Người mẹ 19 năm gánh hàng lên núi nuôi con thành tài
Đau khổ và đắng cay cuối cùng cũng qua đi, cuộc sống bước sang trang mới. “Tôi đã có thể an lòng nhắm mắt xuôi tay”, bà Uông Mỹ Hồng cười nói.
Trên sườn núi Tề Vân - thắng cảnh nổi tiếng ở An Huy (Trung Quốc) có một quán trà được gọi là "Sơn nữ gánh hàng" thu hút không ít du khách dừng chân nán lại. Điểm hấp dẫn nhất của quán trà không phải là trà hay điểm tâm, mà là bà chủ Uông Mỹ Hồng.
Trước khi mở quán trà này, Uông Mỹ Hồng đã làm nghề gánh hàng lên núi suốt 19 năm.
Sau khi chồng qua đời, một mình bà nuôi 3 đứa con, trong đó có cặp sinh đôi đỗ trường đại học trọng điểm.
Một người phụ nữ chân yếu tay mềm, làm công việc nặng nhọc ngay cả đàn ông cũng phải chùn bước, mỗi ngày gánh hơn tạ hàng hóa lên xuống núi.
Người mẹ kiên cường và vĩ đại như vậy thế mà lại bị nhà chồng ghét bỏ, bị người trong thôn mắng là sao chổi (đồ xui xẻo), coi như kẻ thù...
Hàm oan nào ai thấu
Năm 1963, Uông Mỹ Hồng ra đời ở làng Nham Cước, huyện Tề Vân Sơn, tỉnh An Huy (Trung Quốc). Như hầu hết các cô gái trong thôn, bà trở về quê nhà sau khi học trung học để kết hôn, sinh con dưỡng cái, quán xuyến việc nhà.
Nhưng cuộc đời lắm điều bất ngờ.
Năm 1990, Uông Mỹ Hồng có thai, cả nhà vui mừng khôn xiết, ai cũng ôm đứa nhỏ mới sinh yêu thích không buông tay. Nhưng ngay sau đó, hai vợ chồng phát hiện con trai có gì đó không ổn. Màu da và tóc không bình thường, đôi mắt không thể mở.
Sau khi chẩn đoán, bác sĩ nói: Đứa trẻ bị mắc bệnh bạch tạng, và cũng dẫn đến mù mắt bẩm sinh. Kết quả chẩn đoán như tiếng sét đánh giữa trời quang. Bạch tạng là căn bệnh không thể chữa được, có nghĩa là con trai của hai người được định sẵn phải nhìn thế giới trong bóng tối suốt cuộc đời.
Sau khi bàn bạc, hai vợ chồng Uông Mỹ Hồng quyết định nộp đơn xin chính quyền để sinh thêm con. Hai năm sau, Uông Mỹ Hồng lại mang thai. Lần này, bà đã sinh ra một cặp sinh đôi, một trai một gái khỏe mạnh và đáng yêu.
Để kiếm tiền nuôi các con, chồng đi sớm về muộn mỗi ngày để đánh cá. Làm việc vất vả, nhưng hai vợ chồng cùng chung sức, cuộc sống của một nhà năm người cũng coi như vui vẻ hòa thuận.
Tuy nhiên, một đêm mưa năm 1994, người chồng bất chấp đi đánh cá và lần này đã không trở lại. Tin dữ truyền đến, Uông Mỹ Hồng khóc đến mờ hai mắt. Mất đi trụ cột duy nhất trong nhà, làm cho gia cảnh vốn nghèo khó càng thêm tồi tệ.
Con trai lớn mù lòa lắm bệnh vừa tròn 4 tuổi, cặp song sinh chưa tới 2 tuổi, bước đi còn chưa vững. Điều khiến Uông Mỹ Hồng lạnh mình chính là: Sau khi nghe tin con trai qua đời, nhà chồng đổ lỗi cho con dâu.
Họ không muốn bỏ tiền lo toan hậu sự, còn một mực khẳng định Uông Mỹ Hồng “mang mệnh khắc phu”, nói rằng nếu như không phải do bà ép chồng đêm mưa đi đánh cá thì ông cũng không gặp chuyện dữ.
Bố mẹ chồng chửi rủa về con dâu khắp cả thôn, thanh danh của Uông Mỹ Hồng cũng theo đó bị bôi tro trét trấu. Hàng xóm láng giềng xa lánh Uông Mỹ Hồng, điều này càng khiến tình cảnh bốn mẹ con càng thêm khó khăn.
Bị cô lập, Uông Mỹ Hồng chỉ có thể tìm người thân vay tiền để chôn cất chồng. Một mình cô lo liệu hậu sự xong xuôi, nợ hơn 1.000 NDT (hơn 3,3 triệu đồng), còn phải chăm sóc 3 đứa con, quả thực sức cùng lực kiệt.
Vì con nên buộc phải mạnh mẽ
Nhà ngoại đau lòng, chỉ muốn đón Uông Mỹ Hồng trở về, tìm cho bà tấm chồng khác. Nhưng Uông Mỹ Hồng không thể bỏ con mà đi, nhìn thấy đứa con trai lớn bệnh tật tội nghiệp, bà càng không nỡ. Bà quyết tâm trụ lại thôn, một mình nuôi dạy con cái.
Nhưng một phụ nữ nông thôn, không có học vấn, cũng chẳng có một mẫu đất trong tay, lấy gì nuôi con?
Trong khi Uông Mỹ Hồng đang lo lắng về chuyện tiền bạc, con trai lớn lại đổ bệnh, cần phải nhập viện khẩn cấp. Không còn cách nào khác, bà đành phải bán đi mọi thứ trong nhà đi, đổi lại con trai có thể trị liệu thêm vài ngày.
Ngày đưa con trai lớn đến bệnh viện thị trấn khám bệnh, vô tình nhìn thấy cổng thôn dán một thông báo tuyển người gánh hàng: Gánh được 50kg hàng nhận 4,5 NDT (hơn 15 nghìn đồng), từ chân núi cho đến nhà trên núi, thời gian không cố định, làm nhiều lương nhiều.
Uông Mỹ Hồng mừng rỡ: Công việc này không cần chuyên môn, lại gần nhà, hơn nữa thời gian tương đối tự do. Đây như cọng rơm cứu mạng người phụ nữ trong hố sâu tăm tối.
"Mỗi lần phải gánh hơn 50kg hàng, còn nặng hơn cả cô, gánh được không?", chủ thuê vừa nói vừa quan sát Uông Mỹ Hồng.
Uông Mỹ Hồng cầm chiếc đòn gánh, nhấc hàng khiêng lên vai, ban đầu hơi chao đảo, nhưng bà cố gắng đứng vững, vai đau nhức nhưng vẫn ra vẻ không sao.
Cứ như vậy, Uông Mỹ Hồng trở thành “sơn nữ gánh hàng” duy nhất của núi Tề Vân.
Núi Tề Vân nổi tiếng dốc đứng, đường núi quanh co, lại có hơn 3.700 bậc thang, một chuyến cả đi cả về nhanh cũng phải hơn 3 tiếng đồng hồ.
Những lần đầu gánh hàng, còn chưa đi tới giữa sườn núi, Uông Mỹ Hồng đã mồ hôi như tắm, cả người phát run, bả vai cũng bị cọ ra máu. Nhưng nghĩ đến những đứa con thơ ở nhà, bà liền cắn răng chịu đau, bước lên từng bậc thang.
Làm xong trở về, nhìn nhà cửa ngổn ngang và ba đứa con đói đến mức gào khóc. Uông Mỹ Hồng chỉ có thể lê tấm thân mệt mỏi, kiên nhẫn tắm rửa, giặt quần áo, cho con ăn.
"Tôi hy vọng con tôi có thể giống như con nhà người khác, sống vui vẻ, được cắp sách đến trường, ăn uống đầy đủ hơn một chút".
Ôm khát khao này, bất kể nắng nóng hay mưa to, Uông Mỹ Hồng không bao giờ nghỉ làm, mỗi ngày đều gánh hàng lên núi. Người đàn ông khác gánh hai chuyến một ngày, bà gánh ba chuyến.
Vết thương trên vai chưa lành đã tiếp tục rướm máu, Uông Mỹ Hồng ngày một mạnh mẽ hơn, gánh thêm nhiều chuyến hàng. Thời gian dài, các hộ gia đình trên núi dần quen mặt Uông Mỹ Hồng, cũng thương cho cảnh mẹ đơn thân, mỗi lần mua hàng đều chỉ đích danh cô đến gánh.
Điều khiến Uông Mỹ Hồng vui mừng là 3 đứa trẻ đều rất ngoan ngoãn và hiếu thảo. Con trai lớn vì lý do sức khỏe không thể đi học bình thường, nhưng cặp sinh đôi luôn đứng đầu trường, hơn nữa còn chủ động chăm sóc anh trai, cũng học giặt giũ, nấu cơm, giúp mẹ giảm bớt gánh nặng việc nhà.
Đôi khi hàng hóa quá nặng, Uông Mỹ Hồng cũng nhờ hai con giúp đỡ mình. Những đứa trẻ từ nhỏ đã chứng kiến sự gian khổ của mẹ, đều vui vẻ ra sức mà không một tiếng than oán.
Đường núi gánh hàng tuy rằng gian khổ gập ghềnh, nhưng có tiếng cười nói của các con, Uông Mỹ Hồng luôn cảm thấy cuộc sống còn có hy vọng. Thế mà 19 năm cũng thấm thoát trôi qua.
Hoạn nạn nếm đủ, khổ tận cam lai
Năm 2011, con trai lớn của Uông Mỹ Hồng đến Thượng Hải để học mát-xa và làm việc trong một tiệm mát-xa người mù, mặc dù mức lương không nhiều, nhưng cũng đủ để nuôi sống bản thân.
Cặp sinh đôi thi đậu đại học danh tiếng. Anh trai Lực Thắng thi đậu Đại học Công nghệ An Huy, em gái Lực Lợi được nhận vào Đại học Y khoa An Huy.
Uông Mỹ Hồng cảm thấy vất vả của mình suốt những năm qua đều đáng giá. Nhưng đi kèm là một vấn đề lớn hơn. Học phí đại học là khoản tiền không nhỏ, huống chi con gái út Lực Lợi phải học đại học 5 năm, muốn vào lại tại bệnh viện cần phải học lên cao hơn.
Điều này khiến Uông Mỹ Hồng vô cùng hoang mang. Mặc dù những năm gần đây, lương gánh hàng đã tăng lên 9 NDT cho một chuyến, nhưng cũng không thể kiếm đủ học phí. Mà tàn khốc hơn chính là, chính quyền chuẩn bị quy hoạch tuyến đường cho núi Tề Vân, công việc gánh hàng cũng theo đó mà kết thúc.
Khi Uông Mỹ Hồng đang chật vật trong lo lắng, một phóng viên đã tìm đến và nói rằng có người sẵn sàng tài trợ cho hai đứa con của bà học đại học. Thì ra, mấy năm trước có phóng viên từng đưa tin về câu chuyện gánh hàng của Uông Mỹ Hồng, khiến không ít người khâm phục và cảm động.
Uông Mỹ Hồng cảm động, còn nói sau này con thành tài sẽ kiếm tiền trả lại. Mạnh thường quân đương nhiên không đồng ý với lời này. Song nhờ đó, Lực Thắng và Lực Lợi đã đủ điều kiện nhập học.
Đồng thời, sức mạnh của mạng xã hội cũng giúp câu chuyện của Uông Mỹ Hồng được biết đến rộng rãi. Vô số tờ báo và tạp chí bắt đầu xuất bản câu chuyện của bà, ngay cả CCTV cũng tham gia thực hiện tập phim tài liệu về người phụ nữ kiên cường này.
Chỉ có điều, mặc dù những ngày tháng khó khăn đã kết thúc, nhà chồng và người dân trong làng vẫn có một sự hiểu lầm sâu sắc về Uông Mỹ Hồng. Thậm chí nhiều người còn ghen tị với những gì mà bà nhận được từ mạnh thường quân và đài truyền hình.
Mà Uông Mỹ Hồng cũng đã quá quen với thái độ của người trong thôn, bà chỉ thở dài và nói: "Họ không dang tay cứu giúp thì thôi đi, đằng này còn…". Nói xong lời này, bà im lặng thật lâu.
Những hiểu lầm và chỉ trích của những người xung quanh đã trở thành cái gai vĩnh viễn cắm sâu vào trái tim Uông Mỹ Hồng. May mắn thay, những điều này không thể ngăn cản bà theo đuổi cuộc sống tốt hơn.
Các con đi học đi làm xa, Uông Mỹ Hồng tiếp tục gánh hàng. Cho đến năm 2013, đường núi Tề Vân chính thức khai thông. Uông Mỹ Hồng lại tự gánh nước lên núi bán trong quán trà “Sơn nữ gánh hàng”.
Vô số du khách lên núi Tề Vân Sơn chỉ tìm kiếm bóng dáng của Uông Mỹ Hồng, chụp ảnh cùng bà, ủng hộ những chai nước mát. Có nam du khách thử gánh hàng của Uông Mỹ Hồng, nhưng nặng đến mức hoàn toàn không đứng dậy được, từ đó càng bội phục người mẹ vĩ đại này.
Đoàn kịch nói Thượng Hải cũng lấy Uông Mỹ Hồng làm nhân vật truyền cảm hứng, biên đạo vở kịch "Người phụ nữ gánh núi". Vở kịch đã lấy đi nước mắt của nhiều khán giả.
Sau đó, cặp sinh đôi tốt nghiệp đại học, tìm được công việc ổn định ở thành phố. Họ muốn đưa Uông Mỹ Hồng đến thành phố chung sống, nhưng bà từ chối vì muốn ở lại dưới chân núi Tề Vân, sống qua ngày nơi chốn cũ thân thương.
Hiện tại, với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, Uông Mỹ Hồng đã mở một quán trà dưới chân núi Tề Vân, bán điểm tâm, đồ uống giải khát... và kể câu chuyện của mình cho du khách phương xa.
Đau khổ và đắng cay cuối cùng cũng qua đi, cuộc sống bước sang trang mới. “Tôi đã có thể an lòng nhắm mắt xuôi tay”, Uông Mỹ Hồng cười nói.
Nguồn: The Paper