Chỉ trong vòng 25 năm, trẻ em mắc "vấn đề" này tăng gấp 5 lần: Cha mẹ thiếu tỉnh táo, rất dễ rơi vào "bẫy"
Nếu thiếu sự tỉnh táo và hiểu biết, các bậc cha mẹ rất dễ trở thành "lúa non" cho người ta gặt.
Một chuyên gia tâm lý mới đây chia sẻ trên diễn đàn dành cho người làm cha mẹ câu chuyện thu hút sự chú ý:
"Cuối tuần, tôi đưa con đi dự tiệc sinh nhật bạn học. Một người kể về cậu con trai 9 tuổi nhà mình với vẻ đầy lo lắng. Cậu bé hiếu động, ngồi không yên, làm bài tập thì quên trước quên sau, bảo gì cũng "gió thổi qua tai".
Trước giờ chị cứ nghĩ con mình chỉ là nghịch ngợm như bao bé trai khác. Nhưng rồi một lần lướt mạng, chị tình cờ thấy bảng tự kiểm tra ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý), đối chiếu xong thì phát hiện con mình gần như trúng hết. Cảm giác như tim chị lạnh đi một nửa, như thể cuộc đời con từ nay đã "hỏng rồi". Song, khi đã có "kết quả", lòng chị lại thấy... yên tâm phần nào ít ra thì những "vấn đề" của con cũng đã có một lời giải thích".
Người này đặt câu hỏi: "Nhưng liệu những "lời giải thích" và "vấn đề" này thực sự chính xác chứ? Hay các bậc cha mẹ đang vô tình trở thành miếng mồi béo bở?".

Ảnh minh họa
Làm bài tập chậm chạp, lộn xộn - Đọc sách nhảy dòng, bỏ chữ... đều là ADHD?
Là cha mẹ, chắc hẳn ai cũng rất hiểu cảm giác khi thấy con mình có dấu hiệu bất thường, sẽ sốt ruột muốn biết nguyên nhân. Nhiều cha mẹ thấy con ngồi học không yên, hành vi có phần "khác biệt", liền đưa con đi khám chỉ để tìm được một "câu trả lời". Nhất là trong môi trường giáo dục áp lực như hiện nay, ai cũng sợ con tụt hậu, nên khi giáo viên gợi ý có dấu hiệu bất thường, phụ huynh càng dễ vội vàng đưa đi chẩn đoán.
Thế nhưng nếu thiếu sự tỉnh táo và hiểu biết, các bậc cha mẹ rất dễ rơi vào bẫy chẩn đoán mơ hồ, điều trị quá đà của các tổ chức thiếu đạo đức – nơi mà cả phụ huynh lẫn trẻ đều trở thành "lúa non" cho người ta gặt.
Điển hình là các bảng tự kiểm tra ADHD tràn lan trên mạng:
Ngồi không yên, dễ mất tập trung
Làm bài tập chậm chạp, lộn xộn
Đọc sách nhảy dòng, bỏ chữ
Dễ nổi cáu, hay cãi lời, khó ngủ
Không kiên nhẫn, hay mơ màng
Nhầm lẫn chữ cái b và d...
Chỉ cần trúng vài mục, là trẻ có nguy cơ "mắc ADHD hoặc tự kỷ"! Cha mẹ vừa đối chiếu xong thì hoảng hốt. Không ít phụ huynh sau đó tiếp tục đưa con đi khám chuyên sâu, can thiệp hành vi hoặc cho dùng thuốc. Cũng có người sốt ruột quá liền tìm đến các phương pháp "dân gian" như: Uống thuốc Bắc hàng ngày. Day bấm huyệt mỗi sáng.
Không thể trách họ vì Tây y còn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể gây ADHD, thì cha mẹ thử Đông y cũng là điều dễ hiểu. Lên mạng, bạn có thể thấy rất nhiều cha mẹ thử đủ mọi phương pháp: Từ Tây y, Đông y, liệu pháp cảm giác, đo điện não, từ trường xuyên sọ, bổ sung thực phẩm chức năng… đủ cả.
Không phủ nhận ADHD hay tự kỷ là những tình trạng có thật. Nhưng mong cha mẹ tỉnh táo, đừng để tình yêu dành cho con trở thành miếng mồi cho các tổ chức thiếu đạo đức lợi dụng. Cha mẹ có thể chấp nhận mất tiền, nhưng không thể đánh đổi bằng sức khỏe con mình.
Số trẻ được chẩn đoán tăng vọt trong 25 năm
Tại Mỹ, vấn đề chẩn đoán mơ hồ và điều trị quá đà cho trẻ ADHD hay tự kỷ đã gây tranh cãi suốt nhiều năm. Theo báo cáo chính thức gần đây, CDC đã khảo sát hồ sơ y tế và học tập của trẻ 8 tuổi để ước tính tỷ lệ tự kỷ. Kết quả: Trung bình cứ 31 trẻ thì có 1 bé được chẩn đoán tự kỷ. Bình luận được nhiều người ủng hộ nhất lại là: "Tôi nghi ngờ con số này".
Vì sao? Vì tốc độ gia tăng số ca chẩn đoán thật sự kinh khủng. Trong 25 năm qua, số lượng trẻ em được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ đã tăng vọt chỉ riêng tại Hoa Kỳ, gần gấp năm lần so với 25 năm trước và hiện nay.

Trẻ ADHD cũng không ngoại lệ: Hơn 6,1 triệu trẻ từ 2–17 tuổi (chiếm 9,4%) được chẩn đoán ADHD. Trong số này, khoảng 75% đang điều trị bằng thuốc, liệu pháp hoặc cả hai.
Lý do khiến nhiều người nghi ngờ số liệu chẩn đoán, là vì việc đánh giá chủ yếu dựa vào quan sát hành vi, không có xét nghiệm sinh học hay di truyền khách quan. Một nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí PMC còn khẳng định: ADHD bị chẩn đoán quá mức, đặc biệt là các trường hợp nhẹ – và không loại trừ khả năng các hãng dược đứng sau mở rộng định nghĩa bệnh để tăng doanh số.
Bệnh thật hay… thị trường béo bở?
Sự thật là, thị trường thuốc ADHD toàn cầu năm 2023 đã lên tới 14,3 tỷ USD, dự kiến tăng lên 15 tỷ USD trong 2024. Tại Mỹ, ADHD thường được điều trị bằng thuốc kích thích, chiếm hơn 70% thị phần do hiệu quả nhanh, rõ rệt nên được các hãng dược tích cực quảng bá. Điều này cho thấy một động cơ kinh tế khổng lồ để mở rộng chẩn đoán, gia tăng số trẻ dùng thuốc.

Một số công ty tài trợ các chương trình y tế, tác động tới bác sĩ kê đơn. Kết quả là nhiều trẻ vốn chỉ chậm chạp đôi chút, nay bị gắn mác "ADHD" và bước vào hành trình uống thuốc không cần thiết.
Trên Reddit, có hẳn chủ đề "Bạn có tin ADHD đang bị chẩn đoán quá mức không?". Một phụ huynh kể con mình bị nghi ADHD vì đọc kém. Bác sĩ đầu tiên quan sát thấy trẻ ngọ nguậy khi làm bài, liền chẩn đoán ADHD và kê thuốc. Nhưng cha mẹ cảm thấy con chỉ chán nản vì không thể diễn đạt được ý, nên đi khám nơi khác. Bác sĩ thứ hai chẩn đoán trẻ bị khó khăn đọc viết, đề xuất chiến lược hỗ trợ không dùng thuốc. Sau nhiều năm luyện tập, cậu bé trở thành người mê đọc sách.
Phụ huynh cần tỉnh táo, không "quá" cũng không thiếu"
Cha mẹ cần giữ sự tỉnh táo, không để bị dắt mũi bởi quảng cáo, dịch vụ giá rẻ hay bảng tự kiểm tra. Cũng đừng vì sợ hãi mà bỏ lỡ thời gian vàng can thiệp.
Hãy nhớ đừng để bản thân bị thu hút bởi những quảng cáo, dịch vụ giá rẻ hay các bảng tự kiểm tra trên mạng. Một bác sĩ chuyên nghiệp thực sự phải là người kiên nhẫn giải đáp thắc mắc và giải thích rõ ràng quy trình chẩn đoán cũng như điều trị.
Thứ hai, khi tiếp xúc với các cơ quan chuyên môn, cha mẹ không nên tin tưởng mù quáng vào kết quả chẩn đoán của một chuyên gia hay một cơ sở duy nhất. Nhiều ý kiến chuyên môn luôn đáng tin cậy hơn một ý kiến đơn lẻ.

Một người khác chia sẻ: Hồi tiểu học bị bác sĩ kê thuốc ADHD chỉ sau vài phút khám. Sau đó, em thường xuyên chóng mặt, tim đập nhanh, phải vào phòng y tế. Cuối cùng bác sĩ phát hiện các triệu chứng do thuốc, và yêu cầu ngừng uống. Cậu nói: "Dù tôi có ADHD, thì mức độ cũng rất nhẹ, không cần thuốc. Tôi chỉ làm bài chậm hơn chút thôi". Khi không có xét nghiệm sinh học khách quan, rất khó biết trẻ thật sự mắc bệnh, hay là nạn nhân trong chuỗi lợi ích.
Ngoài hãng dược và cơ sở y tế, còn có một yếu tố khác khiến phụ huynh… chủ động đi chẩn đoán: Quyền lợi học tập sau chẩn đoán.
Được chẩn đoán rồi thì sao? Ở Mỹ, sau khi được xác nhận ADHD hay tự kỷ, trẻ sẽ được hưởng đặc quyền học tập như: Thêm thời gian làm bài thi SAT. Giảm bài tập về nhà. Linh hoạt giờ học. Được giáo viên "ưu ái" khi chấm điểm... Với một số người, tờ giấy chẩn đoán giống như tấm "giấy thông hành vô hình".
Ngay cả khi đi nhiều bệnh viện như vậy, vẫn có thể xảy ra chẩn đoán sai, vì vậy đừng bao giờ dựa vào một kết quả duy nhất để kết luận. Hãy đến nhiều cơ sở y tế, thông qua đánh giá chéo từ bác sĩ nhi, chuyên gia tâm lý trẻ em và các chuyên gia khác để đảm bảo tính chính xác của chẩn đoán.
Khi liên quan đến thuốc men, cha mẹ nhất định phải thảo luận kỹ với bác sĩ, hiểu rõ tác dụng của thuốc, các tác dụng phụ có thể xảy ra, và theo dõi định kỳ hiệu quả của thuốc. Việc điều trị bằng thuốc nên kết hợp với các biện pháp can thiệp khác như trị liệu tâm lý, huấn luyện hành vi, chứ không nên chỉ phụ thuộc vào thuốc.
Cuối cùng, một số phụ huynh có thể nghĩ rằng "con mình không có vấn đề gì" hoặc lo sợ con bị gắn mác, nên trì hoãn việc điều trị. Nếu thực sự phát hiện con có vấn đề, can thiệp sớm là vô cùng quan trọng.
Điều trị và hỗ trợ kịp thời không chỉ giúp cải thiện triệu chứng mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển sau này của trẻ, tránh để vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Cha mẹ hãy tin rằng, những "nhãn mác" sau chẩn đoán không phải là gánh nặng, không phải là cái nhìn thiên kiến, càng không phải là điểm kết thúc để định nghĩa con trẻ. Chúng là điểm khởi đầu để hiểu, hỗ trợ và giúp con phát triển.
Theo 163