‘Chiến thần công sở’ tiết lộ: 1 kỹ năng mềm giúp sếp quý, đồng nghiệp nể, sự nghiệp cất cánh
Nhờ áp dụng kỹ năng này, nhiều người đã ‘lật thân’ ngoạn mục ở nơi công sở.
"Các triệu phú và CEO đều đề cao tầm quan trọng của việc làm việc hiệu quả, có tổ chức và làm việc 24/7 để xây dựng nên một sự nghiệp thành công. Những điều trên không có gì sai, tuy nhiên, có một kỹ năng khác có thể mang lại cho những người thành công lợi thế cạnh tranh tại nơi làm việc, đó là trở thành một người biết lắng nghe. Rèn luyện bản thân trở thành người biết lắng nghe, từ người thường bạn cũng có cơ hội trở thành 'siêu nhân' nhờ biết chọn lọc học hỏi, phát huy năng lực bản thân và không ngừng bồi dưỡng. Theo đó, đà thăng tiến cũng có cơ hội rộng mở." - Sarah Sarkis - nhà tâm lý học và giám đốc cấp cao về tâm lý học hiệu suất của Exos, cho biết.
Tại Exos, một công ty huấn luyện về hiệu suất công việc, Sarkis và nhóm của mình bao gồm các chuyên gia dinh dưỡng, nhà vật lý trị liệu và các chuyên gia sức khỏe khác dạy các cầu thủ NFL, giám đốc điều hành tại các công ty trong danh sách Fortune 100 như Adobe và Humana, và các chuyên gia khác cách đương đầu và phát triển trong môi trường áp lực cao.
Sarkis đã phát hiện ra rằng điều khiến những người đạt thành tích cao khác biệt với những người khác là họ giỏi giao tiếp, và lắng nghe tích cực là "một kĩ năng quan trọng, nhưng thường bị đánh giá thấp".
"Rất ít người biết cách tham gia một cách chú tâm vào một cuộc trò chuyện và phản hồi lại những gì người khác đang nói một cách thấu đáo. Thay vào đó, hầu hết mọi người rơi vào cái bẫy lắng nghe mà không hiểu quan điểm của người khác. Bạn bước vào cuộc trò chuyện với tâm thế là muốn nó nhanh nhanh kết thúc, hoặc bị phân tâm… Bạn đảo mắt, thở dài, ngắt lời ai đó hoặc chăm chăm vào chiếc điện thoại của mình. Đôi khi chính phong cách lắng nghe này là lý do tại sao các cuộc trò chuyện, đàm phán và tranh luận của bạn đi chệch hướng", Sarkis giải thích.
Dưới đây là 3 chiến lược giúp trở thành một người biết cách lắng nghe hơn tại nơi làm việc:
1. Biết điểm mạnh và điểm yếu của bản thân
Đầu tiên, bạn phải tìm hiểu xem bạn đang ở thang điểm hay mức độ nào xét về khía cạnh một người biết lắng nghe. Sarkis khuyên bạn nên hỏi ba đồng nghiệp, người cố vấn hoặc bạn bè đáng tin cậy về biểu hiện của bạn trong các cuộc trò chuyện.
"Hãy hỏi họ xem bạn khiến họ cảm thấy thế nào khi bạn ở trạng thái tốt nhất và cả lúc tệ nhất của bạn, khi bạn đang bị phân tâm, kích động, căng thẳng", Sarkis nói.
Sarkis giải thích rằng những người giỏi lắng nghe có tác động tích cực đến cảm giác của mọi người sau khi nói chuyện với họ và những phản hồi này có thể giúp bạn đánh giá liệu bạn đã là một người biết lắng nghe hay chưa.
2. Thực hành sử dụng kỹ năng nghe phản xạ
Trong cuộc trò chuyện tiếp theo của bạn với đồng nghiệp hoặc khách hàng, hãy thực hành lắng nghe phản xạ, nghĩa là tóm tắt những gì bạn nghe được và hỏi người đối phương xem liệu bạn có đang tóm tắt chính xác những gì họ vừa nói hay không.
Nếu không, hãy bảo họ giải thích hoặc nói rõ hơn.
Cô ấy nói: "Lắng nghe có phản xạ cho thấy rằng bạn đồng cảm và thực sự quan tâm đến những gì đối phương nghĩ."
Tất cả chúng ta đều muốn được lắng nghe, lắng nghe là sự tôn trọng cơ bản nhất dành cho một người, cũng là một trong những cách nhanh nhất giúp bạn có được thiện cảm từ một người.
3. Luôn tò mò
Sarkis nói, nếu bạn bị lơ đãng trong cuộc trò chuyện hoặc không hiểu ai đó đang nói gì, hãy đặt những câu hỏi mở, chẳng hạn như:
Làm thế nào tôi có thể giúp bạn?
Có thể cho tôi một ví dụ được không?
Bạn cảm thấy thế nào về tình huống này?
Theo Sarkis, phương pháp này sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ và sự tin tưởng với người khác. Nó cũng cho thấy rằng bạn cởi mở với phản hồi và sẵn sàng học hỏi từ họ.
Để trở thành một người biết lắng nghe hơn cần phải luyện tập và kiên nhẫn, nhưng một khi bạn đã thành thạo, thì "nó chẳng khác nào một siêu năng lực. Bạn có thể đạt được nhiều điều hơn nữa khi những người làm việc cùng bạn cảm thấy được công nhận, được lắng nghe và được hỗ trợ."