Chuyển đổi mô hình đại học: Tên gọi không tạo nên đẳng cấp

NGHIÊM HUÊ,
Chia sẻ

Sau khi Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội chuyển thành ĐH, rất nhiều câu hỏi được đặt ra, từ tên gọi, bằng cấp đến chất lượng đào tạo.

Chuyển đổi mô hình đại học: Tên gọi không tạo nên đẳng cấp - Ảnh 1.

Nghiên cứu và đào tạo sau đại học là một trong những điều kiện cần thiết để phát triển trường ĐH thành ĐH. Ảnh: Diệp An

TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long thông tin, Luật Giáo dục ĐH 2018 (Luật số 34/2018) cho phép các ĐH tự chủ lựa chọn con đường phát triển theo những tiêu chuẩn - định hướng đã được quy định. Theo đó, có hai cách - hai loại điều kiện để hình thành ĐH là: chuyển trường ĐH thành ĐH theo cách mà Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa thực hiện. Khi đó phải đạt các tiêu chuẩn tối thiểu: trường ĐH đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH được thành lập theo quy định...; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người... Cách thứ hai là các trường ĐH đang hoạt động tự nguyện liên kết thành đại học

Theo TS Phụng, như vậy, lần đầu tiên các chuẩn tối thiểu cho loại hình “ĐH” được quy định trong Luật.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết từ năm 1995 khi 2 ĐH Quốc gia ra đời, khái niệm ĐH 2 cấp hình thành. Thứ trưởng nhấn mạnh, với mô hình này, các trường ĐH thành viên phải do Thủ tướng quyết định thành lập. Điều này có nghĩa thành lập trường ĐH thành viên, không khác gì thành lập một trường ĐH mới.

Với mô hình như ĐH Bách khoa Hà Nội, các trường trực thuộc do Hội đồng trường đó quyết định thành lập và không phải là một cơ sở giáo dục ĐH mới. Vì vậy không thể gọi là Trường ĐH nên không có quyền cấp bằng, hay tự chủ tài chính, tài sản… mà thực hiện theo quy chế hoạt động của ĐH đó.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay trong Luật số 34/2018 và một số Thông tư của Bộ chỉ ghi rõ các ĐH được trao quyền tự chủ cao hơn về mặt học thuật. Còn các mặt khác tương tự như thế, không có gì thay đổi. Do đó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng Luật đưa ra một số mô hình tổ chức. Các trường phải tìm được mô hình tổ chức phù hợp để phát triển. “Cần khẳng định, chuyển thành ĐH không phải để thể hiện đẳng cấp. Cũng không ai nói các ĐH vùng có vị thế cao hơn các trường ĐH lớn và không luật nào phân biệt chuyện đó. Một trường ĐH chuyển thành ĐH không có nghĩa là chuyển vị thế của nó. Các trường tự thể hiện đẳng cấp qua các yếu tố như kết quả nghiên cứu, kết quả đào tạo, kết quả đóng góp cho cộng đồng, xã hội”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Ông đồng thời nhấn mạnh, việc chuyển từ trường ĐH thành ĐH cơ bản là thay đổi cấu trúc và hệ thống quản trị bên trong. Khi đó, vai trò của cơ quan nhà nước là cần tìm cho nó một cái tên và phân loại phù hợp.

Chia sẻ