Ngưỡng 30 của cộng đồng LGBT: Những “kết hôn” tinh thần, trước hay sau 30 liệu có quan trọng?

HUY NGUYÊN,
Chia sẻ

Có những người tưởng chừng nằm ngoài câu chuyện kết hôn tuổi 30 đang gây tranh cãi trên mạng xã hội. Tôi là một ví dụ - một gã đồng tính sắp bước sang tuổi 30. “Kết hôn” là điều gì đó quá lạ lẫm với chúng tôi, trước hay sau 30 cũng không phải vấn đề quan trọng.

Cách tiếp nhận câu chuyện “Nên kết hôn trước tuổi 30” của mỗi người mỗi khác - những người đã kết hôn trước năm 30 thả sức ủng hộ, người trẻ chấp chới những năm 20 hối nhau rằng “sắp hết hạn mức”, cười ngặt nghẽo. Câu chuyện kết hôn dường như nằm ngoài sự quan tâm của tôi - một gã đồng tính chấp chới đầu 30. 

Hôn nhân trong những cuộc tranh luận của mọi người là một sự ràng buộc về pháp lý rõ ràng, điều mà chắc chắn tôi không có được, hoặc ít nhất không phải trong thời điểm hiện tại. Khi là người dị tính, bạn sẽ đôi khi rơi vào những cuộc tranh luận như vậy: Kết hôn trước 30 hay sau 30? Phụ nữ nên sinh con vào lúc nào. 

Còn những người đồng tính, cuộc tranh luận “hôn nhân” của họ không bị ràng buộc bởi tuổi tác, dù ở tuổi nào đi chăng nữa thì họ cũng mong muốn có được một người để “kết hôn” tinh thần. 

 - Ảnh 1.

“Kết hôn” là điều gì đó quá lạ lẫm với chúng tôi, trước hay sau 30 cũng không phải vấn đề quan trọng.

Nhiều lúc tôi nghĩ rằng, đó cũng là một lợi thế với những người đồng tính. Khi đặt ra khoảng thời gian sau hay trước 30, người ta đưa vào cân nhắc những yếu tố khác ngoài cảm xúc và liên kết giữa hai người. 

Người ủng hộ kết hôn trước 30 có những lý lẽ về tuổi sinh nở tốt cho con, sự an nhàn khi về già; người ủng hộ kết hôn sau 30 tin rằng mình sẽ có sự trưởng thành về tính cách và ổn định kinh tế. 

Chúng tôi nghĩ gì nếu “kết hôn”? Ràng buộc duy nhất của những cuộc “kết hôn” đồng tính trong bối cảnh tại Việt Nam là sự hòa hợp với con người, sự chấp nhận lẫn nhau về mặt tính cách, giá trị sống tương đồng. Vì đơn giản đó là “hôn nhân tinh thần”.

 - Ảnh 2.

Tôi cho rằng nền tảng của hôn nhân không còn là tình yêu thuần túy, đó là trách nhiệm về việc xây dựng một gia đình. Khi còn nhiều trở ngại và rào cản, đa phần người đồng tính như chúng tôi vẫn bước vào cuộc hôn nhân bằng tình yêu, sự thấu hiểu, chia sẻ - hơn là một trách nhiệm đè nặng trên vai. Nhìn một cách thực tế, đấy không phải điều tốt hoàn toàn.

Một cái nhìn về hôn nhân

Câu chuyện về khuyến nghị kết hôn khiến tôi nghĩ đến một cái nhìn mới về hôn nhân của những người đồng tính. Câu chuyện về pháp luật sẽ tạm thời đặt sang một bên khi đó là một hành trình dài phía trước. Bạn tôi thỉnh thoảng vẫn hỏi, “nếu được kết hôn, mày sẽ lựa chọn kết hôn trước 30 hay sau 30?”.

Kết hôn với chúng tôi vẫn là câu chuyện lấy mối liên hệ giữa hai người làm trung tâm. Là một người đồng tính khiến tôi coi trọng sự ràng buộc tinh thần giữa hai người trong một mối quan hệ hơn là sự ràng buộc về các điều khoản và quy định. Trách nhiệm hóa hay vật chất hóa hôn nhân ở một mức độ quá lớn đều khiến ý nghĩa của hôn nhân đi quá xa so với sự gắn kết, vốn được coi thiêng liêng hơn rất nhiều.

 - Ảnh 3.

Tôi vẫn tin rằng “mái ấm” hay “gia đình” là nơi có người chờ mình về, có người để chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống, có người để làm những trò kỳ quặc trong một thế giới không phán xét, không có sự kỳ thị. Nghe có vẻ “cliché” nhưng viễn cảnh về một cuộc hôn nhân với chúng tôi là như vậy.

Hồi còn ở Sài Gòn, tôi có dọn về ở chung với bạn trai được hơn 2 năm. Chúng tôi bắt đầu ra khỏi nhà cùng một lúc, hòa vào dòng người tan tầm, nhanh chóng về nhà để nấu ăn, cho chó ăn và ngồi xem Netflix đến tối trước khi ai làm việc người đấy. Căn nhà có những khoảng không gian chung và không gian riêng để mọi người có thể cân bằng sự xuất hiện của một người “xa lạ” trong cuộc đời mình (với tôi các cặp vợ chồng cũng cần như vậy). 

Về cơ bản, tôi thấy đó là một cuộc “hôn nhân tinh thần” thành công khi chúng tôi có sự liên kết tinh thần lớn, thấu hiểu giá trị và sự tôn trọng lẫn nhau – điều có lẽ còn thành công hơn cuộc hôn nhân của ba mẹ với nhiều xung đột. Mọi thứ đã kết thúc trong hiện tại, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng đó chính là một hình mẫu hôn nhân mà tôi muốn và sẽ có những thứ phải thay đổi để nó có thể thành công hơn.

 - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Nếu hỏi một người đồng tính cái nhìn về lứa tuổi hôn nhân, họ sẽ đưa cho bạn những quan điểm khác biệt vì khái niệm “thời gian” và “gia đình” trong mối quan hệ vốn khá khác biệt với những tiêu chuẩn thông thường. Trước hay sau 30, chúng tôi vẫn ưu tiên về một người phù hợp hơn là phải làm thỏa mãn những tiêu chuẩn được xã hội đề ra hay gia đình áp đặt. Vì vốn từ đầu, mọi thứ đã khác biệt. 

Hôn nhân nếu lấy những quy chuẩn về việc sinh sản, áp lực công việc và trách nhiệm gia đình làm chuẩn mực sẽ bị giới hạn về thời gian, nhưng nếu coi tình yêu, sự thấu hiểu, sự đồng điệu hay bất cứ liên kết tinh thần bền chặt nào làm nền tảng thì ngoài 40 vẫn có thể xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Áp lực duy nhất với người đồng tính khi bước vào tuổi 30, nếu bạn chưa “come out” chính là mong đợi về một cuộc hôn nhân mà tôi gọi nó là để “thỏa lòng bố mẹ” và giải quyết nhu cầu duy trì nòi giống của gia đình. 

Ở một khía cạnh nhất định, cái nhìn về hôn nhân dễ dàng hơn với tôi khi không bị quy chuẩn đè nặng nhưng nhìn từ một góc độ khác, chúng tôi phải chịu hai luồng suy nghĩ về “hôn nhân” đè trên vai.  Tôi từng nghĩ rằng, không ai nghĩ về hôn nhân nhiều như chúng tôi.

 - Ảnh 5.

Nhiều người vẫn cứ đinh ninh rằng, người đồng tính đều nằm trong nhóm ủng hộ việc kết hôn ngoài 30. Chẳng phải vậy, không phải người đồng tính nào cũng không muốn kết hôn hay ràng buộc trong một mối quan hệ lâu dài. Tôi vẫn mong muốn có thể kết hôn trước tuổi 30, dù là một cuộc “hôn nhân tinh thần” hay kết hôn đúng với pháp luật, miễn là mọi thứ được thực hiện theo nguyện vọng và nhu cầu của bản thân chứ không phải sắp đặt. 

Khi Tùng - cậu bạn thân nhất của tôi, quyết định đi du học, Tùng nói rằng nó muốn ở lại và kết hôn với một người Canada. Con đường kết hôn hay người đàn ông nó muốn ở bên trọn đời cũng mù mờ như mùa đông tuyết phủ nơi thành phố Quebec. Điều duy nhất nó biết là mình muốn kết hôn. Câu chuyện kết hôn không rõ gương mặt, không rõ mối tình, chỉ biết rằng bạn tôi có một khao khát mãnh liệt. 

“Tao cũng muốn kết hôn và có một cuộc sống hạnh phúc” - nhiều người như bạn tôi vẫn đặt hạnh phúc trong một tập hợp cùng với kết hôn. Thế mới thấy, hôn nhân là câu chuyện của mỗi cá nhân chứ không phải lựa chọn để áp khuôn lên một tập thể. 

Đôi khi tôi có cảm giác, mình như một kẻ lãng du bước chân qua đám đông tranh cãi ồn ào mà ở đó, mọi quan điểm đều không chạm tới tư tưởng. Ngưỡng 30 với cuộc hôn nhân không có nhiều nghĩa lý với người đồng tính để tranh cãi. 

Tìm được một người để có thể sống đời “sến súa” cùng nhau, định hình lại một khái niệm “hôn nhân” và “hạnh phúc”, đặt bản thân và mối liên kết trong một sự gắn kết quan trọng hơn những trách nhiệm ràng buộc, đó là mục tiêu cho một cuộc “hôn nhân” kiểu mẫu với tôi.  Trước 30 hay sau 30, chúng tôi vẫn dành cả đời để đeo đuổi một lý tưởng hạnh phúc như vậy. 

 - Ảnh 6.

Chia sẻ