Chuyện ‘Cá chép hóa rồng’ ở tuổi 50: Bỏ ngang công việc bảo vệ ở toà án nhàm chán, vượt qua kỳ thi tư pháp, trở thành luật sư chuyên giúp đỡ người nghèo

Trần Anh,
Chia sẻ

Thay vì mỗi đêm luôn tự dằn vặt, trằn trọc về những hối tiếc chưa thực hiện, vậy thì tại sao chúng ta không dũng cảm một lần mà lao về phía hoài bão? Chẳng phải chúng ta chỉ sống có một lần trong đời hay sao?

Thời gian trước, trên mạng đã lan truyền một câu chuyện truyền cảm hứng cho vô số người: Một bác bảo vệ tòa án 50 tuổi, sau bốn năm nỗ lực, cuối cùng đã vượt qua kỳ thi tư pháp và trở thành một luật sư.

Triệu Truyền Chu, nhân vật chính của câu chuyện, khi còn là một nhân viên bảo vệ, nhìn thấy các luật sư ra vào tòa án, ông đã rất thích và hứng thú với pháp luật, vì thế ông ước mơ có thể được trở thành một luật sư.

Từ đó, một người còn chưa tốt nghiệp trung học phổ thông như ông ấy đã bắt đầu lao vào dày công đèn sách, ôn luyện đủ loại sách pháp luật, làm không dưới 10 ngàn đề thi thử, trong đoạn thời gian đó ngày nào ông cũng ngủ sau 2 giờ đêm. Cuối cùng sau 4 năm khổ luyện, ông đã thành công vượt qua kỳ thi tư pháp và trở thành một luật sư.

Ông ấy nói rằng mình muốn trở thành một luật sư công ích, hỗ trợ pháp lý cho những người không đủ khả năng nộp đơn kiện.

Cư dân mạng ai nấy cũng đều cảm thán:

"Tôi muốn khóc rồi đây này, những người có lý tưởng đều thật giỏi!".

"Cháu cũng đang chuẩn bị thi luật, vốn dĩ không có động lực, nhưng thấy bác giỏi như vậy, cháu cũng phải cố gắng nỗ lực mới được!".

"Không có lý do gì để chúng ta không nỗ lực và cố gắng!".

"Ước mơ của một người bình thường đã khiến vô số người cảm động".

Trên thực tế, tất cả chúng ta đều có hoài bão và khát vọng, nhưng theo thời gian, những khát vọng này đã dần bị những thử thách khó khăn tiêu diệt đi mất. Nhưng cuộc đời là những chuyến tàu chờ cập bến, nếu không cố gắng vào bờ thì sẽ chỉ có thể mãi mãi lênh đênh trên biển cả vô tận.

Chuyện ‘Cá chép hóa rồng’ ở tuổi 50: Bỏ ngang công việc bảo vệ ở toà án nhàm chán, vượt qua kỳ thi tư pháp, trở thành luật sư chuyên giúp đỡ người nghèo  - Ảnh 1.

"Trong đêm tối lạc lối, hãy nhìn lên những vì sao"

Lý Minh Dũng, khi còn chưa tốt nghiệp cấp 2 anh đã làm việc ở công trường từ sáng đến tối, sau đó, anh có cơ hội được làm bảo vệ cho một trường đại học. Từ đó Lý Minh Dũng được tiếp xúc với nhiều loại kiến thức hơn, và anh đặc biệt yêu thích môn mỹ học.

Anh quyết định vừa học vừa làm, một người còn chưa tốt nghiệp cấp 2 như anh ta lại có thể tự mình ôn thi đậu vào trường đại học, sau này còn trở thành giảng viên đại học chuyên ngành mỹ học.

Các học sinh rất ngưỡng mộ anh, nói: "Thầy Lý không dùng các học thuật cứng nhắc để dạy chúng tôi, thầy rất linh hoạt và thường dùng những gì mà thầy đã tự thân trải qua để dạy chúng tôi. Chúng tôi thấy ở thầy một loại sức sống vô tận".

Cách đây ít lâu, một đoạn video quay cảnh một nhân viên trung niên của ga tàu điện ngầm phục vụ hành khách bằng tiếng Nhật cũng đã trở nên phổ biến trên internet.

Cô ấy tên là Vương Vĩ Lâm, vì yêu thích ngôn ngữ nên lúc rảnh rỗi cô đã tự học 8 ngoại ngữ, khi làm việc trong ga tàu điện ngầm, cô cũng thường hay chú ý học ngoại ngữ từ các hành khách nước ngoài. Giờ đây, cô đã thành thạo các kỹ năng đàm thoại cơ bản của 8 thứ tiếng và có thể giao tiếp thành thạo ngoại ngữ khi gặp người nước ngoài.

Một nhân viên bảo vệ có thể nghiên cứu học luật và trở thành một luật sư chính nghĩa. Người lao động nhập cư có thể học mỹ học và trở thành giảng viên đại học xuất sắc. Nhân viên ga tàu điện ngầm có thể tự học ngoại ngữ và nói được 8 thứ tiếng,...

Chuyện ‘Cá chép hóa rồng’ ở tuổi 50: Bỏ ngang công việc bảo vệ ở toà án nhàm chán, vượt qua kỳ thi tư pháp, trở thành luật sư chuyên giúp đỡ người nghèo  - Ảnh 2.

"Tất cả chúng ta đều sống trong những đêm lạc lối, nhưng vẫn có những người lựa chọn nhìn lên những vì sao"

Là những người bình thường, chúng ta có thể không có tài năng, không có cơ hội trong tầm tay, không có trí tuệ phù hợp với lý tưởng của chúng ta ngay từ đầu, cộng thêm bản chất cuộc sống khiến chúng ta choáng ngợp. Nhưng như thế mới là cuộc sống, nếu nó quá dễ dàng cho mọi thứ thì nó sẽ mất giá trị ngay, và nếu bạn đạt được một thứ gì đó mà thiếu đi những thử thách liệu bạn có còn thấy vui vẻ hay không?

Tôi đã từng nghe ở đâu đó một câu nói rất "đánh thức" con người, rằng: "Tiền lương là thứ mà người khác trả cho bạn để bạn quên đi ước mơ của chính mình. Nếu bạn không dũng cảm thực hiện ước mơ của mình thì người khác sẽ thuê bạn thực hiện ước mơ của họ."

Mỗi chúng ta đều không nên từ bỏ ước mơ của mình, dù cho sóng gió cuộc đời có lớn thế nào, mong rằng bạn sẽ vẫn luôn làm việc chăm chỉ, hiện thực hóa ước mơ. Nếu trong lòng bạn luôn có một ước mơ chưa thành hiện thực, thì hãy gác lại mọi phân vân và do dự, dốc toàn bộ tâm trí vào nó, bạn sẽ thấy rằng sau một thời gian dài kiên trì, mầm nhỏ nhất định sẽ nở hoa.

Tôi hy vọng nhiều năm sau, khi nhìn lại cuộc sống của mình, chúng ta sẽ có thể tự hào mà nói: "Tôi đã từng cuồng nhiệt theo đuổi ước mơ của mình như thế đấy!".

Chia sẻ