Hành trình chạy dịch của những bà mẹ: Có "đẻ rơi" cũng phải đưa con về nhà

Gia Đoàn,
Chia sẻ

Hai vợ chồng vào công ty làm được 2 tháng thì phải nghỉ do dịch. Mấy tháng qua vợ chồng anh Giàng A Chăm (18 tuổi, ở xã Kim Bon, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) chật vật sống qua ngày. Lúc này, anh Chăm bàn với vợ về quê bằng xe máy. Thậm chí anh đã nghĩ đến "kịch bản" vợ có thể trở dạ sinh con dọc đường đi.

Đêm 6/7, bên trong những chiếc lều tại Cầu Giẽ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), điểm dừng chân trên hành trình về quê xa lắc, nhiều người mẹ trẻ rớm nước mắt nhìn những đứa con nhỏ trên lưng đã cùng họ trong suốt hành trình gần 2000km hồi hương. 

Trong số đó, nhiều người phụ nữ "bụng mang dạ chửa" dù gần sát ngày sinh vẫn quyết đồng hành cùng chồng trên chuyến hành trình về quê đáng nhớ nhất cuộc đời và sẵn sàng nghĩ đến chuyện đẻ rơi dọc đường bởi chẳng còn lựa chọn nào khác.

Phòng hộ sinh cũng có thể là quãng ven đường

Vợ đang mang thai tháng thứ 9, anh Giàng A Chăm (18 tuổi, ở xã Kim Bon, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) đang làm công nhân ở Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương nghĩ cách cuối cùng đó là về quê.

Anh Chăm cho hay, cả hai mới vào công ty làm được 2 tháng thì phải nghỉ do dịch. Mấy tháng qua vợ chồng anh chật vật sống qua ngày. Lúc này, anh Chăm bàn với vợ là chị Phàng Thị Tồng (19 tuổi) về quê bằng xe máy. Thậm chí, hai vợ chồng đã nghĩ đến "kịch bản" vợ có thể trở dạ sinh con dọc đường đi.

Chuyện của những bà bầu trong chuyến hồi hương đáng nhớ nhất cuộc đời: Người vì dịch đến sát ngày sinh không biết con là trai hay gái, người lo sợ đẻ rơi dọc đường - Ảnh 1.

Sau khi quyết định về quê, vợ chồng anh Chăm đã nghĩ tới kịch bản có thể đẻ con dọc đường.

"Nếu vợ chồng tôi ở lại thì không có tiền để đóng nhà trọ nên phải về quê thôi. Cực chẳng đã nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác. Đi đường tôi lo lắng sợ vợ đẻ ở đường và cũng tính đến việc nếu như vậy sẽ nhờ cảnh sát giúp đỡ chứ không biết làm thế nào. 

Có lúc đi xe thủng săm được vá giúp. Đi qua khu vực miền trung mưa như trút nước. Khi đến Hà Nội thì mệt quá rồi. Tôi phải để vợ nghỉ ngơi lúc mới có sức khoẻ đi tiếp", anh Chăm chia sẻ.

"Hy vọng đứa con trong bụng sẽ khoẻ mạnh khi chào đời. Chỉ còn một ngày nữa thôi là sẽ về tới nhà. Vợ chồng cùng nhau cố gắng lên", đôi mắt thâm quầng, đỏ ngầu vì bụi bẩn anh Chăm động viên vợ.

Chuyện của những bà bầu trong chuyến hồi hương đáng nhớ nhất cuộc đời: Người vì dịch đến sát ngày sinh không biết con là trai hay gái, người lo sợ đẻ rơi dọc đường - Ảnh 2.

Gia đình anh Giàng Mí Cở cũng quyết định về quê khi không thể bám trụ lại nơi đất khách quê người.

Khuôn mặt lộ rõ nét mệt mỏi sau khi cùng vợ và hai con nhỏ vượt chặng đường dài, anh Giàng Mí Cở (24 tuổi, người dân tộc Mông, sinh sống tại Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang) cũng như ngồi trên đống lửa khi đứa con trong bụng vợ đã đến ngày sinh.

"Vợ chồng tôi vừa vào Bình Dương được 6 tháng thì chỉ đi làm được 3 tháng, 3 tháng còn lại vợ chồng phải ở nhà vì dịch. Nhà đông người lại không có việc làm ổn định nên hai vợ chồng mới quyết gửi 2 con nhỏ cho ông bà rồi mang đứa út vào trong này để chăm sóc.

Thời gian đi làm ở công ty gỗ hai vợ chồng cũng có đồng ra, đồng vào với gửi về quê cho ông bà nuôi hai cháu nhưng 3 tháng nay không đi làm được nên quá vất vả. Không biết tình hình này kéo dài đến bao giờ nên hai vợ chồng tôi mới quyết định về quê", anh Cở chia sẻ.

Chuyện của những bà bầu trong chuyến hồi hương đáng nhớ nhất cuộc đời: Người vì dịch đến sát ngày sinh không biết con là trai hay gái, người lo sợ đẻ rơi dọc đường - Ảnh 3.

Vì dịch, đứa con trong bụng chị Dính gần ngày sinh nhưng không rõ trai hay gái.

Còn vợ anh Cở, chị Làu Thị Dính vừa cõng đứa con nhỏ trên lưng vừa đưa tay đỡ lấy bụng. Con chưa đầy 1 tuổi vợ chồng chị Dính lại chuẩn bị đón tiếp đứa con thứ tư. Dù gần đến ngày sinh nhưng vợ chồng anh chị chưa biết đứa con của mình là trai hay gái.

"Mải đi làm xong lại phải ở nhà vì dịch nên không có thời gian đi khám, đến giờ vợ chồng vẫn chưa biết con là trai hay gái. Trong suốt quãng đường từ Bình Dương ra tới đây vợ chồng cũng lo lắng, sợ đẻ con dọc đường nhưng vẫn cố động viên nhau có gì nhờ mọi người giúp.

Ban đầu vợ chồng tôi tính đẻ trong Bình Dương nhưng dịch phức tạp nên khi được về là về luôn. Giờ về tới đây cũng đỡ lo phần nào, giờ khổ không sợ chỉ mong về tới nhà nhanh nhanh nếu vợ có sinh ở nhà cũng đỡ", anh Cở tâm sự.

Hành trình về quê đáng nhớ nhất cuộc đời

Ngồi bệt ở một góc bên vệ đường, anh Mua A Sềnh (24 tuổi, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) kể, đây là kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời mình. Chiếc xe máy cũ đã "cõng" theo gia đình 4 người, mấy túi đồ đã "kiệt sức" khi về tới chốt kiểm dịch số 1 TP.Hà Nội (huyện Phú Xuyên).

Chuyện của những bà bầu trong chuyến hồi hương đáng nhớ nhất cuộc đời: Người vì dịch đến sát ngày sinh không biết con là trai hay gái, người lo sợ đẻ rơi dọc đường - Ảnh 4.

Vợ chồng anh Sềnh mệt mỏi bên những đứa con thơ của mình sau hành trình gần 2000 km.

Sau hành trình gần 2000 km về tới Hà Nội, anh Sềnh chỉ còn duy nhất chiếc áo sơ mi còn khô, toàn bộ túi đồ bị ướt khi gặp cơn mưa lớn ở Hà Tĩnh. Ngồi nhìn đứa con trai 3 tuổi đang nằm ngủ dưới nền đường, vợ chồng anh Sềnh lộ rõ vẻ mệt mỏi.

Anh Sềnh chia sẻ, vợ chồng mới bước chân vào Bình Dương từ hồi tháng 3. Cả gia đình 4 người trông chờ vào đồng lương công nhân của anh. Thế nhưng vừa làm chưa đầy 4 tháng do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến anh Sềnh cùng những công nhân khác bị ảnh hưởng, phải nghỉ việc ở nhà.

"Suốt mấy tháng qua không có lương, gia đình tôi sống nhờ số tiền ít ỏi tích cóp được và Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, tiền nhà trọ tôi không thể không kham được nữa khi dịch còn kéo dài. Cuộc sống quá khó khăn nên vợ chồng tôi quyết định đưa con về quê bằng xe máy", anh Sềnh nói.

Chuyện của những bà bầu trong chuyến hồi hương đáng nhớ nhất cuộc đời: Người vì dịch đến sát ngày sinh không biết con là trai hay gái, người lo sợ đẻ rơi dọc đường - Ảnh 5.

Cuộc sống quá khó khăn nên vợ chồng anh Sềnh quyết định đưa con về quê bằng xe máy.

Suốt 4 ngày qua, gia đình anh Sềnh cùng nhau đi trên chiếc xe máy cà tàng, băng băng trên mọi ngả đường. Lúc đối mặt với trời nắng cháy xém da, lúc trời mưa tầm tã.

"Trên đường đi tôi gặp nhiều người là đồng hương cũng đi xe máy lỉnh kỉnh đồ đạc về quê nên nhập đoàn đi cùng nhau. Xe máy của tôi đi từ Nam ra Bắc qua Kon Tum, Huế Nghệ An bị hỏng chân đạp số, hỏng đèn. Đi giữa trời tối phải soi đèn pin hoặc đi nhờ ánh sáng từ xe của mọi người. 

Xe về đến Hà Tĩnh mưa rất to. Cả nhà đội mưa ướt sũng. Lúc đó, nhiều khi muốn dừng lắm nhưng không dám dừng ở nhà dân vì sợ mọi người nghĩ mình đi từ ổ dịch về.

Nói thật, 4 ngày nay cả nhà chưa được thay quần áo. Đi ướt sũng xong gặp gió lại khô. Nhìn hai đứa con tôi như đứt từng khúc ruột. Đường về quê còn dài, phải đối mặt với không ít nguy hiểm nhưng chỉ có về nhà chúng tôi mới có thể qua giai đoạn khó khăn này", anh Sềnh chia sẻ.

Chuyện của những bà bầu trong chuyến hồi hương đáng nhớ nhất cuộc đời: Người vì dịch đến sát ngày sinh không biết con là trai hay gái, người lo sợ đẻ rơi dọc đường - Ảnh 6.

Những ngày này là những ngày đáng nhớ trong cuộc đời gia đình anh Phàng A Cở.

Hành trình hồi hương cũng là những ngày đáng nhớ trong cuộc đời gia đình anh Phàng A Cở (26 tuổi, xã Mường Bang, huyện Phù Yên, Sơn La). Anh Cờ kể, trong lúc chở vợ cùng 2 con nhỏ đi cùng đoàn không may va quệt xe khiến con trai 3 tuổi của anh là bé Phàng A Mình bị rách ở phần chân, chảy nhiều máu.

"Lúc đó tôi đã rất hoảng và chảy nước mắt. Gia đình tôi gặp nạn khi xe vừa đến Hà Nội. Nhờ được giúp đỡ tôi vội đưa con đi bệnh viện chụp chiếu, khâu lại vết thương. Con tôi phải khâu mất 6 mũi, cũng may con không ảnh hưởng nhiều tới sức khoẻ. Rất may lúc đó vợ và đứa con 11 tháng tuổi của tôi không bị sao cả", anh Cở nói.

Chia sẻ