Chuyên gia chỉ ra "lỗ hổng" khi bảo quản trứng theo cách này khiến ai cũng ngớ người, hóa ra bao lâu nay mình vẫn làm sai
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, trứng để tủ lạnh kiểu này chắc chắn làm sinh sôi nảy nở thêm vi khuẩn.
Bảo quản trứng trong tủ lạnh, nhiều người vô tư yên tâm trứng sạch, không nhiễm khuẩn
Trứng là một trong những loại thực phẩm có thời gian bảo quản lâu, chế biến nhanh, siêu tiện lợi lại rất dễ ăn, thành viên trong gia đình ai cũng thích. Thế nên, trứng được các bà nội trợ luôn luôn ưu tiên, mua thật nhiều để ăn dần. Nếu nhiều quá, người ta thường bảo quản trứng trong tủ lạnh.
Không cần rườm rà, thủ tục cầu kỳ, những quả trứng được mua từ ngoài chợ về, bà nội trợ thoăn thoắt đôi tay nhặt từng quả trứng cho vào tủ lạnh. Thông thường, người ta bảo quản trứng ở ngăn mát tủ lạnh, khay ở cánh cửa tủ lạnh. Thế là yên tâm có thể sử dụng trứng ngon sạch hàng tháng trời.
Không ai mất thời gian đi rửa trứng rồi mới bỏ vào tủ lạnh làm gì bởi nhiều người quan niệm, bên ngoài vỏ trứng có lớp phấn bảo vệ. Điều này là do đặc điểm khi hình thành nên những quả trứng. Lớp phấn này ngăn vi khuẩn không thể nào xâm nhập vào bên trong quả trứng, giúp trứng luôn tươi ngon, không bị biến chất, đồng thời bảo quản được lâu hơn. Quan niệm giữ nguyên những thứ tự nhiên vốn có của thực phẩm kiểu đó khiến nhiều người yên tâm hơn hẳn khi bảo quản trứng trong tủ lạnh.
Thế nhưng cách bảo quản trứng kiểu này được chuyên gia đánh giá là chưa hẳn tốt như nhiều người đang nghĩ. Thậm chí, nó có thể khiến vi khuẩn bám ở bên ngoài vỏ trứng sinh sôi, "nhảy múa" sang cả những thực phẩm khác đang được bảo quản cùng môi trường.
Mua trứng ngoài chợ về, bảo quản ngay trong tủ lạnh có thể khiến đồ ăn thức uống nhiễm khuẩn
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), đúng là khi con gà đẻ trứng ra sẽ có lớp phấn bao phủ bên ngoài quả trứng. Đây được coi là lớp sáp bảo vệ, ngăn chặn vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào bên trong quả trứng. Nhiều người nghĩ như vậy nên bảo quản trứng trong tủ lạnh bằng cách bỏ ngay vào đây khi mới mua về.
"Ai cũng nghĩ thành phần của trứng gà được bảo vệ kỹ càng bằng lớp vỏ cứng bên ngoài nhưng thực ra vỏ trứng không hề kín mà có khả năng thông khí", chuyên gia cho hay.
Khi mua trứng ngoài chợ về, có rất nhiều quả trứng bị nhiễm bẩn có thể nhìn thấy bằng mắt thường, đặc biệt là trứng vịt còn có thể dính cả phân, trấu... Bàn tay người này người nọ cầm vào quả trứng rồi đến bạn mua mang về cũng có thể làm vỏ trứng chứa đầy vi khuẩn.
"Lớp sáp bảo vệ có thể bảo vệ trứng bên trong nhưng không có khả năng tiêu diệt vi khuẩn bám bên ngoài vỏ có sẵn này. Chúng ta vô tư cầm trứng mua về rồi bỏ vào tủ lạnh có thể gây bẩn cho những thực phẩm khác. Vô hình chung, thói quen này làm phát tán thêm vi khuẩn, virus bên trong tủ lạnh", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Nguyên tắc của một chiếc tủ lạnh sạch là bản chất tủ phải sạch, sau đó là đồ ăn thức uống được bảo quản trong đó cũng phải sạch. Trứng cũng vậy, do đó để những quả trứng vừa mua ngoài chợ về đặt vào tủ lạnh ngay là điều cần tránh.
Trước khi bảo quản trứng trong tủ lạnh cần làm gì?
Chuyên gia khuyên, bạn nên bỏ trứng ra khỏi túi nilon, rửa nhẹ nhàng từng quả bằng nước sạch, sau đó lấy khăn lau khô rồi cho vào tủ lạnh. "Chú ý rửa nhẹ nhàng để tránh làm vỡ trứng, vừa rửa hết chất bẩn bám bên ngoài vỏ trứng vừa không làm mất lớp sáp ngoài vỏ. Nhất là trứng vịt, càng được khuyến cáo bắt buộc phải rửa", chuyên gia chỉ rõ.
Bảo quản trứng trong khay tủ lạnh giúp kéo dài hạn sử dụng của trứng. Vì môi trường trong tủ lạnh không có tác dụng giết chết vi khuẩn nên thực phẩm như trứng cần được rửa sạch trước khi bỏ tủ. Đây cũng là một trong những lý do chuyên gia khuyên người dân nên rửa trứng, lau khô rồi mới bảo quản tủ lạnh vì sức khỏe của chính mình và gia đình.
Chuyên gia cho biết thêm, người dân khi mua trứng cần chú ý chọn trứng sạch, tươi ngon (không mua trứng có vết nứt trên vỏ, vỏ trứng quá mịn, trứng có màu xám, vỏ phồng lên, trứng có mùi lạ, khi lắc trứng nghe thấy tiếng ọc nước...), cất trứng trong tủ lạnh không quá 30 ngày để đảm bảo dinh dưỡng, tránh nguy cơ nhiễm bệnh.