Chưa tới rằm tháng Chạp, bà nội trợ đã lên mạng đặt bánh bao trái đào cúng tạ để dồi dào tài lộc
Còn 2 ngày nữa là tới rằm tháng Chạp - rằm cuối cùng của năm 2019, nhưng các bà nội trợ đã lên mạng đặt bánh bao đào tiên đẹp mắt, thơm ngon để cúng rằm.
Với nhiều bà nội trợ Việt, việc cúng Rằm tháng Chạp – rằm cuối cùng của một năm trước ngày ông Công ông Táo và Tết niên rất có ý nghĩa. Bởi thế, dù bận rộn đến đâu, họ cũng cố gắng sửa soạn một mâm cúng Rằm tươm tất, cầu kỳ và chỉn chu hơn.
Tùy theo gia chủ mà lễ cúng Rằm tháng Chạp có thể diễn ra trong ngày 14 tháng Chạp hoặc 15 tháng Chạp (theo Âm lịch).
Mỗi gia đình sẽ tiến hành lễ cúng khác nhau. Nhiều nhà có thể cúng chay hoặc cúng mặn. Dù lễ cúng nào, mục đích đều thể hiện sự tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên.
Với nhiều gia đình Việt, lễ cúng Rằm tháng Chạp thường phải có các lễ vật sau: Hương, hoa tươi, hoa quả tươi, trầu cau, nước sạch, nến. Ngoài lễ chay như trên thì cũng có thể cúng thêm lễ mặn vào ngày này gồm: Xôi (hoặc bánh chưng), thịt gà luộc, khoanh giò/chả, các món mặn khác như canh, đồ xào… Trong đó, với nhiều gia đình Việt không thể thiếu được bánh bao trái đào để dâng cúng tổ tiên, phật thánh.
Nắm bắt được tâm lý này, chị Phan Châu Yên, 35 tuổi ở số nhà 116, ngõ 165 Cầu Giấy, Hà Nội năm nào đến Rằm tháng Chạp là chị lại nhận được rất nhiều order của khách hàng. Như Rằm tháng Chạp năm nay, chị mới rao trên facebook được 1 ngày đã nhận được khoảng 300 bánh của khách đặt trước. Ngoài ra, những khách đặt mua bánh bao trái đào sỉ cũng rất nhiều.
Người làm bánh bao trái đào này chia sẻ, nguyên liệu để làm loại bánh bao này cũng gần như bánh bao thông thường. Bao gồm: Bột mì, bột nở, baking powder, muối, đường, sữa tươi, dầu ăn. Tuy nhiên công đoạn làm thì tỉ mỉ, cầu kỳ hơn nhiều.
"Khi làm bánh bao trái đào, quan trọng nhất là khâu đánh bột và tạo hình. Ban đầu thì phải trộn đều nguyên liệu. Sau đó, chia bột theo khối lượng rồi nặn tạo hình trái đào và tạo khe đào. Đợi bánh nở thì mới phun màu rồi hấp bánh", chị Phan Châu Yên kể.
Người phụ nữ khéo léo này cũng khẳng định, bánh bao trái đào rất đẹp mắt và thơm ngon nên được nhiều khách hàng yêu thích. Vì chúng mang hình dáng là một trái đào nên được nhiều gia đình Việt lựa chọn bởi tượng trưng cho tài lộc, mang sự may mắn đến cho gia đình vào những ngày rằm, dịp tết Nguyên Đán hằng năm. Bởi thế, khách hàng quen thường đặt bánh bao trái đào để dâng tổ tiên, dâng phật là vì vậy.
"Bánh bao làm từ bột mì, bột màu thực phẩm của công ty bánh kẹo Tràng An nên an toàn tuyệt đối. Bánh cũng là bánh chay nên dâng Phật hay cúng cơm mặn đều được", chị Châu Yên cho hay.
Người bán loại bánh bao lạ mắt này cũng khẳng định, bánh để nhiệt độ thường được 5 ngày. Khi ăn hấp nóng lại, bánh sẽ vẫn thơm ngon.
Được biết, 1 set 5 bánh bao trái đào có giá 65 ngàn đồng. Với set 7 bánh bao trái đào có giá 80 ngàn đồng. Set 9 bánh bao trái đào có giá 95 ngàn đồng. Riêng với việc bán bánh bao trái đào quả lẻ có giá 10 ngàn đồng/trái.
Khi hỏi về thu nhập từ việc tất bật làm bánh bao trái đào bán những ngày rằm, Tết Nguyên Đán, chị Châu Yên cũng thành thật chia sẻ: "Ngoài bánh bao trái đào, mình hàng ngày làm nhiều loại bánh để bán như bánh bột lọc, bánh mochi, bánh sữa chua, bánh hạnh nhân, bánh trôi tàu…. Mình thường làm lấy công làm lãi là chính và chủ yếu để tạo việc làm cho người nhà. Chỉ cần thực khách ăn rồi yêu thích nhớ đến nhà mình và đặt hàng tiếp là mình vui lắm".