Câu đố Tiếng Việt: Vì sao ngược lại với "ĂN CHAY" lại là "ĂN MẶN?" – Tìm hiểu nguồn gốc của từ này mới thấy bất ngờ quá
99% người dùng không hiểu vì sao đối lập với "ăn chay" lại là "ăn mặn".
Ăn chay là việc thực hành kiêng ăn thịt (thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản và thịt của bất kỳ loài động vật nào khác). Ngoài ra, một số người còn kiêng các sản phẩm phụ của quá trình giết mổ động vật. Và đối lập với ăn chay là việc ăn mặn. Nhưng ngược lại với "ăn mặn" phải là "ăn nhạt" chứ! Có bao giờ bạn thắc mắc về vấn đề trên?
Một số ý kiến từng cho rằng, gọi là "ăn mặn" vì trong quá trình chế biến thức ăn, chúng ta thường cho các gia vị như: Mắm, muối, hạt tiêu,… để tăng hương vị thơm ngon. Chẳng hạn như thịt thường rang cùng muối, cá chế biến thành nhiều món như: Cá nấu, cá rán chấm nước mắm, cá kho…. Có lẽ vì thế nên người ta gọi là "ăn mặn".
Nếu bạn nghĩ từ "mặn" trong "ăn mặn" ở đây liên quan đến muối thì rõ ràng chẳng phải là từ trái nghĩa với "ăn chay". Theo Thượng toạ Thích Ngọc Từ, từ "ăn mặn" vốn có gốc là "ăn mạng", tức là mạng sống của chúng sinh. Sau này, một phần do thời gian, một phần do sắc thái nghĩa không có thiện cảm nên từ "ăn mạng" đã bị đọc chệch đi thành "ăn mặn" và được sử dụng phổ biến trong ngày nay. Nhiều người nhận xét đọc từ "ăn mạng" nghe có phần ghê sợ, rùng rợn.
Điều này là hoàn toàn hợp lý. Chẳng hạn như nếu bạn đang thưởng thức món thịt gà quay thơm ngon hay ăn thịt kho tàu hấp dẫn, ai đó trông thấy và nói rằng: "Bạn đang ăn mạng hả?" thì chắc sẽ thót tim, giật mình vì sợ hãi.
Tóm lại, từ "ăn mặn" đối lập với "ăn chay" không liên quan đến muối. Mặn hiểu ở đây không có nghĩa là mặn lạt. Ăn mặn là từ chỉ việc ăn uống thường của con người, không quan hệ với bất cứ phong tục, tập quán hay tín ngưỡng nào. Nói một cách khác: Ăn mặn có nghĩa là ăn tất cả các loại thực phẩm có thể ăn được trên Trái đất.
Càng tìm hiểu càng thấy, nhiều từ Tiếng Việt có nguồn gốc, câu chuyện đằng sau quá thú vị phải không nào?