Chuyên gia lý giải thực hư vụ sơn móng tay dạng gel gây ung thư da và những người có nguy cơ ung thư cao nhất
Sơn móng dạng gel khô ngay lập tức, khó bị nứt hỏng và tuổi thọ lớn hơn loại sơn móng thông thường. Nhưng nó cũng đi kèm một số nguy cơ nhất định.
Có rất ít nghiên cứu về sơn móng dạng gel, chủ yếu bởi mỗi tiệm làm đẹp lại áp dụng kỹ thuật này theo cách khác nhau.
Tuy nhiên, chuyên gia da liễu gợi ý rằng, bạn nên cẩn trọng để bảo vệ sức khỏe bản thân trước khi quyết định dùng sơn móng dạng gel.
Tiến sĩ Chris Adigun, bác sĩ, chuyên gia về da tại Chapel Hill, Bắc Caroline, từng viết hướng dẫn cho Hiệp hội Da liễu Mỹ, khẳng định: "Chúng tôi có đủ lý do để khuyên bệnh nhân chú ý tới việc bảo vệ làn da của họ".
Nguy cơ của sơn móng dạng gel
Sơn móng dạng gel được thiết kế để sử dụng các đèn LED phát ra tia UVA, giúp sơn khô nhanh. Trong khi tia UVB có thể khiến bạn bị cháy da (như UVB từ tia nắng mặt trời), UVA lại chịu trách nhiệm cho quá trình lão hóa, các tổn thương da và ung thư.
Và mặc dù có một số nghiên cứu về sơn móng dạng gel nhưng không dễ để xác định chúng có phản ánh thực chất sản phẩm đó trên thực tế hay không.
Tiến sĩ Adigun giải thích: "Rắc rối trong việc hiểu về nguy cơ gây hại cho sức khỏe của sơn móng dạng gel nằm ở chỗ không có tiêu chuẩn chung nào khi thực hiện kỹ thuật chăm sóc móng sử dụng sơn dạng gel ở các tiệm làm móng".
Điều chúng ta thực sự biết về nguy cơ ung thư da dựa trên ánh nắng mặt trời, chứ không phải đèn LED vốn được đặt tại nhiều khoảng cách so với bàn tay chúng ta, đôi khi là 1 lần/năm, 1 lần cả đời, 1 lần/tháng hay thậm chí 2 tuần 1 lần khi đi làm móng.
"Ở tiệm làm móng, không có ai đứng cạnh bạn mà nhắc 'Hết giờ rồi'. Phần lớn mọi người có lẽ đã hấp thụ liều lượng [tia sáng từ đèn LED] nhiều hơn nhiều so với những gì chúng ta thấy trong các nghiên cứu", tiến sĩ Adigun nhấn mạnh.
Những người có nguy cơ ung thư da cao nhất khi làm móng bằng sơn dạng gel
Một lần nữa, chúng ta không thể biết chắc. Nhưng có một số yếu tố giúp dự đoán nguy cơ ung thư da khi sử dụng sơn móng dạng gel.
Yếu tố di truyền, sắc tố da và tiền sử bệnh ung thư đều có thể đóng vai trò nhất định.
Thuốc là một vấn đề khác cần lưu tâm và theo tiến sĩ Adigun, đây lại là việc mà không nhiều người nghĩ tới.
Một số dạng hóa trị hay thuốc kháng sinh bạn đang dùng có thể khiến bạn dễ hấp thụ tia UVA cũng như tác hại của chúng hơn.
Ngoài ra, những người thường xuyên đi làm móng - nhiều lần ghé tiệm nail mỗi tháng – cũng đối diện nguy cơ cao hơn khi tiếp xúc liên tục với UVA.
Trong khi không có cách nào để đưa ra giới hạn chắc chắn cho việc sử dụng sơn móng dạng gel, tiến sĩ Joshua Zeichner, bác sĩ, chuyên gia về da tại Bệnh viện Mount Sinai ở New York khuyên những người mê sơn móng dạng gel không nên thay lớp gel mới thường xuyên.
Sử dụng thiết bị bảo vệ
Trong số những người đã mang thiết bị bảo vệ da khi dùng sơn móng dạng gel, có một số kỹ thuật phổ biến được ưa thích sau: Găng tay không móng và kem chống nắng. Đối với Tiến sĩ Adigun, bà khuyến nghị nên dùng găng tay không móng: "Tôi khuyên bạn nên che toàn bộ vùng da khi làm móng bằng sơn dạng gel, bất kể đó là găng tay, khăn hay bất cứ thứ gì, miễn có thể bảo vệ da bạn khỏi tia UV".
Bà cũng tiết lộ thêm, có quá nhiều vấn đề cần lưu ý trong việc sử dụng kem chống nắng. Trước hết, nhiều loại kem chống nắng cần khoảng 20 phút mới bắt đầu có tác dụng. Nhưng thực tế là không ai thoa kem chống nắng rồi lại chờ 20 phút mới làm móng.
Thứ hai, toàn bộ quá trình sơn móng bằng loại sơn dạng gel (bao gồm cả việc massage, cắt móng…) có thể can thiệp vào ý định thoa kem chống nắng hay thậm chí làm phai lớp bảo vệ mà bạn đã cẩn trọng thoa lên từ trước.
Cuối cùng, và có lẽ là quan trọng nhất: Kem chống nắng không được phê duyệt sử dụng nếu có sự hiện diện của các loại đèn LED.
Tiến sĩ Adigun giải thích: "Tất cả các loại kem chống nắng đều được thử nghiệm bên dưới ánh sáng tương tự loại phát ra từ mặt trời. Lượng tia sáng phát ra từ các đèn UVA cao hơn rất nhiều so với từ mặt trời. Do đó, tôi thậm chí không biết liệu thoa kem chống nắng khi làm móng thì có tác dụng bảo vệ gì không".