Cập nhật lúc 18:15 - 13/10/2021

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 7/10: "Một tiếng ho của TP.HCM, cả nước lòng đau quặn thắt"

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2021-10-06T17:10:00

    Số ca nhiễm nCoV ở Bình Dương thấp nhất trong hơn 2 tháng

    Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết trong ngày 6/10, tỉnh ghi nhận 852 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc mới trong toàn tỉnh lên 218.812 ca.

    Theo ông Chương, mặc dù số ca nhiễm vẫn còn cao, nhưng đây là ngày có số ca nhiễm thấp nhất trong hơn 2 tháng qua ở Bình Dương tính từ ngày 7/8.

    "Mục tiêu của tỉnh trong thời gian tiếp theo là điều trị tích cực để giảm tỷ lệ số ca tử vong", ông Chương nói và thông tin trong thời gian qua số ca nhập viện, số ca bệnh nặng và số ca tử vong ở Bình Dương đều giảm đi rất nhiều (tỷ lệ tử vong dưới 1% số ca mắc).

    Thời gian tới, ngành y tế Bình Dương đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 chủ yếu cho công nhân, người lao động để các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất.

    Ngoài ra, theo ông Chương số lượng vaccine hiện có của Bình Dương chỉ đủ để tiêm cho khoảng 50% tổng số dân trên 18 tuổi. Hiện, Bình Dương đã tiêm 2.396.832 liều/3.386.250 liều vaccine được phân bổ (2.032.781 mũi 1 và 364.051 mũi 2).

    Với 176 đội tiêm chủng cố định và khoảng 100 đội lưu động, mỗi ngày ngành y tế Bình Dương có thể tiêm được từ 100.000 - 150.000 liều vaccine. Khi vaccine được cung cấp đầy đủ, dự kiến trong khoảng 20-30 ngày, tỉnh sẽ hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vaccine cho toàn bộ người dân.

    Theo Zingnews.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-06T23:10:00

    Chính phủ đồng ý mua, nhập, nhận viện trợ vượt 150 triệu liều vaccine Covid-19

    Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 122/NQ-CP về mua vaccine phòng Covid-19 do AstraZeneca sản xuất của Chính phủ Hungary.

    Tại Nghị quyết này, Chính phủ đồng ý số lượng vaccine mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ trong năm 2021 vượt con số quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ (khoảng 150 triệu liều vaccine).

    Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu trong việc mua 400.000 liều vaccine phòng Covid-19 do AstraZeneca sản xuất của Chính phủ Hungary.

    Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện việc mua vaccine phòng Covid-19 do AstraZeneca sản xuất của Chính phủ Hungary, đảm bảo chất lượng vaccine, hiệu quả, tiến độ trong phòng, chống dịch Covid-19./.

    Theo Báo Chính phủ.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-06T23:10:00

    App PC-COVID cập nhật sửa màu thẻ COVID-19 để phân biệt thẻ xanh

    Theo Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, bản cập nhật của PC-COVID mới trên iOS hiển thị màu thẻ xanh nhạt để phân biệt với thẻ xanh COVID-19 và cung cấp cách ẩn mã QR mới.

    Phiên bản tên mã 4.0.4, vừa được nâng cấp dành cho các thiết bị chạy hệ điều hành iOS. Để cập nhật, người dùng lên App Store, tìm PC-COVID và bấm cập nhật.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 7/10: App PC-COVID "tiếp tục" cập nhật sửa màu thẻ để phân biệt với thẻ xanh - Ảnh 1.

    Phiên bản mới thẻ COVID tại trang chủ. Ảnh: Cục Tin học hóa

    Theo Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, dữ liệu tiêm phòng COVID-19 cũng sẽ được cập nhật đầy đủ trong 1-2 ngày tới trên app PC-COVID.

    Trước đó, trao đổi với báo chí, đại diện Theo Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia thừa nhận thẻ xanh tại trang chủ (viền xanh – mã QR màu đen) sẽ gây nhầm lẫn với thẻ xanh trong tính năng 3 màu thẻ cảnh báo. Do đó, phiên bản mới này là màu thẻ mặc định được chuyển sang xanh mờ, nhằm giúp người dùng phân biệt với màu "Thẻ xanh COVID-19". Tuy nhiên, hiện quy định cấp thẻ với màu xanh - vàng - đỏ vẫn chưa được ban hành, nên màu thẻ của mọi người dùng ứng dụng đều giống nhau.

    Ban đầu, thiết kế giao diện mặc định của ứng dụng có màu xanh đậm với mã QR đen. Còn trên thẻ xanh/vàng/đỏ, màu mã QR được đổi tương ứng với màu thẻ. Tuy nhiên, nhiều người hiểu nhầm họ đã được cấp "thẻ xanh", nên nhóm phát triển phải làm mờ tông màu trong bản cập nhật mới.

    Tính năng ẩn thông tin QR cũng được cải tiến, giúp người dùng bảo vệ thông tin tốt hơn. Mã QR sau khi ẩn không hiển thị đủ thông tin cá nhân của người dùng mà thay thế bằng các ký tự *, và vẫn có thể sử dụng để quét khi ra vào các địa điểm. QR khi được ẩn sẽ không có viền vàng như phiên bản 4.0.2.

    Người dùng kích hoạt chế độ ẩn bằng cách vào Menu > Cài đặt > Ẩn thông tin trên QR. Nếu bật chế độ này, mã QR tự động ẩn thông tin sau 60 giây hoặc khi người dùng chạm vào.

    Ngoài ra, bản cập nhật mới cũng sửa một số lỗi về giao diện và tối ưu hóa hiệu năng. So với bản phát hành đầu tiên, menu ứng dụng trên iOS hiện có thêm tiện ích hướng dẫn sử dụng, bỏ tiện ích Lịch.

    Thời gian tới, ứng dụng vẫn sẽ tiếp tục được cập nhật để thuận tiện, an toàn hơn cho người dùng, cũng như phù hợp với chiến lược phòng chống dịch.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-07T00:10:00

    Người có ‘thẻ xanh COVID-19’ tự cách ly 7 ngày khi về quê

    Ngày 6/10, Bộ Y tế đã có công văn về việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, trong đó nêu rõ người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi COVID-19 tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm ngày đầu.

    UBND các tỉnh, thành phố tiếp nhận người về từ Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An chỉ đạo thực hiện việc cách ly và xét nghiệm cho người dân cụ thể: Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh) cho tất cả những người về từ Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An vào ngày đầu tiên khi tiếp nhận. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý theo quy định.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 7/10: App PC-COVID "tiếp tục" cập nhật sửa màu thẻ để phân biệt với thẻ xanh - Ảnh 1.

    Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành phố chỉ đạo Sở Y tế, UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức tiếp nhận, quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát những người thực hiện cách ly, tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trên địa bàn.

    Về việc cách ly đối với người về từ Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bộ Y tế cho biết, những người đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19):

    Tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và luôn thực hiện Thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.

    Những người tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ vàng trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng của cơ quan có thẩm quyền cấp) thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện Thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương.

    Những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, thực hiện cách ly 14 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và luôn thực hiện Thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương.

    Theo Báo Tin tức.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-07T00:10:00

    Nhiều người né tránh cách ly khi về miền Tây, F0 tiếp tục tăng

    Ngày 6/10, các tỉnh miền Tây tiếp tục đón dòng người từ TP.HCM và các tỉnh lân cận về quê. Cơ quan chức năng đã ghi nhận tình trạng người dân lén lút tách đoàn để trốn cách ly.

    Trước nguy cơ lây lan dịch bệnh, các địa phương đã tăng cường lực lượng dẫn đoàn, huy động các tổ Covid-19 cộng đồng và người dân tham gia giám sát.

    Tại Sóc Trăng đã sàng lọc được trên 100 F0 trong các đoàn người về quê. Ngoài việc giao các địa phương phát huy tốt vai trò giám sát của tổ Covid-19 cộng đồng, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu người dân ngoài tỉnh khi về quê hãy đến cơ sở y tế gần nhất để khai báo.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 7/10: App PC-COVID "tiếp tục" cập nhật sửa màu thẻ để phân biệt với thẻ xanh - Ảnh 1.

    Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, trưa 6/10, địa phương này tiếp tục đón 321 người về quê bằng xe máy. Tổng số người hồi hương trong 6 ngày qua lên đến hơn 14.000, trong đó có gần 40 F0 (tăng 28 người so với cuối ngày 5/10).

    Còn Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết xứ dừa đã tiếp nhận trên 4.600 người về quê tự phát, chưa kể 697 người được đón từ TP.HCM về Bến Tre bằng ôtô.

    "Trong khoảng 4.600 người về quê tự phát có 65 F0. Tỉnh đang cách ly tập trung bà con để xét nghiệm sàng lọc. Những trường hợp đủ điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và trẻ em, người già sẽ được cách ly tại nhà", ông Tam chia sẻ.

    Tại An Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết từ ngày 1/10 đến nay, gần 40.000 người đã về địa phương này. Dù chưa xét nghiệm sàng lọc hết nhưng ngành y tế đã phát hiện 190 người nhiễm nCoV, tăng thêm 60 trường hợp so với chiều 5/10.

    Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết trong khoảng 20.000 người về quê, ngành đi tế sàng lọc được 122 F0. Trong đó, 8 trường hợp tái dương tính nCoV. Vì vậy, tỉnh rất thận trọng khi quyết định những trường hợp cho cách ly tại nhà.

    Theo Zingnews.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-07T04:10:00

    Những đường bay nội địa nào được phép hoạt động từ ngày 10/10?

    Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 dần được kiểm soát và căn cứ ý kiến thống nhất của cơ quan chức năng với các địa phương, các hãng hàng không đã khởi động lại nhiều đường bay nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và thúc đẩy kinh tế-xã hội, du lịch.

    Đại diện Vietnam Airlines Group cho hay hãng dự kiến khôi phục hoạt động vận tải hành khách trên 7 đường bay nội địa từ ngày 10/10.

    Cụ thể, Vietnam Airlines và Pacific Airlines dự kiến khôi phục các đường bay 2 chiều giữa TP Hồ Chí Minh và Thanh Hóa, Nha Trang, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Phú Quốc với tần suất mỗi hãng 1 chuyến/ngày. Vietnam Airlines cũng mở lại đường bay hai chiều giữa TP Hồ Chí Minh và Huế với tần suất 1 chuyến/tuần, đường bay một chiều từ Vinh đến TP Hồ Chí Minh với tần suất 2 chuyến/tuần.

    Đối với các đường bay còn lại, Vietnam Airlines và Pacific Airlines đang tiếp tục theo sát chỉ đạo của cơ quan chức năng trên cơ sở thống nhất ý kiến với các địa phương để xây dựng lịch bay và mở bán vé. Các hãng sẽ thông báo kế hoạch khai thác các đường bay ngay sau khi nhận được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng và các địa phương liên quan.

    “Các hãng sẽ mở bán vé trên toàn hệ thống bao gồm website, ứng dụng di động, các đại lý chính thức và phòng vé ngay khi có sự cho phép của cơ quan chức năng,” đại diện Vietnam Airlines Group cho biết.

    Do kế hoạch khai thác có thể bị thay đổi theo tình hình dịch bệnh và yêu cầu của nhà chức trách, Vietnam Airlines và Pacific Airlines đã xây dựng chính sách hoàn, đổi vé linh hoạt cho hành khách. Đặc biệt, hành khách mua vé của Vietnam Airlines trong giai đoạn từ nay đến ngày 31/10/2021 sẽ được miễn toàn bộ phí đổi vé.

    Với Vietjet Air, từ ngày 10/10, hãng mở lại 7 đường bay và sẵn sàng đón khách trên các chuyến bay xanh, an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19.

    Theo đó, Vietjet Air dự kiến sẽ khai thác các đường bay kết nối TP Hồ Chí Minh với Quy Nhơn (Bình Định), Thanh Hóa, Tuy Hòa (Phú Yên), Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa) với tần suất từ 1 chuyến khứ hồi/ ngày. Các đường bay Thanh Hóa-Nha Trang và Thanh Hóa-Phú Quốc sẽ khai thác 2 chuyến khứ hồi/tuần.

    Liên quan đến kế hoạch bay nội địa, Bamboo Airways sẽ triển khai các kế hoạch khai thác sau khi được Cục Hàng không chính thức cấp phép đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định mới nhất về tổ chức vận tải hành khách đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

    Dự kiến khi được cấp phép mở lại đường bay nội địa, Bamboo Airways sẽ tiến tới khai thác trở lại các đường bay kết nối Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tới hầu hết các sân bay trên toàn quốc như các chặng Hà Nội-Đồng Hới/Đà Nẵng/Quy Nhơn/TP Hồ Chí Minh/Phú Quốc/Cần Thơ/Côn Đảo…và TP Hồ Chí Minh-Vinh/Quy Nhơn/Phú Quốc/Đà Nẵng/Huế…

    Ngoài ra, hãng dự kiến sẽ khai thác các đường bay ngách như Vinh-Buôn Ma Thuột, Vinh-Đà Lạt, Đà Lạt-Buôn Ma Thuột, Phú Quố-Đà Nẵng…

    Các địa phương hoan nghênh việc “mở cửa” lại bầu trời

    Tính đến hết ngày 6/10, Cục Hàng không Việt Nam đã tiếp nhận ý kiến trả lời bằng văn bản của 16 tỉnh, thành phố.

    Trong số này, có 7 địa phương thống nhất toàn bộ với kế hoạch gồm Điện Biên, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Thanh Hóa, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và Cà Mau; 6 địa phương thống nhất từng phần kế hoạch gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Nghệ An và Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng và Bà Rịa-Vũng Tàu. Còn lại, 3 địa phương đề nghị chưa thực hiện kế hoạch gồm: Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai.

    Theo VOV.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-07T05:10:00

    Việt Nam tiêm chủng chạm mốc 50 triệu liều vaccine COVID-19

    Thông tin trên cổng tiêm chủng vaccine COVID-19 cho biết đến 11h ngày 7/10, Việt Nam đã tiêm chủng được 49,967,935 liều vaccine COVID-19. Riêng ngày 6/10  cả nước tiêm 1,167,626 liều vaccine.

    Theo Bộ Y tế, đến ngày 5/10, tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên của khu vực miền Bắc là 45,8%; miền Trung là 42,6%; Tây Nguyên là 15,4% và miền Nam là 59,2%.

    - Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, TP HCM, Long An, Bình Dương là 6 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vaccine cho trên 90% dân số từ 18 tuổi trở lên

    - 3 địa phương có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vaccine cho từ 80-90% dân số từ 18 tuổi trở lên là Lạng Sơn, Đà Nẵng, Đồng Nai.

    - Hà Nam, Bắc Ninh, Yên Bái, Phú Yên là 4 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vaccine cho từ 50-70% dân số từ 18 tuổi trở lên.

    - 12 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vaccine cho từ 30-50% dân số từ 18 tuổi trở lên là Hải Phòng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Điện Biên, Ninh Thuận, Tiền Giang, Tây Ninh, Cần Thơ, Đồng Tháp.

    - 38/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vaccine cho từ 10-30% dân số từ 18 tuổi trở lên.

    Theo Sức khoẻ và Đời sống.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-07T07:10:00

    Trưa 7/10, Hà Nội thêm 2 ca mắc Covid-19 đều liên quan đến BV Việt Đức

    Trưa 7/10, Sở Y tế Hà Nội thông báo, trong sáng nay (7/10) ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 đã được cách ly tại quận Bắc Từ Liêm và Hoàn Kiếm.

    Cả hai ca bệnh này đều liên quan đến BV Việt Đức.

    Cụ thể:

    Chùm liên quan BV Hữu Nghị Việt Đức (2):

    1) N.T.T.T, nữ, sinh năm 1979.

    Địa chỉ: Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

    Dịch tễ: BN đi chăm chồng từ ngày 22/9 tại BV Hữu Nghị Việt Đức. Ngày 30/9 BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả âm tính. Ngày 3/10 bệnh nhân được chuyển vào khu cách ly tập trung. Ngày 6/10 BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính

    2) X.V.H, nam, sinh năm 1976.

    Địa chỉ: Hiền Lương, Đà Bắc, Hòa Bình.

    BN là người nhà đi chăm con điều trị từ ngày 26/9 tại BV Hữu Nghị Việt Đức. Ngày 30/9 BN đã được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả âm tính. Ngày 4/10 bệnh nhân được chuyển vào khu cách ly tập trung. Ngày 6/10 BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính

    Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 4.025 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.603ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.422 ca.

    Theo Sở Y tế Hà Nội.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-07T08:10:00

    Bác sĩ Bùi Quang Huy: "Một tiếng ho của TP.HCM, cả nước lòng đau quặn thắt"

    Sáng 2/9, đoàn công tác (đợt 3) gồm 50 cán bộ y tế của Bệnh viện E do bác sĩ Bùi Quang Huy làm trưởng đoàn đã lên đường vào TP.HCM thay cho 45 cán bộ y tế của bệnh viện đang làm việc tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM. Tại Lễ tuyên dương cán bộ công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM hôm 6/10, bác sĩ Bùi Quang Huy đã có bài phát biểu xúc động trước khi chia tay đồng bào TP.HCM để trở về Hà Nội. Báo Tiền Phong giới thiệu toàn văn bài phát biểu của bác sĩ Bùi Quang Huy tại buổi lễ.

    "Vậy là cuộc chiến quy mô lớn nhất với đại dịch COVID-19 mà chiến trường trọng tâm là TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam đã bước sang tháng thứ 4. Có thể nói đây là một cuộc chiến đặc biệt chưa hề có tiền lệ, không có tiếng súng, chỉ có tiếng monitor, máy thở nhưng mức độ khốc liệt, bi hùng của nó không hề kém những cuộc chiến tranh không trong ngoặc kép khác. COVID-19 là một loại bệnh, nhưng cuộc chiến với đại dịch COVID-19 lại không chỉ của riêng ngành y.

    Đứng riêng về góc độ những nhân viên y tế từ mọi miền Bắc, Trung, Nam đến với TP.HCM, khi quyết định xung phong lên đường, chúng tôi đều xác định, không phải chỉ là hỗ trợ, mà đây thực sự là cuộc chiến của mình, phải chiến đấu bằng 200% sức lực để san sẻ với các đồng nghiệp thành phố.

    Trong mấy tháng qua, chúng tôi, những nhân viên y tế cùng với lãnh đạo và nhân dân TP.HCM, các lực lượng vũ trang và các lực lượng tình nguyện khác, chúng ta đã sát cánh bên nhau chiến đấu. Theo một nghĩa rộng về cuộc chiến của con người với virus, chúng ta đã trở thành những người đồng đội thân thiết của nhau.

    Như báo cáo tóm tắt của TP.HCM về diễn biến dịch, chúng ta đã cùng nhau trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ lo lắng, động viên nhau kiên cường bám trụ khi con số nhiễm và thương vong tăng lên; cũng như chia sẻ nhau niềm lạc quan, hy vọng, khi các con số chậm lại, giảm dần rồi sau cùng là niềm hân hoan trong ngày thành phố bắt đầu kế hoạch bình thường mới trở lại và dịch bệnh đã ở phía bên kia sườn dốc.

    Đứng riêng về góc độ những nhân viên y tế từ mọi miền Bắc, Trung, Nam đến với TP.HCM, khi quyết định xung phong lên đường, chúng tôi đều xác định, không phải chỉ là hỗ trợ, mà đây thực sự là cuộc chiến của mình, phải chiến đấu bằng 200% sức lực để san sẻ với các đồng nghiệp thành phố. Động lực của chúng tôi đến từ những điều giản dị. Trước hết, đó là trách nhiệm của một người làm nghề y trước bệnh tật, sau nữa là tình đồng loại trước nỗi đau của đồng bào.

    Nhân nhắc tới hai từ đồng bào thân thương, tôi xin phép được dùng xen kẽ danh xưng thân mật: TP.HCM. Đất nước Việt Nam ta như một cơ thể thống nhất không thể tách rời, dù trải qua bao thăng trầm lịch sử. Nếu người ta hay ví trái tim Hà Nội, khúc ruột miền Trung, thì tôi gọi TP.HCM là lá phổi. Một tiếng ho của TP.HCM, cả nước lòng đau quặn thắt.

    Đại diện cho các đồng nghiệp, các đoàn công tác, các lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tôi xin bày tỏ sự xúc động và vinh dự trước sự ghi nhận, vinh danh của TP.HCM. Chúng tôi muốn nói lời cảm ơn đến những sự tiếp đón nồng hậu, trọng thị mà thành phố đã dành cho chúng tôi. Giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, ngổn ngang bao nhiêu công việc, đối mặt với bao áp lực mà lãnh đạo thành phố và Sở Y tế TP.HCM vẫn cố gắng dành cho chúng tôi những sự quan tâm và điều kiện tốt nhất trong khả năng để chúng tôi yên tâm thực hiện sứ mệnh cứu người.

    Về góc độ người làm chuyên môn, chúng tôi cũng bày tỏ lòng kính trọng với những nỗ lực ứng phó tiến bộ từng ngày của thành phố trước dịch bệnh.

    Như chúng ta đã chứng kiến trong gần 2 năm qua, trên khắp 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại dịch COVID-19 đi tới đâu là tàn phá nặng nề tới đó. Nó có thể gây áp lực khủng khiếp, thậm chí làm sụp đổ cả hệ thống y tế, ngay cả những quốc gia hùng mạnh, tiềm lực hơn chúng ta rất nhiều như Mỹ, Anh, Pháp, Ý… cũng không ngoại lệ. Chúng tôi hiểu rằng, khi COVID-19 đã trở thành một đại dịch, với hơn 200 triệu ca nhiễm toàn cầu, giống như giữa một biển nước mênh mông thì làm gì có căn nhà nào không ngập, việc phải đối mặt với những đợt bùng phát của nó, chỉ là chuyện sớm, hay muộn.

    Việc đổ lỗi thật là dễ, nhưng làm mới khó. Qua một quá trình đồng hành với thành phố, chúng tôi nhận thấy, sau những bối rối ban đầu, mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải gặp, thành phố cùng với Trung ương đã nhanh chóng củng cố, bổ sung lực lượng và bộ máy của chúng ta phản ứng nhịp nhàng hơn, tiến bộ hơn qua từng trận đánh.

    Thú thực, trước ngày lên đường, qua báo chí, mạng xã hội, chúng tôi đã tưởng tượng ra một TP.HCM hỗn loạn, đau thương, một hệ thống y tế bị đánh sập và vỡ trận. Nhưng không, khi vào đến nơi, tôi không thấy một Vũ Hán, một Lombardy nào ở đây cả, TP.HCM vẫn lâm nguy, nhưng không loạn.

    Nơi đoàn chúng tôi làm việc, bệnh viện Hồi sức COVID-19 tại thành phố Thủ Đức là một trong những mặt trận khốc liệt, và có lẽ cũng như tất cả các mặt trận mà các đồng nghiệp ngồi đây tham gia. Dù có những hy sinh, mất mát, đã là một cuộc chiến, thương vong là điều không thể tránh.

    Động lực của chúng tôi đến từ những điều giản dị. Trước hết, đó là trách nhiệm của một người làm nghề y trước bệnh tật, sau nữa là tình đồng loại trước nỗi đau của đồng bào.

    Dù có lúc, áp lực từ hơn 10.000 ca nhiễm; hàng trăm ca tử vong mỗi ngày ở TP.HCM khiến cho chúng tôi phải gồng mình gấp nhiều lần. Nhưng ca trực với đầy đủ anh em đồng nghiệp Bắc, Trung, Nam vẫn đoàn kết nắm chặt tay nhau, kiên gan lì lợm giữ chặt đội hình, không có ai bi quan, nản chí.

    Để có được tinh thần đó, không thể chỉ bằng nỗ lực cá nhân, mà phải đến từ cả niềm tin vào hệ thống. Chúng tôi luôn luôn biết, mình không đơn độc. Lãnh đạo TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM luôn có mặt thường xuyên, liên tục, bám sát tình hình và sát cánh cùng chúng tôi; nhân dân thành phố luôn ủng hộ và dõi theo chúng tôi.

    Và cho tới hôm nay, không phải chỉ là niềm tin nữa, mà sự thật, hệ thống y tế của chúng ta đã đứng vững.

    Cơn bão nào rồi cũng sẽ qua, trên bầu trời thành phố, mây mù đang dần tan, và những tia nắng đầu tiên đã xuất hiện, báo hiệu những bình minh trong trẻo. Dù chặng đường phía trước còn rất nhiều gian nan, như Đảng và Nhà nước đã xác định, cuộc chiến với COVID-19 không phải là tư duy chiến dịch nữa, mà là tư duy cho một cuộc trường kỳ kháng chiến. Nhưng chúng tôi tin tưởng vào các đồng chí, các đồng nghiệp. TP.HCM, thành phố mang tên Bác kính yêu sẽ đứng dậy, mạnh mẽ hơn sau giông bão.

    Lời cuối cùng chúng tôi muốn nói, thưa người dân thành phố, dù lưu luyến nhưng cũng sẽ đến lúc chúng tôi phải nói lời chia tay, để trở về với nhiệm vụ thường nhật của mình. Chúng tôi sẽ gìn giữ những ký ức về những ngày tháng bi hùng này trong tâm trí, và sẽ luôn mang theo trong lòng tình cảm nồng ấm mà TP.HCM đã dành cho chúng tôi. Nhất định một ngày không xa, chúng tôi sẽ trở lại, nhưng không phải là để chiến đấu 'một cung đường, hai điểm đến' nữa, mà là để đi dạo giữa đường hoa Nguyễn Huệ, ngắm nhìn một TP.HCM trẻ trung năng động, để cảm nhận thứ đặc sản đặc trưng nhất của TP.HCM là tình người. Và chúng tôi sẽ mỉm cười nhẹ nhõm, với một niềm tự hào là mình cũng đã góp một phần nhỏ bé cho tương lai đó".

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-07T11:10:00

    Hà Nội tiếp tục không ghi nhận ca cộng đồng, 5 ca trong khu cách ly

    Chiều 7/10, Sở Y tế Hà Nội thông báo:

    - Số ca mắc mới từ 12h ngày 07/10 đến 18h ngày 7/10 ghi nhận 02 ca mắc đã được cách ly:  

    + Phân bố theo quận huyện: Hoàn Kiếm (1).

    + Phân bố theo chùm ca bệnh: Chùm liên quan BV Hữu Nghị Việt Đức (1).

    - Như vậy tính từ 18h ngày 6/10 đến 18h ngày 7/10 ghi nhận 5 ca khu cách ly: Hoàn Kiếm (3), Bắc Từ Liêm (1), Phú Xuyên (1).

    Số mắc cộng dồn tại Hà Nội Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 4.026 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.603ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.423 ca.

    Theo Sở Y tế Hà Nội.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ