Chị em cứ mải chê đồ Tàu, ông bố ở Hà Đông sắm từ thứ nhỏ nhặt nhất cho gia đình mà vẫn "ưng bụng"
Nhiều người không thích dùng các vật dụng, đồ gia dụng, công nghệ của Tàu (hay Trung Quốc) nhưng bản thân anh Lê Bảo (hiện đang sống tại Hà Đông) lại có suy nghĩ ngược lại.
Nhiều năm gần đây khi các trang thương mại điện tử phát triển, nguồn hàng hóa dồi dào, việc giao thương buôn bán cũng được cởi mở hơn. Chính điều này cũng đã khiến người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận được với những hàng hóa có nguồn gốc từ các nước khắp thế giới.
Trong sinh hoạt, công việc, cuộc sống với mỗi người không thể thiếu các vật dụng, đồ công nghệ để phục vụ, tuy nhiên lựa chọn thương hiệu, xuất xứ như thế nào là nhu cầu, sở thích và cả túi tiền của mỗi người.
"Những năm gần đây mình thấy đồ của Trung Quốc khá ổn. Ngày nhỏ, gia đình mình cũng có dùng nhiều đồ do Trung Quốc sản xuất như: xe đạp phượng hoàng, tivi, băng đài, đầu đĩa… Có lẽ đó là một trong những thiện cảm nhỏ nhoi mà mình vẫn có đối với hàng Trung Quốc.
Sau khi trưởng thành, trong đầu mình cũng như bao người khác có quan niệm về đồ Trung Quốc là rẻ, mẫu mã bắt mắt nhưng chất lượng sản phẩm kém. Đơn cử như hồi sinh viên mình dùng nồi cơm điện, quạt điện của Trung Quốc sản xuất, giá chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng thực lòng để so sánh với hàng sản xuất của Việt Nam và nhiều nước khác thì thua xa.
Tiêu chí của mình là mua những mặt hàng đủ dùng: Đủ ở đây có nghĩa không quá sức đối với túi tiền của mình. Ví dụ cần một chiếc smartphone đủ phục vụ cuộc sống, công việc, có ghi âm cuộc gọi, chụp ảnh tạm chấp nhận được thì chẳng tội gì mình bỏ 25-30 triệu để mua chiếc flagship", anh Lê Bảo chia sẻ.
Một vài năm gần đây, anh Bảo có mua, sử dụng khá nhiều đồ Tàu, các sản phẩm đều đặt hàng từ nhiều shop kinh doanh trong nước hoặc order qua một đơn vị trung gian như: 3 đời điện thoại liên tiếp (trong vòng 5 năm qua) đều do một hãng điện tử Trung Quốc sản xuất; máy hút bụi, khóa cửa thông minh, máy lọc nước thông minh, cân điện tử thông minh, đồng hồ thông minh, bàn chải điện, chuột không dây, camera hành trình cho ô tô, camera quan sát, nồi cơm điện, robot hút bụi, các loại pin sạc, pin sạc dự phòng, đèn ngủ…
Với anh Bảo, chiếc điện thoại nó không phải là vật để "khoe đẳng cấp" bởi miễn sao nó "đủ dùng". Nguyên tắc của anh là cứ 1,5 - 2 năm đổi điện thoại mới.
Riêng các đồ gia dụng thông minh, phục vụ cuộc sống như: robot hút bụi, khóa cửa thông minh, máy lọc nước, máy lọc không khí… dù mới sử dụng một thời gian ngắn nhưng anh Bảo cảm nhận ổn. Trong khi đó, giá anh order về Việt Nam khá rẻ.
"Điều mình thích là tất cả đều có thể kết nối wifi, bluetooth qua 1 app, từ đó có thể điều khiển từ xa, thậm chí có những thiết bị dù ở cơ quan, đi làm mình vẫn có thể điều khiển được.
Lấy ví dụ đơn giản như một chiếc khóa cửa thông minh, bản thân mình khi tham khảo trên thị trường có rất nhiều loại, thương hiệu, giá từ dưới 2 triệu đến hàng chục triệu đồng.
Sau khi nghiên cứu, đương nhiên theo tiêu chí ngon-bổ-rẻ mình đã chọn một chiếc giá chưa đến 3 triệu đồng (chưa tính công lắp đặt). Khóa có các phương thức mở cửa như: vân tay, mã số, mã số ảo, mở bằng app trên điện thoại, bằng thẻ từ, chìa cơ… đặc biệt nếu mình đi vắng mà người thân đến mình vẫn có thể cung cấp mã số mở 1 lần", anh Lê Bảo chia sẻ.
Đồ Nhật, Hàn, Châu Âu hay hàng Việt Nam đều khẳng định thương hiệu và đã chiếm lĩnh thị trường rất tốt. Tuy nhiên, riêng bản thân anh Lê Bảo vẫn thích khám phá, sở thích sử dụng các đồ của Trung Quốc (hàng có thương hiệu).
Thời gian tới, nếu có điều kiện anh Bảo sẽ sử dụng thêm các đồ gia dụng (nếu đồ đang dùng trục trặc hoặc hư hỏng) của một vài thương hiệu lớn sản xuất tại Trung Quốc như: Tivi, máy giặt, tủ lạnh, máy rửa bát… đương nhiên tất cả đều là sản phẩm thông minh, kết nối với app.
Ngoài ra, dự định và cũng là ước mơ của anh Bảo trong tương lai nếu đổi căn nhà mới sẽ biến toàn bộ căn nhà của mình thành "nhà thông minh".
Ảnh: NVCC