này vẫn là bảo hiểm, việc đầu tư chỉ nhằm tối ưu hóa phần tiền đang được tích lũy cũng như cung cấp thêm một kênh đầu tư kỷ luật và tiện lợi thông qua gói bảo hiểm. Bạn vẫn cần xác định đúng mục tiêu và tình trạng tài chính cần thiết của bản thân mình trước khi tham gia bảo hiểm để lựa chọn cho phù hợp.
Bản chất của dòng bảo hiểm liên kết đầu tư được duy trì dựa trên giá trị tài khoản bảo hiểm giống như số dư trong tài khoản ngân hàng.
Bạn đóng phí bảo hiểm hàng năm làm giá trị tài khoản này tăng lên, công ty bảo hiểm sẽ khấu trừ từ tài khoản này để chi trả tất cả các chi phí. Bao gồm: Phí ban đầu, phí quản lý hợp đồng, phí bảo hiểm rủi ro hàng năm,…
Phần tiền còn lại sẽ được đầu tư vào Quỹ Liên kết chung hoặc các Quỹ liên kết đơn vị.
Đáng chú ý là các khoản chi phí này trong 4 năm đầu là rất lớn, thường chiếm từ 165-180% giá trị đóng phí hàng năm. Nếu không nắm được cơ chế hoạt động này, rất nhiều người lầm tưởng, tham gia bảo hiểm bị "lỗ".
Thông tin bài viết dựa trên tư vấn của chuyên gia Kim Liên của Amy Advise